(HNM) - Mặt đỏ bừng bừng sau khi
Trộm mà không phải trộm
Cơn mưa rào cuối hạ khiến cho chặng đường vào Bản Sủa trở nên gian nan hơn thường lệ. Những con đường đất ngoằn ngoèo vốn đã đầy rẫy ổ trâu, ổ gà, nay nhầy nhụa bùn đất và trơn như đổ mỡ. Khách đi đường chỉ lơ đãng một chút là… oạch, nhẹ thì được phen tắm bùn miễn phí, nặng thì có khi va phải đá núi đi tong cả "hàng tiền đạo" chứ chẳng đùa.
Vợ chồng Hà Văn Thúy bên bếp lửa. |
Nằm lọt thỏm giữa rừng xanh bạt ngàn, núi non trùng điệp, Bản Sủa vẫn mang nhiều vẻ hoang sơ, heo hút. Càng gần đến nơi, bức tranh của núi rừng dần chuyển sang những gam màu xám xịt, bởi những cây cầu tre tạm bợ, những căn nhà cũ kỹ, quần áo vắt chằng chịt trước mái hiên. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng bắt gặp một vài đứa trẻ dọc hai bên đường, mặt mày nhem nhuốc, tóc tai bù xù như mẻ bún rối, chúng hướng ánh mắt đầy hiếu kì dõi theo những người khách lạ. Anh Lò Tuấn Anh, Bí thư xã Sơn Điện chia sẻ: "Đây là địa bàn cư trú chủ yếu của người Mường và người Thái. Do là một trong những bản ở xa trung tâm xã nên đời sống, điều kiện đi lại của bà con trong bản vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn".
Đón chúng tôi là ông Hà Văn Ân, Bí thư chi bộ Bản Sủa. Năm nay đã ngoài 60 tuổi, ông Ân được coi là "cuốn từ điển sống" của bà con dân bản. Nhắc đến tục trộm vợ, lắc đầu cười, ông bảo: "Đây là tục lệ được bà con duy trì từ xa xưa. Gọi là trộm nhưng lại không phải trộm, bởi lẽ đôi trai gái phải thật sự thương yêu và tự nguyện muốn gắn kết trọn đời bên nhau. Em trai tôi cũng đi tận 9 cây số để trộm vợ đấy. Nó siêng quá! Giờ thì cả hai đã có cháu nội cả rồi".
Sở dĩ các chàng trai Mường phải đi… trộm vợ là vì họ bị gia đình cô gái phản đối. Lý do thì nhiều, nhưng chủ yếu là do đôi bên gia đình không môn đăng hộ đối hoặc địa lý cách trở. Trước đây điều kiện đi lại khó khăn, các bản gần như sống tách biệt nên thông thường, bà con chỉ muốn con cái mình lấy những người cùng bản. Nếu bố mẹ đã không "ưng cái bụng" thì đôi trai gái khó mà đến được với nhau. Chẳng thế mà mới có chuyện, có anh chàng đến nhà tìm gặp người yêu liền bị bố cô gái vác gậy đuổi đánh tới tấp, thậm chí ông bố còn tháo luôn thang nhà sàn để chàng ta không tiếp cận được con gái mình. Chuyện thật mà cứ như đùa.
Thế nhưng, "yêu nhau mấy núi cũng leo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua", mặc những rào cản khắc nghiệt ấy, tình yêu của những chàng trai, cô gái Mường vẫn bung nở như hoa cỏ núi rừng xứ Thanh. Biết bao đôi trai gái vẫn vô tình gặp gỡ, vô tình phải lòng nhau trong những buổi lên nương hay trong tiếng nhạc xập xình của những phiên chợ tình giữa đại ngàn. Và khi tình yêu đó không may bị ngăn cấm, cô gái sẽ "bật đèn xanh" để chàng trai đến trộm mình về.
Màn đêm buông xuống, vạn vật chìm trong bóng tối là thời điểm thuận lợi nhất để đi trộm vợ. Dẫn theo một người bạn thân, cô gái sẽ đứng chờ chàng trai tại một địa điểm đươc hẹn trước. Sau khi nhận được tín hiệu, như một tay trộm có nghề, chàng trai sẽ nhanh chóng tiến tới và vờ "giật" cô gái đi. Trước lúc ra về, họ không quên bỏ vào trong chiếc chõ đồ xôi của nhà cô gái 100.000 đồng. Bởi theo quan niệm, nếu sáng sớm nào đó người phụ nữ Mường vô tình bắt gặp một khoản tiền trong chiếc chõ đồ xôi thì điều đó có nghĩa, một người con gái trong gia đình đã bị trộm đi đêm qua.
