(HNM) - Trong khuôn khổ Ngày hội Gia đình Việt Nam diễn ra tại Trung tâm VHNT Việt Nam, số 2, Hoa Lư (Hà Nội), BTC dành không gian tầng 2, nhà M2 để giới thiệu 60 bức tranh được lựa chọn từ hơn 1.000 bức tranh tham gia cuộc thi "Nói không với bạo lực gia đình" - do Báo An ninh Thủ đô, Báo Gia đình & Xã hội tổ chức.
Sau mỗi bức vẽ của các em là niềm khát khao hạnh phúc gia đình khiến người lớn không thể không suy nghĩ.
Tác phẩm “Nỗi sợ của mèo con” (giành giải A) của cháu Trịnh Hồng Nhung, 10 tuổi, lớp 4 Pháp, Trường Tiểu học Quang Trung (Hà Nội). |
Ai cũng mong lớn lên trong gia đình có đầy đủ bố mẹ, bình yên và hạnh phúc. Thế nhưng, trong thực tế có rất nhiều trẻ em gặp bất hạnh khi phải sống trong cảnh bạo lực gia đình hoặc bị chính cha, mẹ mình bỏ rơi. Tác phẩm "Xin mẹ đừng đánh con" (giải A) của cháu Phan Khánh Vi, 7 tuổi, lớp 1A, Trường Tiểu học Đồng Tâm (Hà Nội) với hình ảnh người mẹ trong cơn thịnh nộ, một tay cầm dao, một tay cầm dụng cụ nấu ăn quát nạt đứa con vừa đi học về khiến những loài côn trùng như kiến, gián trong bếp cũng phải bỏ chạy đã phần nào nói lên nỗi ám ảnh bạo lực gia đình trong tâm hồn con trẻ. Cũng giành giải A, cũng sợ bạo lực, nhưng cháu Trịnh Hồng Nhung, 10 tuổi, lớp 4 Pháp, Trường Tiểu học Quang Trung (Hà Nội) thể hiện nỗi sợ theo một cách khác trong tác phẩm "Nỗi sợ của mèo con" mà ở đó, gam màu, xanh, đỏ, tím, vàng, nâu, đen trắng được Hồng Nhung xử lý khéo léo, tạo nên bức tranh biết nói. "Người chồng uống rượu say, nổi cơn tam bành, khiến vợ con nước mắt lã chã, thật không chể chấp nhận" - bác Nguyễn Trung Tuấn, 60 tuổi, trú ở phố Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng nhận xét khi xem "Nỗi sợ của mèo con". Tác phẩm "Bố đánh mẹ" của cháu Nguyễn Minh Anh, Cung Thiếu nhi Hà Nội, lên án tình trạng bạo lực gia đình đạt đến độ khiến chị Lê Thu Hương, trú tại phố Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân) phải bật khóc. Chị cho biết đã từng bị chồng đánh, phải nhập viện và khi ấy hai con của chị cũng gào khóc thảm thiết y như nội dung bức tranh.
Cùng với sự lên án bạo lực là niềm khao khát một mái ấm gia đình yên vui, hạnh phúc. Mái ấm ấy được cháu Nguyễn Linh Phương Thảo (Cung Thiếu nhi Hà Nội) miêu tả qua tác phẩm "Gia đình hạnh phúc", ở đó các em có người bố biết yêu thương, chăm sóc gia đình bé nhỏ của mình bằng những việc làm rất đỗi thân quen, như đưa các con đi ăn kem, dạo phố… trước ánh mắt ngưỡng mộ, ao ước của nhiều người đi đường. Đó cũng là thông điệp mà cháu Vũ Phương Anh gửi gắm trong tác phẩm "Hạnh phúc gia đình"…
60 bức tranh giới thiệu tại triển lãm là 60 câu chuyện về vấn nạn bạo lực gia đình, hạnh phúc gia đình dưới góc nhìn ngây thơ của con trẻ, những điều khiến người lớn phải suy nghĩ, phải tự vấn mình làm sao cho con trẻ đủ đầy niềm vui, điều mà chúng xứng đáng được hưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.