Yên Thắng là một xóm nhỏ nằm ở xã Hà An, Đông Anh - Hà Nội. Xóm nghèo xơ xác, cái nghèo kéo theo sự thất học của nhiều đứa trẻ đang độ tuổi đến trường.
Xót xa trước sự thiệt thòi của con trẻ, bác Trường, một thương binh đã gửi lại cả hai cánh tay ở chiến trường, quyết tâm vượt mọi khó khăn để dạy cho lũ trẻ biết viết chữ và biết tính những phép tính thông thường.
Lớp học đơn giản, chỉ là ba cái bàn kê sát vào nhau. Thầy ngồi trên chiếc xe lăn tự chế, di chuyển quanh học trò. Không có tiếng phấn di trên bảng, cũng chẳng có tiếng thước gõ lạch cạch trên bàn, chỉ có tiếng bút bi sột soạt và lời hướng dẫn luyện chữ của thầy. "Nét này kéo lên 1 li nhé..." hoặc "9 cái kẹo bớt 3 thì còn mấy?"… Mất cả hai tay, thầy Trường phải dùng miệng để "lái" nét bút của các trò. Giờ giải lao, thầy nói: "Xuất ngũ với tấm thân tàn phế, thầy hoàn toàn phải nhờ vào sự giúp đỡ của gia đình, lắm lúc tự thấy bất lực, nản lắm. Nhưng khí phách của người lính không cho phép mình gục ngã, thầy quyết định theo học bổ túc, rồi học lên chương trình đại học. Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân với bao vất vả, gian truân của cha và anh trai khiến thầy càng quyết tâm vượt lên số phận. Nhưng, thật trớ trêu, một trận ốm thập tử nhất sinh đã làm thầy thêm tàn phế, một chân bị teo đi... Và, cuối cùng, ở tuổi ngoài bốn mươi, thầy tìm niềm vui bằng cách trao cho các em những con chữ. Cái nghề "dạy không bục giảng" đã theo thầy mười mấy năm trời, niềm vui giờ đây là việc biết đọc, biết viết và biết tính những phép tính thông thường của lũ trẻ".
Đám trẻ trong lớp học nghèo của thầy giáo thương binh im lặng nghe thầy kể, rồi nhìn nhau với ánh mắt khâm phục.
"Còn nữa" - thầy nói. "Thầy sẽ kể cho các con nghe chuyện thầy tập viết bằng miệng như thế nào. Đó là một quá trình dài gian nan. Ban đầu, khi cho bút vào miệng, cảm giác đến là khó chịu. Cán bút đâm vào lưỡi, chọc sang má, đau rát. Cố gắng điều khiển chiếc bút thì cơ miệng như tê dại, mắt nhòa đi vì phải nhìn quá gần... Mỗi lần như thế thầy lại nhả bút ra, nghỉ một lúc rồi lại ngậm bút, quyết tâm luyện...".
Nghe thầy kể, chứng kiến giờ học của thầy và trò, tôi cảm thấy thật sự kính nể thầy. Tôi sẽ tổ chức quyên góp sách vở, bút và cả những chiếc bàn ghế nhựa để các trò của thầy có thêm chỗ ngồi học, để thầy Trường, với đồng tiền trợ cấp ít ỏi của mình, vơi bớt nỗi lo giấy bút cho các học trò.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.