(HNM) - Sau một thời gian dài việc điều hành giá xăng dầu được giao cho liên bộ Tài chính - Công thương thực hiện nhằm mục tiêu bình ổn giá, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng cuối tháng 6-2012 quyền định giá xăng dầu đã được trao cho các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh mặt hàng này.
Việc giá xăng tăng 400 đồng/lít đêm 20-7 khi giá thế giới có xu hướng tăng nhẹ trong một tuần liên tiếp, một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu lợi ích của người tiêu dùng (NTD) có được bảo đảm khi quyền định giá xăng dầu được trao cho DN trong bối cảnh yếu tố độc quyền vẫn đang chi phối thị trường kinh doanh xăng, dầu?
Khách hàng mua xăng tại điểm bán đường Xuân Thủy, Cầu Giấy. Ảnh: Như Ý |
Phải có sự giám sát chặt chẽ
Sau 5 lần giảm giá liên tiếp với mức giảm tổng cộng 3.200 đồng/lít, 22 giờ ngày 20-7, giá xăng bán lẻ đã tăng 400 đồng/lít ngay sau khi quyền định giá mặt hàng thiết yếu này được trao cho các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định (NĐ) 84/CP. Quyết định tăng giá được các DN đề xuất sau một tuần liên tiếp giá xăng, dầu trên thị trường thế giới điều chỉnh tăng. Hai ngày trước đợt điều chỉnh, nhiều đầu mối xăng dầu đã có công văn đề xuất tăng giá gửi tới Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Lý do được đưa ra là giá bán lẻ xăng dầu đã thấp hơn mức giá cơ sở. Tuy nhiên, mức đề xuất tăng giá của các DN lại không thống nhất. Nguyên nhân là theo NĐ 84/CP, giá cơ sở được tính bình quân 30 ngày, song nhiều đầu mối xăng dầu chỉ tính trong 20 ngày, thậm chí 10 ngày để làm cơ sở điều chỉnh. Để thống nhất mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu, tối 20-7, Bộ Tài chính đã có công văn tính toán cụ thể mức chênh lệch này gửi tới các đầu mối. Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá xăng RON 92 thời điểm đó thấp hơn giá cơ sở 390 đồng/lít, dầu diesel 0,5S: 412 đồng/lít, dầu hỏa: 348 đồng/lít và dầu ma dút: 71 đồng/lít.
Ngay sau khi có công văn của Bộ Tài chính, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và các DN đầu mối khác đã thông báo mức tăng giá 400 đồng/lít xăng và dầu diesel, 300 đồng/lít dầu hỏa. Trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu ở nước ta vẫn là thị trường độc quyền với việc Petrolimex chiếm khoảng hơn 60% thị phần, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) chiếm 10%, nếu các DN đầu mối bắt tay tăng giá mặt hàng thiết yếu này, phần thiệt thòi sẽ nghiêng về phía NTD. Bởi, dù tăng, hoặc giảm giá thấp hơn, nhưng các DN nhỏ sẽ nhìn vào mức điều chỉnh của các DN lớn để tăng giá. Một lo lắng lớn hơn của dư luận khi quyền định giá xăng được trao lại cho DN là liệu việc giảm giá bán lẻ xăng dầu khi giá thế giới giảm của các đầu mối có "kịp thời" như lúc họ điều chỉnh tăng để bảo đảm NTD không bị thiệt thòi? Vì, trong 5 lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu gần đây, việc chủ động đề xuất giảm giá của DN không kịp thời như tăng giá. Thậm chí, có DN còn khẳng định, đang có ý định giảm giá thì liên bộ tài chính - công thương đã có chỉ đạo giảm. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, phần thiệt thòi sẽ nghiêng về phía NTD. Vì, dù giá xăng có tăng hợp lý hay không, NTD vẫn phải chấp nhận.
Sẽ giảm độc quyền kinh doanh xăng, dầu
Theo quy định tại NĐ 84/CP, DN chỉ được điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá có biến động 7%. Việc giao quyền tự quyết định giá xăng dầu cho các đầu mối đã được thực hiện vào những tháng đầu năm 2010. Nhưng, sau đó do giá xăng trên thị trường thế giới tăng cao, để thực hiện mục tiêu bình ổn giá, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã trao quyền định giá xăng cho liên bộ tài chính - công thương. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tương đối ổn định, lạm phát trong nước ở mức thấp... việc trao lại quyền định giá xăng dầu cho DN là phù hợp. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải kiểm soát, không để DN tùy ý tăng, mà phải điều chỉnh phù hợp với biến động của chi phí đầu vào. Cơ chế điều hành xăng dầu sắp tới sẽ bổ sung các quy định để tạo thuận lợi cho nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia, cạnh tranh nhằm giảm tình trạng độc quyền thị trường xăng dầu hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng khẳng định, việc trao quyền định giá xăng cho DN chỉ là giải pháp tình thế khi tình trạng độc quyền vẫn chưa được giải quyết. Tại một số nước trên thế giới, DN xăng, dầu lớn nhất chỉ được chiếm 12% thị phần của thị trường. Nếu vượt quá mức này, DN sẽ phải chịu giám sát hoặc chấp nhận giải thể. Trong khi đó, ở Việt Nam, Petrolimex đang chiếm tới 63% thị phần, yếu tố cạnh tranh chưa thể bảo đảm. Vì vậy, việc giao quyền định giá cho DN hiện nay không phải mang tính lâu dài và vẫn phải dựa trên cơ sở quản lý của Nhà nước, bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu với nền kinh tế. Việc quan trọng nhất trong quyết định trao lại quyền định giá xăng, dầu cho DN là chống cơ chế xin, cho. Ngoài ra, khi đã giao quyền, DN phải công khai tất cả thông tin, cũng như thời điểm công khai.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chỉ khi nào thế độc quyền trên thị trường xăng dầu bị phá vỡ và có sự tham gia của nhiều thành phần, thì các DN trong ngành xăng dầu mới có thể cạnh tranh lành mạnh. DN nào quản lý tốt khấu hao, chi phí, có mức giá tốt hơn đương nhiên sẽ được NTD lựa chọn và chiếm được thị phần lớn trên thị trường xăng dầu. Mức và thời điểm tăng giá của mỗi DN xăng dầu lúc đó sẽ khác nhau và NTD có quyền lựa chọn mức giá tốt nhất cho mình. Chỉ khi đó, NTD mới tránh được cảnh giá xăng "tăng nhanh, giảm chậm" như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.