Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người tiêu dùng đang bị đầu độc

Ngọc Hải| 19/02/2013 07:29

LTS: Không chỉ đến Tết các cơ quan chức năng mới lo ngộ độc thực phẩm, hằng năm chúng ta có rất nhiều đợt ra quân nhưng tình trạng ngộ độc thực phẩm, những hành vi xâm hại môi trường sống vẫn ngày càng tăng. Vậy nguyên nhân do đâu?

LTS: Trước Tết Nguyên đán, Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Quý Tỵ 2013. Theo đó, các đơn vị y tế sẵn sàng thuốc men, phương tiện để ứng phó kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra… Không chỉ đến Tết các cơ quan chức năng mới lo ngộ độc thực phẩm, hằng năm chúng ta có rất nhiều đợt ra quân nhưng tình trạng ngộ độc thực phẩm, những hành vi xâm hại môi trường sống vẫn ngày càng tăng. Vậy nguyên nhân do đâu?

Bài 1: Sống chung với thực phẩm bẩn

"Bệnh tòng khẩu nhập" là câu các cụ ta vẫn nói để nhắc nhở mọi bệnh tật đều do ăn uống không bảo đảm vệ sinh. Hiện nay chúng ta có nhiều cơ quan quản lý về thực phẩm (Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT…) nhưng người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận ăn đủ thứ mầm bệnh vào người. Đó là bún, phở, rau ngâm phoóc môn, hàn the; nội tạng, mỡ động vật thối; lợn, gà có dư chất tạo nạc, chất kháng sinh quá cao; lợn, gà quay được "phết véc-ni"… và hàng trăm loại hoa quả bảo quản bằng đủ kiểu hóa chất không rõ nguồn gốc. 

Tang vật của một vụ buôn bán thực phẩm bẩn mới được các cơ quan chức năng phát hiện tại huyện Thanh Oai.


Thực phẩm bẩn tràn lan

Trong khi người tiêu dùng gần như mất niềm tin vào thực phẩm, rau quả bán ở các chợ thì cơ quan kiểm nghiệm của Bộ Y tế liên tục phát hiện trong thịt gà nhập lậu có tồn dư nhiều loại kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Theo Chi cục Thú y Hà Nội, có tới 20% lượng gà thải loại nhập lậu vào nước ta có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép, 5 mẫu gà thải loại nhập lậu được lấy ngẫu nhiên trên thị trường Hà Nội đều tồn dư chất kháng sinh sulfadiazin vượt ngưỡng cho phép từ 7 đến 19 lần. Theo bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học, kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam, chất Sulfadiazin là một loại kháng sinh bị cấm sử dụng. Nếu người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thịt có tồn dư chất này ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt có thể làm suy chức năng thận.

Bên cạnh đó, cơ quan công an, quản lý thị trường cũng phát hiện ra nhiều loại thực phẩm bẩn, thực phẩm đang trong quá trình phân hủy, chuẩn bị đưa vào các quán "đặc sản". Điển hình là vụ ngày 6-12, Đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm (Phòng CSĐT trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, CATP Hà Nội phối hợp với Đội quản lý thị trường số 17 (Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) kiểm tra kho đông lạnh của Công ty TNHH Thảo Nguyên (trụ sở 180 Phố Ga, Thường Tín, Hà Nội), phát hiện hơn 20 tấn thực phẩm đã bốc mùi. 20 tấn thực phẩm bẩn này gồm chân trâu bò đã sơ chế và chưa qua sơ chế, chờ đóng bao bì nhãn mác chuyển vào TP Hồ Chí Minh để cung cấp cho các nhà hàng làm… lẩu. Trung tá Nguyễn Văn Võ, Đội phó Đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm cho biết thêm, trên địa bàn TP Hà Nội, đặc biệt là khu vực Thường Tín, Thanh Oai… hiện có một số đối tượng thường thu gom những sản phẩm như chân trâu, bò, lòng bò, đuôi bò trôi nổi trên thị trường hoặc tại các lò mổ tư nhân. Sau đó, để vào các kho lạnh, chờ gom đủ lô hàng rồi đóng gói chuyển đến các nhà hàng. Vì vậy, nhiều loại thực phẩm phải "ém" trong kho cả tháng trời nên bị phân hủy do tiếp xúc với nguồn nhiệt. Thực khách ăn phải sẽ có nguy cơ bị ngộ độc cấp hoặc nhiễm các chất bảo quản tồn dư trong thực phẩm.

