Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người nghèo làm nên thương hiệu nổi tiếng

Mai Lan| 24/08/2011 07:07

(HNMO) - Thay vì bỏ ra những khoản tiền lớn cho quảng cáo, tập đoàn này chi khoản ngân sách khủng cho các chương trình xã hội trợ giúp người nghèo, kém may mắn, hỗ trợ ngành giáo dục ở chương trình internet trường học…

Nhờ có sự góp mặt của Viettel, người dân nghèo cũng có thể dùng được điện thoại di động – dịch vụ trước đây vốn chỉ dành cho người giàu.

(HNMO) - Thay vì bỏ ra những khoản tiền lớn cho quảng cáo, tập đoàn này chi khoản ngân sách khủng cho các chương trình xã hội trợ giúp người nghèo, kém may mắn, hỗ trợ ngành giáo dục ở chương trình internet trường học… Họ coi đây là cách tri ân lại những những người đã giúp họ thoát nghèo.

Năm 2004, khi Viettel mới bắt đầu cung cấp dịch vụ thông tin di động. Khi ấy, di động được coi là một thứ dịch vụ xa xỉ, chỉ dành cho người giàu. Thế nhưng, những lãnh đạo của Viettel đã ấp ủ ước mơ cung cấp dịch vụ này cho cả những người nghèo nhất nước. Trong hoạt động quảng bá, thay vì chi nhiều tiền cho quảng cáo, công ty này rất tích cực đầu tư cho những chương trình xã hội có ý nghĩa dành cho người nghèo hoặc những hoàn cảnh kém may mắn.

Tập đoàn viễn thông quân đội là đơn vị đưa ra sáng kiến và trở thành đồng sáng lập quỹ “Tấm lòng Việt”, chương trình “Trái tim cho em" với Đài truyền hình Việt Nam. Bên cạnh việc đóng góp những khoản tiền lớn lớn hỗ trợ cho người nghèo, những số phận bất hạnh, rất nhiều nhân viên của Viettel tham gia trực tiếp vào việc điều phối, thực hiện chương trình. “Chúng tôi làm những điều trái tim mách bảo và công ty cũng tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ phương tiện để nhân viên tham gia chương trình này với những nhà hảo tâm khác”, Thiếu tướng Dương Văn Tính, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết.

Năm 2008, hãng viễn thông này thực hiện chương trình Internet trường học (đưa ADSL băng rộng miễn phí, kèm hỗ trợ máy vi tính và modem tới hàng chục nghìn trường trên khắp đất nước) với chi phí lên tới hơn 300 tỷ đồng/năm.
Chương trình Homephone cho nông dân (đưa điện thoại cố định không dây tới 12 triệu nông dân trên cả nước) bắt đầu từ năm 2009 cũng là một điểm nhấn trong việc hỗ trợ người nghèo của Viettel. Hãng này thực hiện chính sách miễn phí thuê bao và tặng thêm 15.000 đồng/tháng trong suốt thời gian người dân ở vùng nông thôn dùng dịch vụ điện thoại cố định không dây của Viettel.

Gần đây nhất, một chương trình xã hội lớn mà Viettel thực hiện là hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 3 huyện nghèo: Bá Thước, Mường Lát (Thanh Hóa) và ĐăkRông (Quảng Trị), theo nghị quyết 30A của Chính phủ. Thay vì hỗ trợ vật chất trực tiếp cho đời sống hàng ngày của bà con nhân dân, Viettel thực hiện việc đầu tư cho những phương tiện giúp thoát nghèo bền vững như hỗ trợ xây nhà, cải thiện điều kiện y tế, xây trường học, lập quỹ học bổng…

Đặc biệt, tập đoàn này cũng dùng thế mạnh về viễn thông của mình hỗ trợ các huyện về điện thoại cố định, di động, máy tính kết nối Internet nhằm giúp cán bộ chính quyền, người dân có cơ hội tiếp xúc và sử dụng các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin. Chỉ tính riêng số tiền hỗ trợ về vật chất cho 3 huyện này, Viettel đã chi hơn 40 tỷ đồng. Đây là chưa kể đến việc nhiều cán bộ lãnh đạo, nhân viên Viettel thường xuyên xuống các huyện này để cùng làm với chính quyền, bà con bàn cách hỗ trợ hiệu quả nhất giúp người dân thoát nghèo.

Giải thích về việc tập trung đầu tư những khoản ngân sách lớn cho những chương trình hướng tới người nghèo, người kém may mắn, người chưa có khả năng chi trả trong xã hội chứ không chi nhiều cho quảng cáo, Thiếu tướng Dương Văn Tính cho biết: “Mỗi một tổ chức có một cách làm riêng, phục vụ cho sự phát triển bền vững của mình. Trong khi quảng cáo tác động vào trí óc người tiêu dùng thì Viettel chọn cách tác động vào trái tim. Vì thế, chúng tôi sẵn sàng đầu tư ngân sách lớn cho những chương trình dành cho người nghèo dù họ chưa phải là những khách hàng trực tiếp của mình”.

Ông chia sẻ: “Viettel cũng từng là một công ty rất nghèo và nhờ cơ hội do người dân Việt Nam đem lại mới có được ngày hôm nay. Vì thế, việc chúng tôi đem lại cơ hội cho những người người nghèo khác đơn giản là một cách tri ân xã hội vì những cơ hội mình có được. Bên cạnh đó, chúng tôi tin rằng nếu được trao cơ hội, người nghèo sẽ thoát nghèo, rồi quay lại giúp đỡ những người khác, tạo thành một vòng tròn phát triển liên tục khiến toàn xã hội đi lên và Viettel cũng được hưởng lợi từ điều đó”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người nghèo làm nên thương hiệu nổi tiếng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.