Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người sống cùng cổ vật

ANHTHU| 20/09/2004 19:23

Trong căn phòng rộng hơn 50m2, hàng trăm cổ vật lớn nhỏ được xếp kín trong những tủ kính và trên những kệ treo tường. Chủ nhân của những món đồ cổ này cho biết, ông đã sưu tầm hàng trăm món đồ cổ có từ thời Hùng Vương đến các thời kỳ  Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần… và cả những cổ vật thuộc các triều đại Trung Quốc như Thương, Lục Triều, Tuỳ, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh… Ông là Nguyễn Văn Cự, những người trong giới chơi cổ vật quen gọi ông là “ngân hàng cổ vật”.

Kệ trưng bày những bức tượng gốm thời Lý

Trong căn phòng rộng hơn 50m2, hàng trăm cổ vật lớn nhỏ được xếp kín trong những tủ kính và trên những kệ treo tường. Chủ nhân của những món đồ cổ này cho biết, ông đã sưu tầm hàng trăm món đồ cổ có từ thời Hùng Vương đến các thời kỳ Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần… và cả những cổ vật thuộc các triều đại Trung Quốc như Thương, Lục Triều, Tuỳ, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh… Ông là Nguyễn Văn Cự, những người trong giới chơi cổ vật quen gọi ông là “ngân hàng cổ vật”.

Người “săn” cổ vật

Trong cái ngách sâu hun hút ở số 453, đường La Thành, tôi dễ dàng tìm thấy căn phòng của ông Cự theo sự chỉ dẫn của anh Minh (con trai cả của ông), bán hàng nước ngoài mặt đường. Lần thứ nhất đến, tôi không gặp ông vì theo lời anh Minh, ông Cự vừa đi Hoà Bình xem cổ vật trước đó 15 phút, phải tối mới về. Anh còn dặn: “Cô muốn tới gặp ông cụ thì phải gọi điện hẹn trước nếu không là ông đi ngay. Cứ ai gọi điện tới báo có cổ vật, nhờ tới xem là ông đi liền, bất kể xa đến đâu”. Lần này cẩn thận, tôi gọi điện hẹn trước và quả nhiên ông đã có nhà.

Vừa mời khách vào nhà ông vừa nói: “Cái thú chơi này cũng bận rộn lắm cô ạ. Cứ nghe người ta gọi điện đến báo có cổ vật được tìm thấy, người tôi lại bộn rộn lên. Không đi ngay là cứ phấp phỏm không yên, chỉ sợ mình đến muộn sẽ mất cơ hội được nhìn thấy vật quý”.

Ông Cự không nhớ nổi mình chơi cổ vật từ bao giờ chỉ biết là trước năm 1954. Ông nhớ lại, ngày nhỏ rất thích nhìn những hoạ tiết, hoa văn trên những cái bát, đĩa cổ của gia đình. Khi đã trưởng thành và là một công nhân lái máy ủi, niềm thích thú đó vẫn không giảm. Thế là ông mơ ước được sưu tầm những mảnh bát, đĩa cổ cho riêng mình. Rồi trời đất run rủi, một lần tình cờ đào đất cho một công trình ông tìm thấy một mảnh bát bị chôn vùi dưới lòng đất. Mảnh bát tuy đã cũ nhưng sắc men trên đó còn nguyên màu. Ông giữ lại mảnh bát chỉ vì thấy đẹp, sau này có người bạn đến nhà chơi, sau khi nhìn kĩ mảnh bát đó bảo: đấy chính là mảnh bát cổ có niên đại khá lâu khoảng từ thời nhà Trần. Từ đấy, hễ vô tình tìm thấy những mảnh bát đĩa tương tự là ông lại nhặt về.

