(HNMCT) - “Nắng đang muốn khóc” là tập thơ thứ 5 của nhà thơ Cù Thùy Loan sau các tập “Trăng suông bờ võng”, “Gió mặn”, “Nghe giọt thu rơi”, “Ký ức của đá”. Lần này Cù Thùy Loan chọn 82 bài viết về tình yêu, cuộc sống và những xê dịch khác trong ký ức, hướng cách nhìn đời sống xung quanh mình. Có những bài viết về chiêm nghiệm sống và đúc kết sự từng trải. Chị vốn là một sĩ quan Quân y, công tác tại Viện Quân y 93 ở Hà Giang, sau khi xuất ngũ chuyển sang làm ngành Dược ở huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Cù Thùy Loan đến với thơ ca từ những ngày còn đeo lon Thiếu úy. Với chị, thơ cứu rỗi nỗi khổ đau của con người, mỗi khi đơn lẻ, thơ cũng cứu rỗi tâm can nhà thơ trong mấy cuộc tình. Thơ chị vẫn hiện hữu về người cũ đã đi qua thời gian. Dù bây giờ đời sống của người đàn bà làm thơ đã nhiều thay đổi, chị là người chịu tìm kiếm, chịu khó yêu, dù tình yêu ở người đứng tuổi. Các cụ ngày xưa đã dạy rằng: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”, Cù Thùy Loan cũng đã qua đèo, vượt biển để sống với hạnh phúc mới, với thơ ca. Nghe nói chị mới có hôn lễ mới với người mình yêu. Chị bay vào Vũng Tàu sinh sống. Rời xa Hà Nội. Yêu người ở độ tuổi hai thứ tóc, tôi thật mừng cho chị sau những nỗi đau: “Khi ta khóc nỗi đau vơi một nửa/ Một nửa còn vón cục trong tim”. Sau những hờn tủi rất đàn bà kia, thơ chị cất lời: “Nói gì cũng vẻ là thừa/ Muốn gì đi nữa cũng trưa mất rồi”. Nhưng cũng tự an ủi nỗi cô đơn, trống vắng: “Nếu mà phải kiếp hồng nhan/ Thì vun tại số đa đoan kiếp người”. Và cũng có phút giây tỉnh thức: “Nhiều khi tặc lưỡi: thêm, thôi/ Nhiều khi lại sợ duyên hôi phận mình”.
Cù Thùy Loan từng viết về lá vàng bay: “Em chẳng còn gì ngoài sắc đẹp thu sang/ Và vết thương trong lòng anh để lại/ Bao xác lá phủ dày về phía ấy/ Tưởng đã lấp vùi, thu đến lại ngoi lên”. Vết thương trong lòng từng giấu kín bao mùa, sao phải đợi đến thu nỗi buồn mới lại ngoi lên. Quả là nỗi đau không thể chôn vùi được trong tim người, như khi lãng đãng với người xa: “Người đi bỏ mặc tình trôi/ Có chăng chỉ một mình tôi đứng nhìn”. Hoặc một che đậy khác của thứ hạnh phúc giả tạo khi còn trong hôn nhân: “Héo trong ngoài vẫn phải tươi/ Sợ ai biết lại nguýt cười nhạt trăng/ Em đau nghèn nghẹn đêm rằm/ Em đau giông giống như tằm nhả tơ”.
Nhà thơ nữ là người của huyện Đan Phượng, và góc nhìn quê với biết bao đổi thay của chị cũng như nén tiếng thở dài buồn bã: “Cái nghèo ngày mỗi chật/ Lũ về lại trắng tay!/ Mưa gió lấy mấy ngày/ Đồng Khoai còn ngơ ngác”. Chị viết về chốn cũ cũng nhắc mình: “Đừng rạp mình với cỏ/ Kéo lá thu phủ đầy/ Người nên là ngọn gió/ Cuốn sạch chiều lá bay”.
Ở một tâm thức khác, Cù Thùy Loan giác ngộ duyên phận: “Chúng mình như đã hẹn/ Duyên kiếp của bao đời”. Khi đứng trước vận hạn, chị nhủ mình: “Ta đã quen trộn nước mắt với sương rơi/ Những hầm hố mà người giăng bẫy”. Và sự tin tưởng lạc quan sống trong góc nhìn của nhà thơ: “Bởi cuộc sống đâu phải của ta/ Của nghiệt ngã luôn đỡ ta đứng dậy”.
Thơ của Cù Thùy Loan đọng lại câu thơ hay trong tâm trí người đọc hơn là toàn bài. Ví như “một mình gánh một mình mơ/ đâu như cơn gió giả vờ đang say/ ngủ cho nắng héo hết ngày”. Với người làm thơ, viết được một câu thơ hay, để lại dấu ấn đậm sâu là cực khó. Phía sau sự từng trải, sau đổ vỡ, người đàn bà làm thơ Cù Thùy Loan còn dành dụm, gặt hái được những câu thơ làm giàu có cho cuộc sống tinh thần, làm vỡ vạc những giá trị ứng xử khác, con người cần sống tử tế với nhau, văn minh với nhau, hơn là sự hằn học trả thù khi đời sống hôn nhân đã rạn nứt. Thơ cất lên từ tâm trạng trung thực dù đau đớn, để thơ còn đọng vẻ đẹp buồn, nhân văn cho người đọc chứ không chỉ một người đơn lẻ, ủy mị, chán chường.
Giống như nắng tỏa ấm cho nhiều người, thơ Cù Thùy Loan có niềm tin lạc quan, can đảm chứ không phải chỉ khóc chỉ than cho mối tình. Chị đã nhìn rộng và xa hơn ở sự phát hiện phận người trong đời sống cần lao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.