Những ngày qua, hơn 450 nghìn người dân Đông Anh nghẹn ngào, buồn đau bởi quê hương mất đi một người con ưu tú - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Xen lẫn niềm tự hào là những giọt nước mắt, gương mặt đượm buồn khi nhắc đến Tổng Bí thư với niềm tiếc thương vô hạn.
Tiếc thương xen lẫn tự hào
Đến xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh khi hỏi bất kỳ ai về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều thấy rõ ánh mắt đượm buồn, niềm đau thương vô hạn song cũng rất tự hào. Ầng ậng giọt nước mắt chực rơi, bà Hoàng Thị Kim Liên ở xã Uy Nỗ chia sẻ: “Tôi chưa có vinh dự được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng thường xuyên theo dõi hình ảnh bác Trọng qua ti vi, đài, báo. Những ngày trước đó, khi nghe tin bác Trọng yếu mà dân chúng tôi lo lắng không yên. Mỗi tối, người dân trong thôn khi cùng tập thể dục, ai ai cũng nhắc đến Tổng Bí thư, cầu mong sức khỏe bác sớm hồi phục. Ấy vậy mà, khi chính thức nghe tin bác Trọng mất, chúng tôi òa khóc, hụt hẫng. Hai tối nay, chúng tôi ngồi với nhau trong im lặng, bởi hễ nhắc đến là khóc. Đây là mất mát quá lớn cho toàn thể nhân dân chúng tôi! Giờ chúng tôi chỉ mong được qua Lại Đà, thắp hương tiễn bác Trọng về với tổ tiên, quê hương”.
Rời Uy Nỗ, chúng tôi đến Cổ Loa - nơi đây hai lần được đón Tổng Bí thư về thăm và làm việc. Bí thư Đảng ủy xã Cổ Loa Nguyễn Thị Lương đượm buồn cho biết: "Tổng Bí thư luôn là tấm gương sáng cho chính quyền, nhân dân Đông Anh học tập, noi theo. Khi nghe tin bác Trọng mất, chúng tôi như mất đi tượng đài tinh thần vững chãi. Nhiều cụ trong thôn, xã nghe tin bác mất mà chẳng buồn ăn uống, cứ xót xa tiếc thương… Bản thân tôi có lần may mắn được gặp Tổng Bí thư, đó là vào năm 2016 khi Tổng Bí thư về tiếp xúc cử tri tại xã Cổ Loa. Đến giờ, tôi vẫn không quên một người đứng đầu Đảng, Nhà nước mà giản dị, gần gũi. Giọng nói bác nhẹ, ấm, chia sẻ tỉ mỉ, trò chuyện chân thành cùng với chính quyền và nhân dân Cổ Loa. Khi ấy, tôi đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã. Nhớ lời Tổng Bí thư dạy, ở mọi cương vị tôi đều nỗ lực, phấn đấu. Bác Trọng còn cùng người dân trồng cây lưu niệm tại Khu di tích Cổ Loa…".
Rời UBND xã Cổ Loa, chúng tôi gặp ông Lê Đăng Chuyển, Bí thư Chi bộ thôn Thượng, xã Cổ Loa. Theo lời ông Chuyển, ông muốn tới UBND xã để hỏi về lịch cụ thể khi nào có thể qua Lại Đà - quê hương của Tổng Bí thư để thắp nén nhang tưởng nhớ. “Người dân Đông Anh chúng tôi, già hay trẻ, có người lớn tuổi hơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn gọi Tổng Bí thư bằng danh xưng là "bác". Chiều tối 19-7, khi nghe trên tivi thông tin Tổng Bí thư từ trần, tôi đang ăn mà buông bát cơm xuống, ra đầu hè ngồi khóc. Nghẹn ngào lắm! Xót thương lắm! Là một cán bộ, đảng viên đã về hưu, nay tôi làm Bí thư Chi bộ thôn. Với người dân thôn Thượng chúng tôi nói riêng, Tổng Bí thư là tấm gương sáng trong học tập, công tác, làm việc và đời sống. Những người đảng viên già như chúng tôi mất đi một đồng chí, một vị lãnh đạo kiên trung, ưu tú rồi!”, ông Chuyển lạc giọng…
Tình cảm sâu đậm với quê hương
Dường như, những ngày này, gặp, tiếp xúc với bất kỳ ai tại huyện Đông Anh đều nhận thấy sự trầm lặng với nỗi buồn sâu lắng. Nếp sinh hoạt của người dân nơi đây cũng chậm hơn khi trải qua mất mát lớn - mất đi người con ưu tú của quê hương.
Ở cương vị đứng đầu Đảng, dù bận trăm công nghìn việc, Tổng Bí thư vẫn dành cho quê hương tình yêu, tình cảm sâu nặng. Cầm trên tay cuốn Bách khoa toàn thư về Đông Anh được xuất bản năm 2016 nhân kỷ niệm 140 năm thành lập huyện, mở đầu cuốn sách là lời tựa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “…Đông Anh - một vùng đất có vị thế hết sức đặc biệt, luôn được chọn làm "điểm tựa" cho quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô, đất nước, một địa bàn đã trở thành một biểu tượng, hằng số của lịch sử, văn hóa Việt Nam”. Những lời tựa của Tổng Bí thư luôn là nguồn động lực để huyện Đông Anh vươn lên, phát triển.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm buồn rầu, nói: “Chiều 19-7, khi đang trên xe cùng gia đình, vợ tôi mở điện thoại ra đọc và khóc nức nở. Tôi ngạc nhiên hỏi thì nhận được lời đáp: Bác Trọng mất rồi ạ. Tôi nghĩ, mỗi người dân Đông Anh khi nghe tin này đều khóc nghẹn như vậy…”.
Tiếp câu chuyện, ông Phạm Văn Châm chia sẻ thêm, trước kia, khi còn công tác, nhiều lần ông được gặp Tổng Bí thư. “Trong những lần gặp, bác đều toát lên một con người trí tuệ, uyên thâm song cũng rất giản dị, gần gũi. Tôi được gặp bác khi bác đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau là Tổng Bí thư, dù ở vị trí công tác nào, ở bác Trọng đều toát lên tấm chân tình, cởi mở, gần gũi... Lần nào gặp gỡ chính quyền, cán bộ Đông Anh, Tổng Bí thư đều nhắc nhở: Khi công tác phải vì cái chung, không được cục bộ, không được mất đoàn kết, vì cái chung mà làm, mà phấn đấu, đóng góp. Tổng Bí thư có nói, ở cấp nào, dù cấp thôn, xã hay huyện, thành phố, trung ương thì đều có cái thuận lợi, khó khăn đan xen, do đó phải cố gắng, sáng tạo trong làm việc. Đặc biệt, phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân. Dân biết hết mọi việc, là cán bộ, lãnh đạo thì phải biết khơi sức mạnh từ dân, người dân vừa là hậu thuẫn, vừa là mục tiêu, là động lực cho cán bộ… Có như vậy mới tạo được sự thống nhất, đoàn kết trong nhân dân và chính quyền…”.
Lúc này, cùng với cả nước, Đông Anh đang chuẩn bị những điều kiện trang trọng nhất, chu đáo nhất để tổ chức Lễ tang cho người con ưu tú của quê hương. Trong mỗi trái tim người dân Đông Anh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn sống mãi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.