Niềm đam mê sưu tầm đồ cổ mạnh đên nỗi, chỉ cần nghe thấy thông tin một nơi nào đó đào được những mảnh bát, đĩa, chai, lọ cũ là ông tìm đến ngay. Con đường đi tìm cổ vật của ông Cự khó có thể tính nổi, hầu như các tỉnh thành từ Bắc vào Trung ông đều đi cả: từ Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn đến Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh… Có lần, nghe tin có một chiếc bình cổ đời Minh được tìm thấy ở Lào Cai, ông vội tìm đến nhưng đến nơi thì người ta nói là đã bán cho người ở Hoà Bình, vậy là ông lập tức bắt xe xuôi xuống Hoà Bình đuổi theo đoàn người kia để tìm mua bằng được chiếc bình cổ dù có phải tốn nhiều tiền. Cuối cùng thì ông cũng mua lại được chiếc bình đó với giá 700 nghìn. “Cũng may cô ạ, vì ngày đó cổ vật còn rẻ nên tôi còn mua được chứ như bây giờ thì giá lên tới vài triệu thậm chí lên tới vài chục triệu”, ông hoan hỉ kể lại như một viên tướng vừa đánh thắng trận.

Ông Cự còn cho biết, rất nhiều cổ vật của ông có nguồn gốc từ những vùng đất đào đào móng giở để xây lò gạch, hay những gia đình xây nhà vô tình đào được những chiếc bát, đĩa còn nguyên vẹn nằm sâu trong lòng đất. “Mây năm trước, tìm kiếm cổ vật cũng dễ dàng hơn bây giờ vì hiếm người chơi cổ vật nên ít ai biết được giá trị lịch sử của những chiếc mảnh bát, đĩa tưởng như bỏ hoang này. Vì vậy tôi mới có cơ hội sưu tập được. Còn bây giờ đồ cổ giống như một món hàng xa xỉ có thể kiếm được nhiều tiền nên cứ nghe phong phanh ở đâu đào được bát đĩa dưới lòng đất là có hàng trăm người tìm đến”.

Những người trong giới chơi cổ vật thường nói đùa rằng: Chơi đồ cổ cũng giống như đi câu cá vậy, cần phải có duyên của người câu. Vì con cá chẳng bao giờ chọn những người có chiếc cần câu đẹp, miếng mồi đắt tiền để lao vào. Chơi cổ vật cũng vậy. Người có duyên thì cổ vật tự khắc tìm đến, còn người vô duyên thì có bỏ tiền ra mua cũng rất dễ mua phải hàng giả. Như ông Cự chẳng hạn, gia đình ông không thuộc tấng lớp giàu có gì, chỉ là một người công nhân nhưng ngay từ thời gian bắt đầu sưu tầm cổ vật, ông đã tự tìm thấy không ít những món đồ có giá trị mà nhiều người hiện nay mong ước.

Theo lời ông Cự, lúc đầu ông chơi cổ vật chỉ theo cảm tính vì thấy nó đẹp. Sau này, khi ông đã có một bộ sưu tập hòm hòm, bạn bè gần xa lui tới, trong đó có cả những nhà sử học, những người cùng niềm đam mê cổ vật như ông đến chơi, chiêm ngưỡng, họ nói cho ông biết niên đại của từng món cổ vật nên ông hiểu được giá trị đích thực của những bảo vật mà ông ngày đêm gìn giữ. Biết thêm nguồn gốc của những bảo bối đó, ông càng trân trọng, nâng niu, xem đấy là nguồn tài sản vô giá của mình. “Sau hơn 50 năm sưu tầm, tôi cũng học thêm nhiều biết thêm về những giá trị văn hoá, giá trị lịch sử của dân tộc ta, biết thêm về những thành quả về khoa học kĩ thuật của cha ông qua từng triều đại. Đấy chính là bài học quý nhất mà những người chơi cổ vật nhận được”.

Giờ đây, ông Cự đã trở thành một chuyên gia sưu tầm đổ cồ. Khi cầm một món đồ trên tay ông có thể chỉ ra được đâu là đồ thật, đâu là đồ giả, chúng nằm trong niên đại nào… Vì thế mà không ít người thường xuyên lui tới nhờ ông đi xem cổ vật giúp họ. Ông Cự đưa cho tôi một chiếc bát xinh xắn men ngọc, bên trong đáy bát có hình hai con cá nổi và nói đó là chiếc bát thuộc lò Long Huyền Diêu, đời Bắc Tống: “Đấy cô cứ nhìn vào chỗ miệng bát vị xứt thì có thể so sánh được. Men thời ấy các nghệ nhân làm dày và sâu như vậy chứng tỏ họ phải tráng thủ công tới hàng chục lần, cốt của chiếc bát này trắng và rất đanh lắm, bây giờ mình không thể làm nổi một chiếc như vậy được đâu”. Vừa kể về tiểu sử của từng chiếc bát, chiếc bình ông Cự vừa lôi trong tủ hàng chục món đồ mà ông tâm đắc, nào chiếc ngà voi từ thời vua Quang Trung nay đã được ông thuê thợ khắc đủ các hình biểu tượng cho văn hoá Việt Nam; nào chiếc nghiên mài mực với cái nắp quý thời nhà Lý mà trong suốt 50 năm ông mới tìm được…

Được khoe những “đứa con tinh thần” của mình chính là nguồn cảm hứng mà ông có thể nói hàng ngày, hàng giờ mà không biết chán.

