(HNM) - Ngày 20-8, khu lều trại ở quận phía đông Mátxcơva là Golyanovo đã được lệnh đóng cửa. 234 người bị tạm giữ đã được chuyển giao về trại ở phía đông bắc Mátxcơva.
Ngày 20-8, khu lều trại ở quận phía đông Mátxcơva là Golyanovo đã được lệnh đóng cửa. 234 người bị tạm giữ tại đây đã được chuyển giao về trại ở phía đông bắc thủ đô Mátxcơva mà bà con người Việt quen gọi là trại Sông Hồng.
Nơi tạm giữ những người nhập cư bất hợp pháp ở Mátxcơva ngày 6-8. |
Nguồn gốc sâu xa của "sự cố" 31-7
Cho tới nay, đã có trên 1.200 người nhập cư bất hợp pháp bị bắt giữ kể từ ngày 31-7, trong đó có khoảng 500 - 600 người Việt Nam. Nhà chức trách Nga phối hợp với cơ quan đại diện cho người Việt Nam tại Nga, trục xuất ra khỏi Nga 3 đợt, tổng cộng là 101 người. Tất cả những người bị trục xuất này đã nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, hiện còn lại 234 người ở trại thuộc khu vực Golyanovo đã được chuyển giao về trại tạm giữ Sông Hồng. Hy vọng số này sẽ nhanh chóng được trả về Việt Nam trong một ngày gần nhất, vừa đỡ khổ cho bà con ta mà cũng vừa "giảm tải" những hình ảnh phản cảm về người Việt Nam trong con mắt của bè bạn quốc tế.
Ngày 6-8, sau khi sự việc bắt giam bà con đồng hương xảy ra, tôi và một người bạn trong Hội Người Việt Nam định cư tại Nga đã tiếp cận khu lều trại Golyanovo phía đông thủ đô Mátxcơva (tại đường phố Irlyshsky proezd - 2), mặc dù không được vào bên trong, nhưng chúng tôi đã kịp ghi lại được qua cánh cổng đóng kín những hình ảnh bà con mình trong cảnh rất đáng thương, ghi lại được những câu trả lời của các cựu chiến binh Nga khi họ cũng đến thăm khu lều trại (họ cũng không được phép vào trong). Tất cả đều bày tỏ quan điểm không hài lòng về cách giam giữ như vậy, thời tiết nóng bức, nơi giam giữ chật hẹp gây bất lợi cho sức khỏe của nhiều người. Mặc dù khi bị bắt họ là những người nhập cư bất hợp pháp, nhưng khi từ Việt Nam nhập cảnh hợp pháp vào Nga, bởi tất cả đều đi du lịch theo giấy mời 3 tháng rồi ở lại và khi quá hạn lập tức họ trở thành bất hợp pháp nếu như không làm thủ tục nhập khẩu, quyền lao động… Số người này làm các công việc lâu nay là buôn bán tại chợ, số khác thì có thể là giúp việc, trồng rau, thợ xây dựng, thợ may, dịch vụ...
