(HNM) - Từ nhiều đời nay, ngoài nghề nhiếp ảnh “vang danh thiên hạ”, người dân Lai Xá (xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) đa phần vẫn làm nông nghiệp...
Khách tham quan Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Ảnh: Thụy Du |
Trải nghiệm thú vị ở hai bảo tàng
Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, Lai Xá nằm bên quốc lộ 32 với những khu công nghiệp, khu chung cư, trường đại học, nhà cao tầng mọc san sát xung quanh. Lai Xá hôm nay còn nguyên nét hiền hòa với mái đình làng cổ kính, những ngôi miếu, nhà thờ họ lâu đời… Nghề nhiếp ảnh là điểm riêng có, nổi danh đã lâu nên ở Lai Xá không thiếu những hiệu ảnh, gallery nhiếp ảnh và đặc biệt là Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá vừa mới khánh thành cách đây 6 tháng.
Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá nằm ở giữa làng, do nhân dân Lai Xá tự nguyện, đồng lòng xây dựng, để kể với du khách câu chuyện đầy tự hào về các thế hệ tiếp nối đã và đang gìn giữ, phát huy nghề ảnh của cha ông. Kể từ năm 1892, khi ông Nguyễn Đình Khánh (tức Khánh Ký) - người đầu tiên khai mở nghề ảnh, đến nay, các hiệu ảnh của người Lai Xá được mở ở khắp nơi trên cả nước. Hàng nghìn người trong làng đã trở thành những thợ ảnh lành nghề với nhiều tác phẩm nổi tiếng.
Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá có diện tích 300m², gồm 2 tầng, trưng bày 150 bức ảnh, 150 hiện vật, 25 panô bài viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh, gói gọn 125 năm nghề nhiếp ảnh hình thành và phát triển ở làng. Mỗi tầng trưng bày đều đem đến trải nghiệm thú vị cho du khách, như được chụp ảnh theo phong cách xưa, khám phá phòng tối - nơi ra đời những bức ảnh để đời... Đó là chưa kể sân thượng, nơi mà từ đó có thể nhìn toàn bộ không gian làng và cũng là nơi ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá không giấu ý định muốn biến thành điểm dừng chân, uống cà phê, ngắm cảnh và chụp ảnh dành cho du khách.
Cách Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá không xa là một bảo tàng thứ hai của làng - Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Đây là bảo tàng tư nhân mà phần trưng bày như câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp nghiên cứu khoa học, giáo dục của nhà văn hóa Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa giai đoạn 1946-1975. Bảo tàng được PGS.TS Nguyễn Văn Huy (con trai Giáo sư Nguyễn Văn Huyên), nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và người thân xây dựng ngay trên phần đất của gia đình. Các hiện vật ở đây được sắp xếp theo chủ đề riêng, như những câu chuyện kể từ góc nhìn của những người con về cha mẹ của mình, nên khá sinh động và ấm cúng. Điểm thú vị là hiện nay Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên đã ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động cho hệ thống hiện vật. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và tải phần mềm miễn phí, du khách có thể nghe lời thuyết minh về 74 hiện vật của bảo tàng với song ngữ Việt - Anh.
Cả hai bảo tàng ở Lai Xá đều được trưng bày theo phong cách khá hiện đại, được thiết kế bởi nhóm chuyên gia người Pháp. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, người tham gia tổ chức, góp ý trưng bày ở cả hai bảo tàng, chia sẻ: “Cuộc đời cùng với những tư liệu và ký ức về một con người, một gia đình, một ngôi làng, một nghề sẽ góp phần giúp khách tham quan hiểu biết về lịch sử, xã hội và văn hóa của một thời kỳ, một đất nước”. Cả hai địa điểm này đang được mở cửa miễn phí cho khách tham quan.
Chuyên nghiệp hơn để thu hút khách
Du khách Daniel Bernard (quốc tịch Pháp) trong lần thứ 4 sang Việt Nam đã đến Lai Xá để tìm hiểu về nghề nhiếp ảnh ở đây. Bernard chia sẻ: “Tôi cảm thấy thú vị với cách trưng bày tại hai bảo tàng. Mỗi hiện vật, hình ảnh đều giúp tôi hiểu hơn về con người, văn hóa Việt Nam”. Tuy nhiên, Bernard cũng góp ý về việc hai địa điểm hấp dẫn này chỉ được mở cửa vào thứ bảy và chủ nhật, chưa thuận lợi cho du khách đến Hà Nội vào đầu tuần hay giữa tuần.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian này bảo tàng mới thử nghiệm mở cửa đón du khách nên chưa thể phục vụ thường xuyên. Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên đã có website riêng, còn Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đang kêu gọi cộng đồng hỗ trợ để xây dựng website. Cả hai bảo tàng đều có địa chỉ Facebook cung cấp thông tin thường xuyên, du khách có thể liên hệ trực tiếp tại đó để đặt lịch hẹn tham quan vào các ngày trong tuần. “Nếu khách muốn có trải nghiệm thực tế, chúng tôi có thể giới thiệu các nghệ nhân của làng đến chụp và làm ảnh theo phong cách truyền thống hoặc truyền đạt kinh nghiệm về nghề nhiếp ảnh như chọn máy ảnh, ống kính, trao đổi kiến thức về góc máy, bố cục, ánh sáng… đồng thời đi thực hành chụp ảnh với khách”, ông Nguyễn Văn Thắng chia sẻ thêm.
Theo Tiến sĩ Trần Nữ Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc, Lai Xá với nghề nhiếp ảnh nổi tiếng và hai bảo tàng cộng đồng đặc biệt có tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn, nhất là với du khách nước ngoài muốn tìm hiểu sâu về văn hóa Việt Nam. Chính quyền, người quản lý và nhân dân Lai Xá cần tổ chức hoạt động đón khách chuyên nghiệp hơn, có đầy đủ biển chỉ dẫn, điểm đỗ xe, hướng dẫn viên, đồng thời tổ chức các hình thức trải nghiệm, cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi…
Từ trên sân thượng của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên nhìn toàn cảnh làng Lai Xá, người ta không còn thấy những thửa ruộng được trồng cấy. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết, nhiều nhà cao tầng trong làng chỉ có một, hai người ở, rất lãng phí. Phát triển du lịch, huy động cộng đồng cùng tham gia vào phần việc này là hướng đi thuận lợi cho Lai Xá hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.