Ba mươi năm ca hát, Nghệ sĩ ưu tú Đăng Dương là một trong số rất ít ca sĩ khi chỉ theo đuổi âm nhạc thính phòng - cách mạng trong suốt sự nghiệp.
Muốn là người “giữ lửa” và “truyền lửa” âm nhạc cách mạng đến thế hệ kế cận, nam ca sĩ thực hiện liveshow “Tổ quốc gọi tên mình” vào 20h ngày 26-8, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội). Nghệ sĩ chia sẻ về liveshow quan trọng trong sự nghiệp của mình.
- Tại sao anh lại chọn tên “Tổ quốc gọi tên mình” cho liveshow đánh dấu 30 năm ca hát của mình?
- Tên gọi này xuất phát từ kỷ niệm đặc biệt và thiêng liêng khi tôi được đặt chân đến quần đảo Trường Sa. Đến giờ, tôi vẫn còn bồi hồi, xúc động khi được dự lễ khánh thành lá cờ Tổ quốc bằng gốm sứ trên đảo Trường Sa Lớn.
Hơn bao giờ hết, chúng tôi thấm thía rằng, mỗi chiến sĩ đã phải trải qua bao vất vả, thậm chí hy sinh máu xương của mình để bảo vệ biển, đảo quê hương. Từ cảm xúc ấy, tôi quyết định lấy tên “Tổ quốc gọi tên mình” cho liveshow như một lời tri ân đến các thế hệ cha anh, những người chiến sĩ đã và đang dành cuộc đời mình để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc. Đồng thời, qua lời ca, tiếng hát, tôi muốn gửi thông điệp đến thế hệ trẻ, rằng hãy luôn lắng nghe lời Tổ quốc gọi để sống và làm việc, cống hiến hết mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.
- Kỷ niệm chặng đường nghệ thuật của mình, anh đã chuẩn bị liveshow này trong bao lâu?
- Sau live concert đầu tiên “Mắt trời của tôi” được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, đồng thời đoạt Giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2017 cho hạng mục Chương trình của năm, tôi đã ấp ủ 2-3 năm sau sẽ tiếp tục thực hiện chương trình chuyên “nhạc đỏ” để khẳng định con đường nghệ thuật của mình.
Tuy nhiên, do đại dịch phải lùi lại đến nay và trung với dấu mốc kỷ niệm 30 năm ca hát. Đây sẽ là liveshow gồm toàn bộ các ca khúc cách mạng, những ca khúc đi cùng năm tháng mà khán giả yêu thích khi tôi hát và tôi cũng yêu thích nhất. Mặc dù có tới 30 bài hát trong liveshow - con số rất lớn cho một đêm “nhạc đỏ”, nhưng tôi vẫn cảm thấy hơi... ít. Danh sách ban đầu tôi lựa chọn và biên tập là 50 bài. Âm nhạc cách mạng của chúng ta rất phong phú, ca từ hay, giai điệu đẹp vô cùng và tôi muốn hát thật nhiều, tận hiến cho khán giả.
- Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn là “tam ca nhạc đỏ” luôn đi cùng nhau, nhưng ở liveshow lần này không có hai mảnh ghép kia, mà đồng hành cùng anh là những nghệ sĩ trẻ. Anh lý giải sao về điều này?
- Liveshow “Tổ quốc gọi tên mình” có ý tưởng hơi khác biệt so với Đăng Dương quen thuộc trước đây. Tôi lựa chọn những người đồng hành trẻ cũng là khẳng định hướng đi mà mình đang theo đuổi, đó là lan tỏa tình yêu “nhạc đỏ” đến thế hệ kế cận. Tôi cũng thử sức để cùng với những người trẻ làm tươi mới, tạo nên sức sống mới cho âm nhạc cách mạng, để dòng nhạc này luôn bất diệt với mọi thế hệ khán giả Việt.
Nhạc sĩ Dương Cầm, một người trẻ tâm huyết và nhiều ý tưởng sáng tạo là Giám đốc âm nhạc. Còn Đào Tố Loan là ca sĩ thính phòng hàng đầu hiện nay, đã nhiều lần hợp tác với tôi rất ăn ý. Ca sĩ Võ Hạ Trâm là một giọng ca biến hóa, hát được nhiều dòng nhạc, có thể giúp âm nhạc thính phòng đến gần với khán giả hiện nay. Nhóm Oplus với 4 chàng trai vừa sôi nổi vừa lịch lãm, tôi nghĩ đây là nhân tố tạo sự “bùng nổ” trong liveshow lần này.
- Vợ anh - nghệ sĩ Kim Xuyến, cũng là ca sĩ từng nhiều năm phục vụ trong quân đội và lâu nay là quản lý của anh. Liệu trong liveshow đặc biệt này, anh có để chị xuất hiện trên sân khấu không?
- Các nhà tổ chức và bản thân tôi đã nhiều lần mời Kim Xuyến lên sân khấu biểu diễn cùng, nhưng vợ tôi từ chối vì chỉ muốn là người đứng phía sau ủng hộ, hỗ trợ chồng. Tôi thấy mình vô cùng may mắn vì có bạn đời là hậu phương vững chắc để có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi con đường âm nhạc này, thực hiện những ước mơ và đam mê đến bây giờ. Tôi sẽ tiếp tục thuyết phục Kim Xuyến xuất hiện trên sân khấu và nếu được sẽ nhờ nhạc sĩ Dương Cầm thiết kế một màn trình diễn cho cả hai.
- Trân trọng cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.