Có một luật bất thành văn với người Việt Nam lâu nay ở Nga, khi công an sở tại kiểm tra giấy tờ, dù là có hộ chiếu, hộ khẩu đàng hoàng, nhưng nếu gặp phải một số công an biến chất lợi dụng "ăn" tiền bằng cách dọa đưa về đồn kiểm tra… tâm lý chung của bà con ta là rất ngại vì mất thì giờ, nên nhiều người đã có "động tác" kẹp tờ giấy vài trăm rúp vào hộ chiếu. Vậy là "ôkê"! Còn người không có hộ chiếu, hộ khẩu thì có cách "xử lý" nhanh hơn, vẫn là lúc bị xét hỏi giữa đường: Giấy tờ của anh (chị) đâu? Thì tờ tiền vài trăm rúp đã kẹp vào lòng bàn tay… cùng nụ cười nở tai tái trên môi. Thế cũng "ôkê". Chính vì thế, nhiều người có "kinh nghiệm" đối mặt với công an cứ truyền cho nhau và lâu dần thành "lệ", sống ở Nga năm này qua năm khác mà chẳng hề có hộ chiếu, hộ khẩu. Cho đến khi sa lưới thật sự. Có thể thấy một sự vô lý, đã mất tiền đóng hộ khẩu cả ngàn đô la Mỹ (mấy chục ngàn rúp) mà vẫn cứ bị hoạnh họe, nên nhiều người chủ quan không làm hộ khẩu. Số khác không làm được hộ khẩu vì không có tiền, cái vòng luẩn quẩn của người Việt Nam tại Nga là như vậy, nó như "căn bệnh nhờn thuốc". Riêng với những người vì tính chất công việc hoặc cuộc sống lâu dài tại Nga thì dù có bị một số công an biến chất năng "hỏi thăm" khi gặp nhưng tất cả đều bình chân như vại bởi đã làm hộ khẩu và các giấy tờ khác đàng hoàng. Riêng số thợ may, thợ xây dựng, trồng rau… thuộc quyền quản lý của các ông bà chủ, nếu ở nơi hợp pháp, họ sẽ có hộ chiếu, hộ khẩu nghiêm túc, còn không may gặp ông bà chủ nhập nhèm, các quyền lợi công dân của họ sẽ bị lạm dụng. Và dĩ nhiên, họ là số đông nạn nhân trong những người bị bắt vào các đợt truy quét của chính quyền như thời gian vừa qua mà chúng ta đã thấy.
Có một lý do về "căn bệnh nhờn thuốc" nữa của người Việt Nam tại Nga bao nhiêu năm qua là khi bị bắt thì chỉ ít hôm và thậm chí là sau khi có tiền nộp tại đồn do người thân mang đến thì đa số được thả. Vậy nên, cảm giác của cái sợ tạm thời đã "quá quen" cho đến khi "sự cố ngày 31-7" như một gáo nước lạnh giội xuống cho bao nhiêu con người đã quen ỷ lại về chuyện "bắt cóc bỏ đĩa" này. Xem ra, chính quyền lần này đã thực sự làm mạnh tay. Hiện nay, có vẻ như nhà chức trách đã giảm "nhiệt" tại Mátxcơva (tăng “nhiệt” tại vùng Viễn Đông). Một số vùng ở thành phố xa hoặc quanh Mátxcơva, qua các đợt truy quét, lượng người sinh sống bất hợp pháp bị bắt vẫn tiếp tục tăng. Ngày 19-8 vừa qua, hàng trăm người Trung Quốc bất nhập cư hợp pháp cũng đã bị bắt tại một trung tâm thương mại (TTTM) ở khu vực phía đông Mátxcơva. Ngày 15, 16, 17, 18-8, chúng tôi có những chuyến đi kiểm chứng tại các vùng chợ Chim (TTTM Sadovo), chợ Liu (TTTM Mátxcơva), TTTM Dubropka, Km41… tình hình tạm ổn định trở lại sau những đợt truy quét cách đó ít ngày. Ở các khách sạn, ốp (ký túc xá) như Mekong, Rưubac… nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống và làm việc tình hình nhìn chung vẫn ổn định.
"Gậy ông đập lưng ông"
Chưa có con số thống kê chính xác hiện có bao nhiêu người Việt Nam đang làm việc, sinh sống (hợp pháp và bất hợp pháp) trên toàn lãnh thổ LB Nga. Nhìn chung, phần đông người Việt Nam chấp hành tốt luật pháp của bạn, nhưng việc một số người sống và làm việc tại nước sở tại nhưng lại chấp hành không tốt luật nhập cư để xảy ra tình trạng như trên là dấu hiệu đáng báo động. Nó cũng gián tiếp làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh cộng đồng Việt Nam trong con mắt của người dân địa phương.
