Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người đưa sản phẩm sơn mài ra thị trường thế giới

Hương Thủy| 15/03/2022 07:08

(HNM) - Sinh ra trong gia đình có nhiều đời làm nghề sơn mài tại làng Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín), với đôi bàn tay khéo léo, cùng óc sáng tạo, anh Đỗ Hùng Chiêu (sinh năm 1971), Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy đã tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường. Từ đó, góp phần đưa sản phẩm làng nghề có mặt trên thị trường thế giới.

Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy Đỗ Hùng Chiêu bên sản phẩm sơn mài của doanh nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, bên cạnh việc học làm sản phẩm sơn mài từ nghề cha ông, anh Đỗ Hùng Chiêu học thêm về mỹ thuật. Năm 1996, anh mở xưởng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm tranh sơn mài, sau đó sản xuất thêm nhiều mặt hàng có tính ứng dụng cao như bình hoa, bàn ghế, đĩa, bát. Đến năm 2011, anh thành lập Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy...

Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, doanh nhân này cho biết anh gặp không ít khó khăn, đặc biệt về vốn và đầu ra cho sản phẩm. Anh đã lặn lội đi tìm thị trường, nhiều ngày rong ruổi tại các cửa hàng kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm để nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng cũng như khách du lịch nước ngoài, từ đó sản xuất rồi đưa hàng lên bán. Tiếng lành đồn xa, cùng với việc tìm hiểu thêm thị trường ở các tỉnh, thành phố khác như Thái Bình, Hải Phòng, Đà Nẵng… sản phẩm của công ty anh ngày càng được nhiều người biết đến. Đặc biệt, năm 2013, nhận thấy thị trường thế giới đầy tiềm năng, anh đã tìm hiểu và đưa sản phẩm sang những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.

Anh Đỗ Hùng Chiêu cho rằng, để có một sản phẩm sơn mài hoàn hảo phải trải tới hơn chục công đoạn khác nhau. Công đoạn đầu tiên là chọn cốt, mộc (tạo dáng cho sản phẩm). Cốt của sản phẩm sơn mài đa dạng như giấy ép, gỗ, tre, gốm, sứ… Riêng khâu làm vóc (tạo nền của sản phẩm) phải trải qua nhiều lần sơn. Với khâu này, lớp nền được làm để kết dính tốt hơn các nguyên liệu khác nhau như vỏ trứng, vỏ ốc, sừng trâu hay bạc, vàng… Mỗi công đoạn đòi hỏi người làm nghề kiên nhẫn, tỉ mỉ và chính xác.

Để sản phẩm khác biệt và có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài, ngoài việc bảo đảm chất lượng như nhẵn, bóng, mịn và đẹp về mỹ thuật, anh cùng cộng sự không ngừng tìm tòi, sáng tạo, thiết kế các sản phẩm với mẫu mã đa dạng, sinh động. Đặc biệt, sản phẩm còn phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường như nguyên liệu phải có trong tự nhiên; khi sản phẩm bị vỡ, hỏng, hoặc không được dùng nữa thì phải có khả năng tự phân hủy, không ảnh hưởng đến môi trường...

Đến nay, Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy có hàng nghìn sản phẩm như: Tranh, bình hoa, khay hộp, bát, đĩa, giá đựng rượu, hộp đựng hạt dưa, hạt bí…. Trong đó, 2 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là hộp sơn mài gắn sừng và hộp sơn mài gắn trai, đều làm từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, công ty còn nhiều sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.

Với nỗ lực phấn đấu để nâng tầm giá trị sản phẩm sơn mài của doanh nghiệp nói riêng và sản phẩm sơn mài của làng Hạ Thái nói chung, anh Đỗ Hùng Chiêu luôn được người làng nghề yêu quý. Đối với anh, sự tin yêu của mọi người dành cho anh cũng như sản phẩm sơn mài của làng Hạ Thái nói chung và công ty An Huy nói riêng là động lực để anh và các cộng sự tiếp tục cho ra mắt nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người đưa sản phẩm sơn mài ra thị trường thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.