Quách Phan Tuấn Anh (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) đã tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế quốc dân ở hai chuyên ngành Quản trị kinh doanh và Luật, nhưng chàng trai sinh năm 1981 này lại quyết định ở nhà nối nghiệp cha làm thợ đậu bạc.
Sinh ra trong một gia đình làm nghề truyền thống, cha là nghệ nhân đậu bạc Quách Văn Trường nên ngay từ nhỏ, Tuấn Anh đã được tiếp xúc với nghề, từ khâu nấu bạc, kéo bạc thành sợi đến tết sợi thành sản phẩm hoàn chỉnh. Lúc đầu chỉ "làm cho vui", mãi đến khi học năm cuối đại học thì Tuấn Anh mới dần cảm thấy yêu hơn công việc mà cha đang làm. Anh kể: "Lần ấy, có người đến đặt hàng hơn một nghìn sản phẩm. Nhưng bố tôi từ chối vì một mình ông không thể đảm nhận hết việc. Tôi tiếc lắm. Từ đó, suy nghĩ phải làm một cái gì đó cứ thôi thúc tôi".
Năm 2003, khi đã cầm bằng tốt nghiệp đại học trong tay, Tuấn Anh quyết định ở nhà làm thợ. Bố mẹ động viên anh rất nhiều. Bố đã tận tình chỉ cho anh những kinh nghiệm, kỹ năng làm nghề. Vốn nhanh nhẹn, ham học hỏi, lại thêm tình yêu nghề nên chỉ một thời gian sau, Tuấn Anh đã thạo việc. Anh cười cho biết: "Mình chỉ nhận là thành thạo thôi, chứ để trở thành thợ giỏi như bố thì còn phải phấn đấu nhiều. Mỗi sản phẩm làm ra phải qua rất nhiều công đoạn và thời gian, đòi hỏi người thợ phải có lòng yêu nghề, tính kiên trì, sự khéo léo và cả kinh nghiệm của bản thân. Nếu không hội tụ những yếu tố cơ bản đó thì khó lòng mà trụ được với nghề".
Hiện trong làng chỉ còn hai gia đình làm nghề và số thanh niên làm thợ đậu bạc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó Tuấn Anh là người trẻ duy nhất đã học xong đại học. Anh bảo đó cũng chính là một lợi thế, vì kiến thức trong nhà trường đã giúp anh nắm bắt cơ hội kinh doanh cũng như thị hiếu của khách hàng: "Hằng ngày, tôi vẫn dành thời gian lên mạng để tìm kiếm, phát triển mẫu mã nên không bao giờ lo sản phẩm bị lỗi mốt". Để thuận tiện cho công việc kinh doanh và quảng bá sản phẩm, Tuấn Anh đã cùng gia đình mở một cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên phố Hàng Bạc. Anh còn lập website vietsilver.com.vn để quảng bá sản phẩm.
Năm 2007, Tuấn Anh là đại biểu duy nhất đại diện cho nghệ nhân kim hoàn Việt Nam sang dự chương trình trao đổi văn hóa do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức. Màn giới thiệu và trưng bày sản phẩm đậu bạc của anh đã được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Tuy nhiên, điều mà Tuấn Anh vẫn đau đáu trong lòng là ngay trong chính cái nôi của nghề đậu bạc - phường Định Công - không có cửa hàng bày bán sản phẩm đậu bạc đúng nghĩa. "Mong muốn của tôi là một ngày gần nhất, những sản phẩm đậu bạc sẽ được trở về đúng với cái nôi mà nó sinh ra. Tôi cũng muốn góp phần đưa làng nghề trở thành một điểm du lịch hấp dẫn" - Tuấn Anh chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.