"Trong đêm được trộm về, cô gái sẽ phải thực hiện một vài nghi lễ mà nhà trai chuẩn bị sẵn. Họ mời ông mối và những người có uy tín trong bản đến chứng kiến. Giây phút cô gái uống cạn chén rượu trình cũng là lúc trộm vợ hoàn thành, đôi trai gái coi như đã nên duyên chồng vợ. Thế nhưng để tục lệ được hoàn tất, ngay sáng hôm sau, gia đình nhà trai phải chuẩn bị lợn, bánh tét, rượu và tiền mang sang nhà gái để "chuộc lỗi". Có gia đình đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" mà chấp nhận chàng rể mới, nhưng cũng có bà mẹ sau khi biết con gái đã bị trộm liền đùng đùng nổi giận, chạy đến lôi xoành xoạch cô gái về nhà và nhất quyết không chịu "nhả" người", ông Ân cho biết.
"Trộm" vì không đủ tiền cưới
Chiều dần buông. Vẻ nhập nhoạng của hoàng hôn miền sơn cước dường như càng khiến cho căn nhà sàn của Thúy "trộm vợ" trở nên đìu hiu, ảm đạm. Ngôi nhà nhỏ, thấp, chỉ đứng ngoài sân cũng có thể thấy vẻ trống hơ trống hoác bên trong. Bên bếp lửa, một vài phụ nữ đang ngồi ôm gối, vẻ mặt suy tư, khắc khổ. Vậy mà, khi nghe thấy hai tiếng "trộm vợ", những gương mặt mệt mỏi ấy quay lại nhìn nhau, rồi bật cười khanh khách. Đôi mắt hằn sâu những vết chân chim, làn da đã đen sạm vì cái nắng, cái gió khắc nghiệt phía Tây, một người trong số họ chỉ tay về phía chàng trai đang ngồi trước cửa bếp, bảo: "Kìa, thủ phạm kìa!".
Thấy vậy, chàng thanh niên Bản Sủa thoáng đỏ mặt, ánh mắt không giấu nổi vẻ bối rối. Gặng hỏi mãi, anh mới ấp úng: "Có chi đâu, chưa sắm được trâu, chưa mua được lợn thì phải trộm về thôi".
Thì ra đám cưới của dân bản vẫn thường được tổ chức rất tốn kém. Nhà nào có điều kiện thì mổ trâu, giết bò khao làng. Nhà ít điều kiện hơn cũng phải có đủ lợn, gà, rượu. Ăn uống linh đình suốt một, hai ngày đêm. Vì lẽ đó mà khi không đủ tiền cưới, chàng trai chỉ còn cách trộm cô gái về trước rồi tổ chức đám cưới sau. Nhanh thì một, hai tháng, chậm thì hàng năm. Bà con nơi đây có lệ cưới đôi ba lần cũng là vì thế.
Hà Văn Thúy 22 tuổi còn cô dâu mới là Ngân Thị Hương mới 18 tuổi, người bản Sơn Thủy. Cả hai yêu nhau đã nhiều năm, hai bên gia đình cũng đã chấp thuận. Khổ nỗi nhà Thúy nghèo quá. Dành dụm mãi mà không đủ tiền cưới vợ nên anh đành trộm về trước, còn đám cưới thì để… mai tính.
"Được trộm về, em có hạnh phúc không?", tôi hỏi. Hương không trả lời mà chỉ gật đầu cười thẹn thùng. Vừa đặt tay vào bụng vợ, Thúy vừa hí hửng khoe: "Em sắp được làm bố rồi đấy. Chúng em sẽ chăm chỉ đi nương, làm rẫy, dành dụm tiền để sau này cho các con đỡ khổ". Dứt lời, đôi vợ chồng trẻ lại len lén nhìn nhau, ánh mắt vẫn còn đó vẻ ngượng ngùng, e thẹn nhưng gương mặt lại không giấu nổi vẻ mãn nguyện, hạnh phúc.
Rời khỏi nhà Thúy, anh Tuấn Anh phấn khởi bảo: "Trộm vợ là một phong tục cưới hỏi mang đậm tính nhân văn của người Mường và một bộ phận người Thái ở Sơn Điện. Tuy từng xuất hiện những biến tướng tiêu cực, nhưng nhờ thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về tự do hôn nhân tới bà con dân bản, nhất là đối với đoàn viên, thanh niên, nên hiện nay không còn trường hợp đáng tiếc nào liên quan đến tục này".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.