Lúng túng trong quản lý, xử phạt

Trong khi người tiêu dùng đang hoang mang, không biết thực phẩm nào là sạch, là bẩn thì Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ ra thông điệp khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. "Đó mới chỉ là khuyến cáo thôi. Ra bất cứ chợ nào, anh có đi mỏi chân cũng chẳng tìm được thực phẩm có nguồn gốc hoặc đã qua kiểm dịch" - bà Nguyễn Thị Minh, ở làng Quốc tế Thăng Long (quận Cầu Giấy) bức xúc nói. Cũng theo bà Minh, hầu hết các loại thịt bò, thịt lợn, gà, vịt… hoặc các loại rau được bày bán ở chợ đều do các tiểu thương đưa về từ các nơi. Người bán nói nguồn gốc ở đâu thì người mua biết thế, không có cơ quan nào kiểm tra hoặc bắt buộc phải công khai. Trước, theo quy định, lợn, gà đem ra chợ bán còn thấy cái dấu kiểm dịch xanh xanh đóng ở một góc, nhưng nay thì tịnh không thấy đâu.

Mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế tuyên bố sẽ nêu tên thực phẩm "bẩn". Cách làm này được xem là hữu hiệu bởi hiện nay người dân đang bị nhiễu loạn thông tin, không biết đâu là thực phẩm sạch, bẩn. Cơ sở nào có sản phẩm không đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, khi bị kiểm tra, phát hiện, sẽ bị nêu tên trên báo chí và phạt thật nặng. Thậm chí tiến tới, mỗi loại thực phẩm được sản xuất ra phải có tem an toàn. Quan điểm của Bộ Y tế là thế, nhưng theo một cán bộ quản lý thị trường thì hiện nay, tiểu thương chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không cần biết đến sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí họ biết rõ nguồn gốc thực phẩm bẩn nhưng vẫn cố tình mang ra chợ để tiêu thụ. Trên thực tế đã xảy ra trường hợp một số tiểu thương chống đối khi bị lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, thu giữ thực phẩm bẩn. Chỉ đến khi có sự phối hợp của công an, các tiểu thương mới chịu chấp hành.

Nói về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Phạm Hoàng cho rằng, vấn đề mấu chốt vẫn là các hình thức xử phạt quá nhẹ, chủ yếu là phạt hành chính, tịch thu tang vật, buộc tiêu hủy… nên chưa đủ sức răn đe. Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 1-7-2011 cũng chỉ quy định một số điểm hết sức chung chung như: “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật (tại Điều 6)”. Ngoài ra, một số mức phạt cũng chỉ ở mức không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm. Một vấn đề khác cũng được luật sư Phạm Thanh Tùng đề cập, đó là từ khi luật đi vào thực hiện đến nay, hầu như chưa có tổ chức, cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự dù các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng với mức độ gây nguy hại đến sức khỏe cho con người ngày càng lớn. Đối với quyền của người tiêu dùng thực phẩm, luật sư Tùng cũng cho rằng, mặc dù luật quy định người tiêu dùng được quyền yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thậm chí có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện. Thế nhưng, sau mỗi sự việc đáng tiếc xảy ra, người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.

Quy định xử phạt của luật về vệ sinh an toàn thực phẩm thì còn quá nhẹ, thế nên vi phạm nhiều, lực lượng chức năng xử lý không triệt để… là những "lý do" khiến người tiêu dùng hằng ngày bị đầu độc bằng chính những loại thực phẩm thiết yếu. Bộ Y tế nêu tên những đơn vị kinh doanh thực phẩm không bảo đảm chất lượng cũng là điều tốt. Nhưng sẽ tốt hơn nếu các công ty thực phẩm xây dựng được các chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn, có kiểm tra, kiểm định thường xuyên của cơ quan chức năng. Còn trong hoàn cảnh hiện nay, dù không muốn người tiêu dùng vẫn phải chung sống với thực phẩm bẩn. "Bệnh tòng khẩu nhập" - Bệnh vào từ đường miệng - và có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến bệnh ung thư ngày càng gia tăng với 150.000 ca được phát hiện mỗi năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người tiêu dùng đang bị đầu độc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.