(HNM) - Khu vực núi Ba Vì sở hữu hơn 500 loài dược liệu quý và đặc hữu. Cũng tại đây, đồng bào dân tộc Dao sống dưới chân núi Ba Vì (huyện Ba Vì) đã bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam lâu đời. Với cách làm truyền thống, thuốc Nam của người Dao đang khó cạnh tranh trên thị trường, song với khát vọng nâng tầm dược liệu Việt, Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn đã chuẩn hóa quy trình sản xuất để sản phẩm ngày càng phát huy giá trị...
Từng bước thay đổi
Những bản làng sinh sống dưới chân núi Ba Vì (còn gọi là Tản Viên Sơn) yên bình trong không gian đầy màu xanh của rừng, núi.
Chị Dương Thị Quỳnh, công chức văn hóa, xã hội của xã Ba Vì mở lòng khi chúng tôi có mong muốn tìm hiểu về nghề thuốc Nam của đồng bào. Với chị, nghề này thực sự là một kho báu. "Thuốc Nam của người Dao ở Ba Vì có tác dụng trong chữa trị rất nhiều bệnh từ xương khớp, gan, thận, dạ dày, thần kinh, răng miệng, thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh...". Cũng theo giới thiệu của chị Quỳnh, trên mảnh đất này, rất nhiều gia đình đều hiểu cặn kẽ, nắm bắt đặc tính, công dụng, tỷ lệ kết hợp, pha trộn các thảo dược để cho ra những bài thuốc quý chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe.
Nếu như trước kia, người Dao chỉ biết dùng cây thuốc dưới dạng tươi hoặc khô để nấu lấy nước tắm hoặc uống thì những năm gần đây, các bài thuốc đã được cải tiến thành nhiều dạng tiện lợi hơn mà vẫn giữ được công dụng của thuốc, như: Nấu cao, nghiền thành bột, thuốc nước để nhỏ, thuốc đắp. Ngoài chữa bệnh tại chỗ, các bài thuốc Nam còn theo chân thầy lang rong ruổi khắp các chợ phiên trong vùng, đến cả các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Ðịnh... để bán thuốc chữa bệnh, lan truyền "tiếng thơm" cho làng nghề.
Lợi thế là vậy, song trước sự phát triển của xã hội, nghề thuốc Nam cũng gặp không ít khó khăn. Đa số các hộ làm thuốc có quy mô gia đình nhỏ lẻ nên khó có tiềm lực để đầu tư bài bản. Hạn chế trong quy trình bào chế, mẫu mã, bao bì và giấy tờ minh chứng chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng... khiến sản phẩm truyền thống gặp khó khăn khi chinh phục thị trường. Thực tế này khiến những hộ làm nghề và cả chính quyền địa phương đều trăn trở.
Sinh ra trong gia đình nhiều đời làm thuốc Nam, từ nhỏ Lương y Lăng Thị Châm đã theo mẹ lên rừng hái thuốc và được dạy bảo về tác dụng chữa bệnh của các loài cây. Nhận thấy giá trị từ những bài thuốc Nam, bà Châm là một trong số những người tiên phong thành lập Hợp tác xã Thuốc Nam gia truyền dân tộc Dao tại thôn Yên Sơn (xã Ba Vì). Gần đây, Hợp tác xã đổi tên thành Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn và đầu tư nhà máy sản xuất thuốc Nam hiện đại tại thôn Bát Đầm (xã Tản Lĩnh) giáp thôn Yên Sơn, đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). “Chúng tôi chuyển đến vị trí mới để có mặt bằng lớn hơn, đủ điều kiện xây dựng nhà máy quy mô. Đây sẽ là điều kiện tốt hơn để sản xuất, nâng giá trị các bài thuốc Nam của cộng đồng người Dao nơi đây”, Lương y Lăng Thị Châm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chia sẻ.
Cũng theo Lương y Lăng Thị Châm, từ quy trình sản xuất truyền thống sang dây chuyền hiện đại là bước chuyển dài trong nghề thuốc của người Dao. Vẫn là các dược liệu truyền thống song quy trình sản xuất được khép kín hoàn toàn. Thay vì đun thuốc trên bếp củi, với nhà máy GMP, thuốc cao của Hợp tác xã được cô đặc bằng nồi nấu chân không kết hợp với pha chế trong các bồn hút chân không…, tạo ra các sản phẩm bảo đảm an toàn. Hợp tác xã cũng xây dựng các phòng nghiên cứu vi sinh, hóa lý và tuyển lao động tốt nghiệp đại học chuyên ngành dược để có kiến thức chuyên môn bảo đảm các mẫu sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định của ngành Y tế.