Gây dựng cảm hứng sưu tầm cổ vật cho giới trẻ

Hiện nay, nhà của ông Cự giống như một câu lạc bộ của những người chơi cổ vật. Ngày nào cũng có hàng chục người tụ tập ở nhà ông để ngăm nhìn những chiếc bình cổ, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Hôm tôi đến, gặp rất nhiều người trong giới chơi cổ vật như giáo sư Viện sử học Tạ Ngọc Liễn, và đặc biệt là có thể gặp rất nhiều cặp vợ chồng còn trẻ như vợ chồng anh Huy, vợ chồng anh Hưng... Tất cả đều mong muốn được trao đổi những cổ vật với ông Cự. Ông khoe: “Giới chơi cổ vật chúng tôi thường xuyên trao đổi các món đồ để cùng chơi. Có khi quý nhau mà tặng vai món cũng không tiếc. Cứ thấy ai có được những món đồ mới là y như rằng phải đến xem bằng được để cùng nghiên cứu”.

Chiếc ngà cổ từ thời vua Quang Trung

Đến nhà ông Cự mới biết, giới trẻ chơi đồ cổ ngày càng nhiều. Anh Hưng, người chơi đồ cổ được gần 2 năm nay tâm sự: Lúc đầu anh chơi đồ cổ vì thấy đẹp. Anh thường xuyên đi xem những triển lãm ở các viện bảo tàng, chẳng mấy mà đam mê chơi đồ cổ ngấm vào người. Anh bảo: “Người chơi đồ cổ như nghiện ấy, cứ có tiền là mua ngay một món đồ nào đấy vì nghĩ rằng tiền thì có thể kiếm được nhưng món đồ ấy mà không mua ngay thì không biết bao giờ gặp lại”.

Anh Hưng cũng như rất nhiều người khác thường xuyên lui tới nhà ông Cự để xem, ngắm cổ vật cũng như có thể học hỏi thêm ở ông những kinh nghiệm nhìn cổ vật để tránh gặp phải hàng giả. Nhà ông Cự luôn mở rộng cửa đón mới những vị khách yêu mến những món đồ cổ, yêu mến những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc. Thậm chí những ngưới lần đầu tiên chơi cổ vật cũng được ông hoan nghênh đến và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.

Vợ chồng anh Huy, chủ nhật nào cũng đễn chỗ ông Cự. Anh bảo, anh chơi cổ vật được một phần cũng nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn của ông Cự. Nhiều món đồ quý ông cự sẵn sàng để lại cho vợ chồng anh. “Hôm nay tôi đến đây để nhờ cụ tìm giúp một cái nhĩ bôi (bát uống rượu cổ) thời Hán vì bộ sưu tập của chúng tôi đang thiếu”, anh Huy cho biết. Đáp lại lòng say mê của vợ chồng anh, ông Cự đã tìm trong bộ sưu tập của mình một cai nhĩ bôi theo đúng ý nguyện và sẵn sàng để lại cho vợ chồng anh Huy. Ông nói: “Tôi muốn tạo dựng cho giới trẻ niềm đam mê chơi và sưu tầm cổ vật, có như vậy thì những cổ vật này mới lưu giữ được cho các đời sau. Đây là một một thú chơi tao nhã, lịch lãm đáng được gìn giữ và phát huy”.

Tôi chia tay ông khi mà các đoàn khách vẫn nườm nượp kéo đến. Giữa họ khoảng cách về tuổi tác, giới tính dường như bị xóa nhoà bởi một niềm đam mê chung: Sưu tầm cổ vật.

Bài, ảnh Lệ Quyên

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người sống cùng cổ vật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.