Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia

Minh Ngọc| 10/05/2013 05:28

(HNM) - Trước thông tin 78 người dân của gần 60 hộ ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) ký tên vào lá đơn gửi các cơ quan chức năng xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia, hôm qua (9-5), phóng viên Báo Hànộimới đã về Đường Lâm để tìm hiểu sự tình.



Tương tự như một số di tích sống khác, mâu thuẫn giữa bảo tồn nguyên vẹn di tích làng cổ trong khi xã hội đang phát triển từng ngày, giữa lợi ích cá nhân và tập thể là nguyên nhân chính tạo nên sự bức xúc này.

Các cấp, ngành liên quan cần có phương án quy hoạch tổng thể để giải quyết bài toán bảo tồn và phát triển làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Lê Thắng


Bức xúc kéo dài

Khi biết chúng tôi về tìm hiểu sự việc, không ít người dân Đường Lâm vồn vã mời vào nhà để chia sẻ cái sự… khổ. Ông Phan Văn Hợp (thôn Mông Phụ), vừa chỉ vào ngôi nhà cấp 4 ọp ẹp, rộng chưa đầy 50m2 của gia đình vừa cho biết: "Bảy đời nhà tôi đã sống trên mảnh đất này, hiện có 4 cặp vợ chồng đang sống, bất tiện không thể diễn tả hết. Muốn xây lại nhà thì không được phép, mong đất giãn dân cũng chả thấy đâu, mà mua chỗ khác để cho các con ở thì không đủ điều kiện". Tương tự, gia đình ông Kiều Văn Tuấn có tới 14 người, thuộc 4 thế hệ cùng sống trong ngôi nhà vẻn vẹn vài chục mét vuông, hai người con trai năm nay đã ngoài 30 tuổi chưa dám lập gia đình, vì lấy vợ về biết ở chỗ nào, sinh hoạt ra sao? Còn bà Đỗ Thị Dốt (thường gọi là bà Sợi), thôn Mông Phụ muốn xây nhà khang trang nhưng khi vừa đổ mái xong tầng một thì chính quyền xã vào tuyên truyền, vận động gia đình bà không xây cao lên nữa vì "ảnh hưởng tới cảnh quan, không gian chung của làng". Bà Dốt kể không biết nội dung lá đơn đó là gì, chỉ biết có người đến bảo bà điểm chỉ vào đơn (bà Dốt không biết chữ) và bà đồng ý. Trong số hàng chục hộ gia đình muốn trả lại danh hiệu mà chúng tôi trao đổi, chỉ duy nhất bà Dốt nhận mình điểm chỉ vào đơn, các hộ còn lại đều nói không biết nội dung lá đơn đó là gì, gửi đến cấp nào. Là một công dân, đồng thời là Bí thư Chi bộ thôn Mông Phụ, ông Hà Huy Mão cũng chất chứa tâm tư: "Quỹ đất không còn, quy hoạch chưa có, hơn 1.000 người dân Mông Phụ hiện phải sinh hoạt, hội họp ở đình làng. Nhân dân mong muốn có một nhà văn hóa lắm mà không biết đến bao giờ mới có". Không những kêu khổ vì điều kiện sinh hoạt chật chội, những hộ này còn bất bình vì họ không được hưởng lợi gì từ việc khai thác du lịch. Tiền bán vé tham quan 20.000 đồng/người do BQL Di tích làng cổ Đường Lâm quản lý, sử dụng nhưng chưa có sự đầu tư lại cho làng; số hộ dân Đường Lâm tham gia làm dịch vụ du lịch làng cổ mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tuy thế, nhiều hộ gia đình khác lại tỏ ra bất ngờ trước thông tin người Đường Lâm muốn trả lại danh hiệu. Ông Hà Hữu Thể, chủ một trong 10 ngôi nhà cổ đặc biệt ở Đường Lâm nói: "Danh hiệu di sản đã mang lại cho nhân dân Đường Lâm nguồn lợi khó có thể cân đo đong đếm. Nếu biết cách khai thác, người dân vẫn có thể sống tốt trong chính ngôi nhà của mình". Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL Làng cổ Đường Lâm cho biết, ngày 26-4 vừa qua, BQL tổ chức tập huấn cho gần 100 người là cán bộ xã, thôn và nhân dân Đường Lâm về công tác bảo tồn làng cổ, 100% đều cho rằng các cơ quan chức năng cần bảo tồn di tích làng cổ bằng mọi giá, người dân Đường Lâm với vai trò là chủ thể văn hóa cũng sẽ có trách nhiệm giữ gìn chính ngôi nhà của mình.

