(HNM) - Hiện nay đang là giai đoạn "chín" của thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho các huyện nghèo. Từ đầu tháng Giêng, các doanh nghiệp XKLĐ đã liên tục đến 62 huyện nghèo để tuyển dụng lao động và tổ chức xuất cảnh. Theo nhận định của các doanh nghiệp thì mới hơn 1 tháng, tình hình đã khá hơn so với các năm trước. Thuận lợi bước đầu
Tình hình XKLĐ đã được cải thiện từ khi Chính phủ có chính sách xóa đói giảm nghèo cho người lao động (NLĐ) các huyện nghèo theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg. Cụ thể: Chính phủ hỗ trợ 100% phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, visa và lý lịch pháp lý. Ngoài ra, NLĐ còn được hỗ trợ phí sinh hoạt trong thời gian học với mức tiền ăn 40.000 đồng/người/ngày; tiền ở 200.000 đồng/người/tháng; tiền trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu (quần áo đồng phục, chăn màn, giày dép…) 400.000 đồng/người; tiền tàu xe (cả đi và về) 1 lần từ nơi cư trú đến nơi đào tạo. Trường hợp NLĐ gặp rủi ro phải về nước trước thời hạn như sức khỏe không đạt yêu cầu; mất việc do doanh nghiệp gặp khó khăn; chủ sử dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng thì sẽ được hỗ trợ một lượt vé máy bay.
Đầu năm 2010, nhờ có sự vào cuộc của ban chỉ đạo XKLĐ các tỉnh, sở LĐ-TB&XH, ngân hàng chính sách xã hội nên công tác tuyển dụng của các doanh nghiệp XKLĐ đã có hiệu quả hơn. Theo ông Tống Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty Châu Hưng, tâm lý ngại đi XKLĐ đã giảm rất nhiều và NLĐ đã chủ động tìm đến công ty để đăng ký đi XKLĐ.
Cũng theo ông Tùng, bên cạnh sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, sự hỗ trợ của Chính phủ, đã có nhiều công ty XKLĐ tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ ở các huyện nghèo đi XKLĐ như chú trọng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ đồng thời ứng trước các khoản chi phí. Vì vậy, tính đến đầu năm 2010, riêng Công ty Châu Hưng đã tuyển dụng được 491 lao động tại các huyện nghèo. Trong số đó đã có 240 người được xuất cảnh.
Chưa hết khó khăn
Nhận định về việc triển khai chương trình đưa lao động tại các huyện nghèo đi làm việc tại nước ngoài năm 2010, các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp đánh giá vẫn tồn tại những khó khăn như vẫn còn rất nhiều NLĐ say rượu, đánh nhau, đánh bạc, không kiên trì nên đã có người bỏ cuộc khi đang được đào tạo ở các doanh nghiệp. Nhiều NLĐ đang làm việc ở nước ngoài do vẫn giữ thói quen xấu nêu trên và không tuân thủ đúng thời gian làm việc nên bị đuổi việc, đã có những hành động gây khó cho doanh nghiệp nước sở tại và doanh nghiệp Việt Nam.
Như vậy, thuận lợi dành cho NLĐ đã thấy rõ. Nếu NLĐ không tự điều chỉnh, nâng cao tay nghề và ý thức thì không những làm mất đi những ưu đãi Nhà nước dành cho họ mà còn gây khó cho doanh nghiệp ở những đơn hàng tiếp theo. Còn doanh nghiệp cũng phải có chiến lược tuyển chọn, đào tạo lao động tốt hơn thì công tác XKLĐ mới có kết quả như mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.