Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân khổ vì môi trường ô nhiễm

Hoàng Minh| 09/01/2018 07:13

(HNM) - Do lượng nước thải, bã thải phát sinh trong quá trình làm nghề chưa qua xử lý, bị các hộ dân thải trực tiếp ra môi trường nên đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống của khu dân cư...

Mùa... ô nhiễm

Thực tế chứng kiến của phóng viên tại xã Dương Liễu vào những ngày đầu năm 2018 cho thấy, dọc trục đường chính vào xã (từ đê tả Đáy qua trụ sở UBND xã đến các trường mầm non, tiểu học, THCS Dương Liễu), đất, cát vương vãi, bụi bẩn khắp nơi, mùi xú uế nồng nặc bốc lên từ hệ thống mương thoát nước hai bên đường. Không chỉ vậy, hầu hết các nhánh đường dẫn về các thôn cũng chung cảnh ngộ... Nói về nguyên nhân, ai cũng khẳng định là các hộ làm nghề chế biến tinh bột còn thiếu ý thức khi hằng ngày thải trực tiếp ra môi trường một lượng lớn nước, đất, bã thải dong riềng, sắn... nhưng không bị xử lý. Tình trạng này lặp lại hằng năm mỗi khi xã vào mùa chế biến tinh bột và người dân đành sống chung cùng ô nhiễm.

Hầu hết các trục đường chính trong xã Dương Liễu bị chiếm dụng để tập kết dong riềng.


Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Tr. sống gần trụ sở UBND xã Dương Liễu cho biết: Từ tháng Mười âm lịch (năm Đinh Dậu) đến nay, vào ngày trời nắng, mỗi khi có ô tô, xe máy đi qua, bụi đất từ đường bay lên mù mịt. Để hạn chế bụi, mùi hôi thối từ hệ thống mương nước thải bốc vào nhà, các hộ sống ven đường phải đóng cửa im ỉm suốt ngày; còn khi trời mưa, trục đường chính luôn nhầy nhụa bùn, đất do quá trình tập kết, vận chuyển dong riềng, sắn... gây ra.

Chung nỗi niềm, bà Lê Thị M. thôn Đồng than thở: Hệ thống đường giao thông trong xã đã đổ bê tông nhưng cứ vào mùa chế biến tinh bột, hầu hết các tuyến đường đều bụi bẩn. Nhiều đoạn lênh láng nước, đất, bã thải dong riềng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân...

Cần giải pháp căn cơ


Hiện nay, toàn xã Dương Liễu có 168 hộ chế biến tinh bột (126 hộ chế biến tinh bột sắn, 42 hộ chế biến tinh bột dong riềng). Các hộ chế biến dong riềng tập trung nhiều ở các thôn: Đình Đàu, Thống Nhất, Đồng và 4 thôn vùng bãi, gồm: Me Táo, Mới, Hòa Hợp, Đồng Phú. Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Dương Liễu, mỗi ngày có khoảng 4 nghìn tấn dong riềng, sắn được đưa vào để chế biến tinh bột, trong khi đó tỷ lệ thu hồi tinh bột dong riềng chỉ đạt khoảng 20%.

Ông Phí Đình An, Chủ tịch UBND xã Dương Liễu thừa nhận, tình trạng ô nhiễm môi trường do nghề chế biến tinh bột gây ra đang ở mức báo động, gây bức xúc nhân dân và chính nghề này đang “bóp nghẹt” nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp khác trên địa bàn xã như nghề sản xuất miến, bánh kẹo, sơ chế đậu xanh… Tuy nhiên, việc xử lý các hộ xả nước, đất, bã thải trực tiếp ra môi trường lại khó thực hiện vì chế biến tinh bột là một trong những nghề truyền thống của địa phương, chỉ sản xuất theo mùa vụ (từ tháng 10 năm trước đến hết tháng Hai âm lịch năm sau) và các hộ đều chế biến tại gia đình, do đất chật nên không đầu tư hệ thống xử lý nước, bã thải.

Nhằm nâng cao ý thức người dân trong sản xuất, xã Dương Liễu tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhân dân. Song, 100% số hộ chế biến tinh bột dong riềng vẫn ngang nhiên xả thẳng ra kênh mương, nhiều hộ còn xả cả ra đường đi. Thực trạng này kéo dài khiến hệ thống kênh mương, thậm chí cả hồ điều hòa rộng hơn 4.000m2 của xã cũng luôn trong tình trạng tắc nghẽn, quá tải.

Năm 2017 UBND xã Dương Liễu đã xây dựng chương trình hành động, triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, như bố trí điểm tập kết nguyên liệu chế biến tinh bột; tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Đặc biệt, trước khi vào vụ, xã đã mời các hộ chế biến tinh bột lên ký cam kết tự thu gom chất thải, bã thải; không mua nguyên liệu lẫn nhiều đất để chế biến; vệ sinh nơi sản xuất, không để ảnh hưởng tới môi trường,… nhưng chỉ 15/168 hộ ký cam kết, số hộ còn lại cố tình vắng mặt, gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương.

Để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề của huyện Hoài Đức, cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội đã chính thức đưa vào vận hành Nhà máy Xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (đặt tại xã Dương Liễu) với công suất thiết kế 20.000m3/ngày - đêm. Tuy nhiên, do lượng nước thải kèm theo bã thải, bùn đất đổ ra hệ thống mương quá lớn, thường xuyên gây tắc nghẽn dòng chảy, khiến việc xử lý chưa triệt để.

Thiết nghĩ, các quy định về xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường đã được pháp luật quy định, chính quyền sở tại cần sát sao, quyết liệt, không nên làm ngơ trước thực trạng này. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của huyện Hoài Đức và TP Hà Nội cũng cần có những giải pháp căn cơ hơn để phát huy hiệu quả của Nhà máy Xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà. Về lâu dài, UBND xã Dương Liễu cần quy hoạch quỹ đất để đưa toàn bộ các hộ chế biến tinh bột ra ngoài khu dân cư... thì mới mong nghề truyền thống mang lại lợi ích lâu dài, bền vững cho người dân nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân khổ vì môi trường ô nhiễm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.