Cần sớm có quy hoạch

Khẳng định sự bức bách của người dân là có thật, ông Giang Mạnh Hoằng, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm chia sẻ: "Nhận thức việc bảo tồn làng cổ là cần thiết, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều từ di sản, song chúng tôi chưa có cách nào giải quyết cho hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ sao cho bền vững vượt quá khả năng của chính quyền cấp xã". Tương tự, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: "Xã thường xuyên nắm tình hình, thấy gia đình nào có ý định xây nhà, chúng tôi đến từng gia đình vận động, tuyên truyền, giải thích, nhưng cái khó là mô hình xây nhà cổ ở Đường Lâm thế nào cho hợp lý đến nay vẫn chưa có hướng dẫn. Xã cũng đã nhiều lần gửi tờ trình, công văn lên các cơ quan cấp trên đề nghị đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể làng cổ Đường Lâm để sớm bố trí quỹ đất giãn dân cho hợp lý".

Theo ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL Làng cổ Đường Lâm, việc 78 người dân làm đơn đề nghị trả lại di tích (nếu có, bởi đến ngày 9-5 chưa có cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nào của xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây và thành phố Hà Nội nhận được lá đơn đó) chỉ là việc làm của một số ít người. Đường Lâm hiện có tới hơn 1.500 hộ với hơn 6.000 nhân khẩu đang sinh sống.

Cũng theo ông Phạm Hùng Sơn, làng cổ Đường Lâm là di tích làng cổ đầu tiên được công nhận ở Việt Nam nên công tác quản lý có rất nhiều bất cập. Theo Luật Di sản văn hóa, vùng lõi của di tích (thôn Mông Phụ) phải bảo tồn nguyên vẹn, trong khi làng cổ là di tích sống nên khó có thể giữ nguyên trạng. Mặt khác, khi khai thác du lịch làng cổ, sự phân chia lợi ích đều cho tất cả hộ dân là điều không tưởng. Không thể bắt khách du lịch vào tham quan đều ở các hộ, mà chỉ hộ nào có đủ điều kiện đón khách, có đầu óc làm dịch vụ nhạy bén thì hộ đó sẽ thu lợi được nhiều hơn. "Nguồn thu phí tham quan chưa nhiều (năm 2012 là 1,4 tỷ đồng), nhưng BQL cũng đã dành 80% hỗ trợ cho việc quản lý và phát huy giá trị di tích. Nếu năm nay nguồn thu lớn hơn, BQL sẽ bàn bạc với chính quyền xã xem đầu tư vào hạng mục nào cho hợp lý", ông Phạm Hùng Sơn khẳng định.

Theo nguồn tin từ UBND thị xã Sơn Tây, thị xã đã có quy định về việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và sử dụng Di tích làng cổ ở Đường Lâm từ năm 2006. Vướng mắc lớn nhất trong việc bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm hiện nay là chưa có quy hoạch tổng thể, cơ sở để giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển để toàn dân Đường Lâm toàn tâm, toàn ý giữ gìn khối di sản văn hóa quý giá không chỉ của người dân nơi đây mà còn là của quốc gia.

* Ngày 9-5, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Trương Minh Tiến cùng đại diện Cục Di sản văn hóa đã khảo sát thực trạng quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm. Theo quan điểm của ông Trương Minh Tiến, những ngôi nhà cổ có giá trị cao thì các cơ quan chức năng cần tập trung bảo tồn và tìm giải pháp nâng cao đời sống, điều kiện sinh hoạt cho họ. Khi người dân được hưởng lợi ích từ di sản sẽ gắn bó hơn với làng cổ. Ông Trương Minh Tiến khẳng định, việc một số hộ dân xin trả lại danh hiệu sẽ không có lợi cho chính họ. Các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần tuyên truyền vận động cho người dân hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa của làng cổ, giúp họ ổn định tâm lý, yên tâm lao động, sinh hoạt.

Thu Hiền
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người dân ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.