Khi chúng tôi phỏng vấn một số người dân Nga về những điều vừa xảy ra, họ trả lời: "Cần đưa hết những người nhập cư của các bạn và của nước khác mà không có một thứ giấy tờ tùy thân hợp pháp nào ra khỏi Nga theo đúng luật pháp, dẹp tận gốc những cơ sở làm ăn phi pháp, trừng phạt nghiêm khắc những kẻ thi hành công vụ của chúng tôi nhưng mà bị biến chất khi tiếp tay cho kẻ xấu…". Bản thân những người Nga mà tôi hỏi, xưa nay họ vốn rất mến người Việt Nam ta, vẫn thường xuyên mua hàng của người Việt Nam, nhưng khi xảy ra sự cố chúng ta quá coi thường luật pháp thì họ đã mất hết cả tình cảm - đó thực sự là một nỗi buồn không đáng có. Về chuyện người nhập cư bất hợp pháp bị bắt rồi bị trục xuất, những người bạn Việt Nam mà tôi có dịp tranh luận, người không hài lòng có, người "bao che" có, mỗi người một cách biện luận. Anh T.Q. - một người Việt Nam sống lâu năm ở Nga cũng bày tỏ sự bức xúc: "Thật buồn vì sao chúng ta cứ luẩn quẩn trong việc có nên chấp hành hay "né" luật để sống. Có cách gì giúp bà con ta được không?". Anh Ng.Văn H. thì tỏ vẻ "am hiểu": "Cứ để cho "nó" bắt, rồi ít bữa nữa xong chiến dịch lại đâu vào đấy, rồi các bác xem?". Chị Ph. thì an ủi: "Thà như vậy còn hơn tiếp tục sống chui nhủi dưới tầng hầm…". Anh Tr. M. thắc mắc: "Tại sao người nhập cư bất hợp pháp các nước bị bắt nhiều mà chỉ nói tới Việt Nam trên ti vi, báo chí… nhiều vậy nhỉ?" (câu hỏi này khá nhiều người đang thắc mắc). Còn cô L. thì có vẻ băn khoăn: "Mọi người cũng nên nhìn nhận khách quan về trách nhiệm các cơ quan chủ quản của ta, từ trước tới nay họ đã làm gì mà để tình trạng này cứ dồn đống như vậy, tại sao không xử lý nghiêm minh những "kẽ hở", dù người vi phạm là bất cứ ai? Cũng phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế là suốt thời gian dài chúng ta đã buông lỏng quản lý. Bởi nếu quản chặt chẽ, chắc chắn đã không có tình trạng "sốc" như thời điểm vừa qua"… Nhiều ý kiến cho rằng cần giám sát chặt chẽ khâu tuyển dụng người đi làm việc ở nước ngoài từ phía các công ty, chỉ cấp giấy phép đưa người ra nước ngoài với công ty bảo đảm hợp pháp. Lâu nay tình trạng đưa người đi làm việc "chui" ở nước ngoài qua hình thức du lịch là rất phổ biến. Cần có chế tài với ngành du lịch khi đưa người sang dưới dạng "thăm thân" khi đưa người sang Nga trong phạm vi từ 7 đến 10 ngày, hay cao nhất là 3 tháng, phải có trách nhiệm đưa về, nếu không sẽ bị phạt nặng. Bên cạnh đó, có các quy định buộc các công ty phải có trách nhiệm với bản thân người đi du lịch như yêu cầu đặt một khoản tiền "cọc" (bảo hiểm) trước khi đi, sau khi về nhận lại, nếu không về, sẽ bị mất số tiền nói trên, ngoài ra còn bị truy cứu hình sự... Như vậy thì phía người đi du lịch và công ty đưa người đi du lịch sẽ có trách nhiệm hơn trước pháp luật. Đồng thời đại sứ quán tại các nước nơi có người Việt Nam làm ăn sinh sống cũng cần có trách nhiệm rõ ràng hơn trước khi để xảy ra sự việc đáng tiếc như trên.
Hơn lúc nào hết đã đến lúc chúng ta cần phải xây dựng lại hình ảnh trong sáng chịu thương, chịu khó của người Việt Nam trong con mắt thiện cảm của bè bạn - nhất là với những nước có người Việt Nam sinh sống và làm ăn, đặc biệt là với nước Nga.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.