Sáng 2-9, tròn 72 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhiều người dân trên mọi miền Tổ quốc đã vượt hàng trăm km hành hương về Khu Di tích Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) để tưởng nhớ, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày Tết độc lập của dân tộc.
Khu di tích Kim Liên. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Ngay từ sáng sớm, dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc đã đổ dồn về Khu di tích Kim Liên, xếp thành hàng ngay ngắn, trên tay là những bó hoa thơm, quả ngọt để dâng lên bàn thờ Bác tại Nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh.
Trong dòng người ấy, từ trẻ nhỏ cho đến cụ già tóc đã bạc phơ, ai cũng muốn tự tay thắp nén hương thơm tưởng nhớ Bác. Dù Bác đã đi xa nhưng mỗi người dân Việt Nam luôn ghi nhớ công lao to lớn của Bác đối với dân tộc Việt Nam, ai cũng rưng rưng nước mắt, xúc động khi được tự tay thắp nén hương thơm lên bàn thờ Bác.
Vượt qua quãng đường gần 100km, cụ Lô Thị Tiến, 76 tuổi, trú tại xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) mặc bộ váy thổ cẩm đẹp nhất của dân tộc Thái chia sẻ: Tôi cùng đoàn phụ nữ của xóm đến thăm Khu di tích Kim Liên vào đúng dịp Quốc khánh 2-9. Lần đầu tiên được đến thăm căn nhà mái tranh, vách nứa nơi Bác Hồ trải qua những năm tháng ấu thơ, tôi thấy xúc động về sự bình dị của Người và sự bình yên của làng quê Việt Nam. Sau chuyến đi này, tôi sẽ kể cho các con, các cháu ở nhà về Bác Hồ, bảo ban các con học tập theo đức tính giản dị của Bác.
Cũng chung cảm xúc như cụ Tiến, chị Bùi Thị Lan ở Hà Nam tâm sự: Dù công việc khá bận rộn nhưng gia đình 5 người chúng tôi đã cố gắng thu xếp công việc để về quê Bác trong dịp lễ 2-9 này. Về đây, chúng tôi càng thêm nhớ Bác, mỗi người dân đất Việt có được cuộc sống ấm no như ngày hôm nay không thể quên công lao to lớn của Bác. Tôi luôn căn dặn các con phải luôn cố gắng học hành, rèn luyện đạo đức theo tấm gương của Bác.
Theo ước tính, dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, Khu di tích Kim Liên sẽ đón lượng khách tham quan đông gấp 3 - 4 lần ngày thường với gần 10.000 lượt khách/ngày. Song với các cán bộ, nhân viên, thuyết minh, hướng dẫn viên tại Khu di tích, đó là niềm tự hào khi được giới thiệu cho du khách hiểu hơn về Bác, về những câu chuyện bồi hồi xúc động đến rơi lệ về Bác.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn - Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Kim Liên cho biết: Để làm tốt công tác tiếp đón khách tham quan trong dịp lễ Quốc khánh 2-9, Ban quản lý Khu di tích Kim Liên đã phối hợp với các cấp chính quyền đảm bảo trật tự an ninh ở Khu di tích, ở quê ngoại và quê nội của Bác cũng như bảo đảm an toàn cho du khách.
Khu di tích cũng đã khai thác để đưa vào phục vụ nhu cầu tham quan của du khách thêm ba hộ láng giếng ở quê Nội, các nét không gian văn hóa làng Sen, làng Hoàng Trù cuối thế kỷ XIX gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khu di tích Kim Liên cũng đã trùng tu một số hạng mục, trồng thêm cây xanh, tổ chức chiếu phim tư liệu để phục vụ khách tham quan; trưng bày triển lãm ảnh chuyên đề “Những tấm gương bình dị mà cao quý” tại khu trưng bày tưởng niệm.
Bên cạnh đó, Khu di tích Kim Liên cũng điều động và phân công các cán bộ chuyên trách ở từng bộ phận, huy động toàn bộ người thuyết minh, hướng dẫn viên, đảm bảo tốt nhất công tác tiếp đón các đoàn khách đến tham quan; tiến hành phân luồng lối ra và lối vào để du khách không phải chen lấn khi về quê Bác; tuyệt đối ngăn cấm việc bán hàng rong, chèo kéo khách nhằm xây dựng hình ảnh người dân quê Bác thật văn minh, thân thiện, mến khách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.