(HNM) - Được vinh danh là một trong 10 Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2015 với NSƯT Thúy Mùi -
Hẹn gặp NSƯT Thúy Mùi đúng thời điểm chị bận bịu tập trung chỉ đạo cho chương trình biểu diễn của Nhà hát Chèo Hà Nội chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI tại nhiều địa phương diễn ra vào tối 31-10 và 1-11 mới thấy sức dẻo dai của chị. Thấy Thúy Mùi để tâm từng chi tiết nhỏ, sắp xếp nội dung chương trình cho cả 3 đoàn diễn, lo cho anh em đầy đủ tư trang để đến điểm diễn đúng giờ, chuẩn bị cả bạt phủ, ô lớn sẵn sàng để nếu trời mưa vẫn có thể diễn được. Trong các buổi diễn đó, đặc biệt nhất là chương trình tối 1-11 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ có tên "Màu cờ tôi yêu". Trong chương trình, ngoài việc giới thiệu những ca khúc dân ca, trích đoạn chèo thuộc sở trường của nhà hát, Thúy Mùi còn mời thêm nhiều nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn để chương trình thêm phong phú với các tiết mục ca múa nhạc ngợi ca Đảng, những bài đậm chất Hà Nội.
Thúy Mùi sinh ra và lớn lên ở vùng đất Ninh Bình. Trong xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh quê chị có đến 5 đội chèo liên miên hát, diễn. Ngấm từ nhỏ, rồi mê và quyết theo đuổi trở thành diễn viên chèo. Ban đầu, chị tham gia ở Nhà hát Chèo Ninh Bình, sau đến với Nhà hát Chèo Hà Nội, gắn bó nay đã hơn 30 năm và 9 năm làm lãnh đạo đơn vị. Khán giả nhớ đến Thúy Mùi từ những vai diễn như Thị Kính trong "Quan Âm Thị Kính", Nguyên phi Ỷ Lan trong "Lý Thường Kiệt"… đến những tiết mục hát dân ca cổ truyền. Nhưng nhiều người lại thích giọng ngâm thơ và muốn nghe đi nghe lại các đĩa thơ "Hai sắc hoa ti gôn - Mưa xuân", "Núi đôi", "Ông đồ", "Đây thôn Vỹ Dạ"… của chị. Có ai đến với đêm thơ, nhạc Phú Quang - Hồng Thanh Quang hôm 21-10 vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã được đắm mình trong giọng ngâm của chị. Thúy Mùi nói, vẫn yêu cảm giác diễn lắm, cứ khơi đúng mạch của chị mà xem!
Thúy Mùi được gọi là "nữ soái" làng chèo bởi sự "chịu chơi" của chị suốt gần chục năm qua. Đầu tiên phải kể đến là "cuộc chơi" tiền tỷ để cải cách trong dàn dựng vở diễn, như "Oan khuất một thời", "Nàng Si Ta". Dấu ấn lớn nhất là vở "Vương nữ Mê Linh" do chính chị làm đạo diễn. Chị cho thiết kế tượng hai con voi kích thước như thật lên sân khấu, mời biên đạo múa Tấn Lộc, nhà thiết kế Sỹ Hoàng từ TP Hồ Chí Minh ra thực hiện riêng cho vở diễn, chỉ vì: "Họ là những người xuất sắc". Vở diễn được giao cho dàn diễn viên trẻ nhưng được truyền "lửa" và kinh nghiệm diễn xuất từ chị, đã chinh phục khán giả, khiến nhiều người thay đổi cách nghĩ về chèo. Vở diễn đã đoạt HCV Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 và duy chỉ Thúy Mùi được trao giải "Đạo diễn xuất sắc nhất". Đến giờ mỗi lần "Vương nữ Mê Linh" có lịch diễn là lại chật kín khán giả.
Đầu năm 2015, Thúy Mùi còn xây dựng một chương trình chuyên phục vụ khách du lịch mang tên "Long Thành diễn xướng", để giới thiệu nghệ thuật truyền thống của Thủ đô với cách làm sáng tạo kết hợp múa rối và hát chèo. Chị muốn biến địa chỉ 15 Nguyễn Đình Chiểu thành điểm đến "đắt giá" của du khách khi đến Thủ đô. Gần một năm, tuần nào cũng diễn ba suất, lúc mau là kín các ngày, khách đến ngày một đông, đặt lịch trước cả tháng, nhất là những người từ phương Nam ra. Ngoài chương trình đó, hiện nhà hát có trên 20 vở diễn cùng "sáng đèn". Có lẽ đây là một kỷ lục của chèo Hà Nội. Không những "sáng đèn" vào buổi tối, rạp Đại Nam của nhà hát còn "sáng đèn" vào ban ngày, đấy là phục vụ học sinh, sinh viên - đối tượng mà NSƯT Thúy Mùi rất quan tâm và coi trọng. Bởi điều chị đau đáu nhất vẫn là đưa người trẻ đến và ở lại với chèo. Thế nên bao nhiêu năm nay, chị miệt mài đưa chèo đến trường học, hoặc đưa học sinh đến nhà hát xem chèo, xây dựng những chương trình có khả năng tương tác cao, phù hợp với các em. Chị nói: "Vừa là để tạo khán giả tương lai cho nghệ thuật chèo, vừa tiếp thêm cảm hứng và tình yêu nghề cho diễn viên. Như thế chèo mới tồn tại và phát huy được trong đời sống hiện đại".
Một điều có lẽ là hiếm hoi trong nghệ thuật truyền thống hiện nay, khi mà người của Nhà hát Chèo Hà Nội có thể sống được với nghề. Nghệ sĩ được lên sân khấu thỏa mãn đam mê, lại không phải lo "cơm áo gạo tiền", dẫu chưa phải là giàu sang, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để nhiều người nể phục cái tài của Thúy Mùi. Thế mà chị vẫn ngờm ngợp những dự định, hoài bão lớn, mạnh dạn làm những điều chưa ai dám cho nghệ thuật truyền thống. Thúy Mùi bảo, còn sức thì còn làm, còn được khán giả yêu thương thì còn động lực tiếp tục là "người giữ lửa".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.