"Hiện nhà máy sản xuất thuốc Nam của Hợp tác xã đang sản xuất và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm như: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe “Tì vị”, “bổ phế”, “dưỡng khớp” mang thương hiệu “Tản Viên Sơn”, các loại trà thảo dược, các sản phẩm mỹ phẩm như dầu gội dược liệu, nước tắm sau sinh… đều lấy giá trị gốc từ bài thuốc gia truyền của người Dao Ba Vì", Lương y Lăng Thị Châm tự hào kể.
Khát vọng vươn xa
Hiện nay, Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn đang tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động. Đơn vị cũng đã liên kết tiêu thụ dược liệu cho 10 gia đình khu vực quanh chân núi Ba Vì. Bà Lăng Thị Dung ở thôn Yên Sơn (xã Ba Vì) cho biết, từ khi cung cấp cho Hợp tác xã, gia đình bà có thu nhập ổn định hơn. Còn với ông Bùi Hữu Minh, thôn Bát Đầm (xã Tản Lĩnh), trước đây vườn đồi rộng chỉ trồng keo nay đã chuyển khoảng 1ha sang trồng dược liệu như dành dành, khôi tía… “Mỗi năm, gia đình tôi thu dược liệu 2 vụ, toàn bộ sản phẩm được Hợp tác xã mua hết”, ông Minh cho biết.
Về định hướng phát triển, Lương y Lăng Thị Châm tự tin khẳng định: “Thuốc Nam của người Dao rất tốt. Chúng tôi nghĩ rằng, chỉ khi được đầu tư bài bản mới giúp nghề truyền thống phát huy giá trị, làm giàu cho bản thân, cho những người Dao bản địa dưới chân núi Tản và xa hơn đó là khát khao nâng tầm dược liệu Việt Nam, góp phần chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho người dân”.
Thời gian tới, Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn sẽ tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội. Từ khi nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP đi vào hoạt động, một số khách quốc tế đã tới thăm nhà máy, bày tỏ sự quan tâm tới giá trị bản địa từ bài thuốc của người dân địa phương và hứa hẹn sẽ nghiên cứu hợp tác trong tương lai. Hơn nữa, Ba Vì là vùng đất đa dạng sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, trải nghiệm… Hợp tác xã sẽ hướng tới mục tiêu khai thác nghề thuốc Nam để phát triển du lịch trải nghiệm nghề trồng, thu hái, bào chế thuốc Nam... Qua đó, du khách thêm tin tưởng, trân trọng những tinh hoa của y học cổ truyền dân tộc Việt.
Chia sẻ về định hướng phát triển nghề thuốc Nam của địa phương, Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, người Dao có kinh nghiệm cha truyền con nối với nghề làm thuốc. Hiện, cả xã có 309 hộ gia đình theo nghề làm thuốc Nam, có 9 hợp tác xã thuốc Nam được tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Chuẩn hóa các bài thuốc gia truyền, sản xuất khép kín trên dây chuyền hiện đại chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất thuốc Nam theo chuẩn GMP của Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn là cách làm hiệu quả để các hợp tác xã hoạt động kinh doanh thuốc Nam khác ở xã Ba Vì cải tiến quy trình sản xuất, tạo ra thương hiệu thuốc Nam của người Dao Ba Vì.
Thuốc Nam là tài nguyên vô giá bảo vệ sức khỏe cho con người. Việc bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam không chỉ góp phần bảo đảm sinh kế cho người dân tộc Dao Ba Vì, mà còn bổ sung vào kho tàng thuốc Nam của cả nước. Sự thay đổi trong tư duy, phương thức sản xuất sẽ là cú hích để giữ gìn, phát triển cây dược liệu, bài thuốc quý, chuẩn hóa các bài thuốc dân tộc, góp phần phát triển bền vững cây thuốc Nam nói riêng và dược liệu Việt nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.