(HNMO)- Báo Hànộimới đã có rất nhiều bài viết phản ánh, phê bình về tiến độ “rùa bò” của Dự án đầu tư xây dựng cầu Văn Phương. Thật đáng tiếc, cho đến nay đã hơn 6 năm kể từ ngày khởi công, công trình này vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Chờ đường dẫn...
Dự án đầu tư xây dựng cầu Văn Phương do Ban quản lý dự án giao thông 1 (QLDAGT) - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư. Cầu bắc qua sông Đáy, nối liền 2 xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ) và Phương Trung (huyện Thanh Oai). Phần cầu chính dài hơn 175m, rộng 8m, đường dẫn hai đầu cầu dài gần 800m, rộng 9m. Công trình được khởi công vào cuối tháng 3-2007. Tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt lần 1 (tháng 10-2006) là 35 tỷ đồng; đầu tháng 12-2009, phê duyệt điều chỉnh lên 45,08 tỷ đồng.
Cuối tháng 9-2011, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đỗ Xuân Thành, Phó giám đốc Ban QLDAGT 1 cho biết, cuối năm 2010, dự án đã hoàn thành thi công phần cầu chính, hệ thống thoát nước thuộc đường gom, trải bê tông nhựa đường dẫn phía Phương Trung và hơn 200m đầu tuyến đường dẫn phía Văn Võ. Tại thời điểm đó, ông Thành đã rất bức xúc vì chưa GPMB được phần đường dẫn lên cầu chỉ dài có 216m (từ cầu ra đê Văn Võ) nên chưa thể thông cầu.
Ấy vậy mà cuối tháng 4-2013, có mặt tại cầu Văn Phương mọi việc vẫn chưa có gì chuyển biến: phần đường dẫn lên cầu dài 216m chưa được bàn giao mặt bằng. Đầu cầu phía Văn Võ, để có thể đi lại qua cầu Văn Phương, người dân phải bắc một đoạn cầu gỗ dài chừng 20m, rộng 1,5m làm đường lên xuống. Nghịch cảnh này đã tồn tại năm rưỡi nay: Người đi xe đạp mỗi lần qua đây đều phải dắt bộ vì độ dốc quá cao, người đi xe máy không chỉ vất vả mới lên được cầu mà còn rất nguy hiểm, nếu không khéo có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.
Cầu xây xong, vì không có đường dẫn lên cầu, một năm rưỡi nay, người dân trong vùng vẫn qua lại cầu Văn Phương theo kiểu như thế này |
Hầu hết người dân trong vùng đều rất bức xúc trước tình cảnh này. Theo họ, nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng xây cầu để nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, thúc đẩy kinh tế-xã hội trong vùng phát triển. Vậy mà cầu xây dựng đã xong từ lâu, họ vẫn phải chịu cảnh vất vả như những năm trước qua lại sông Đáy trên cầu phao.
Đường dẫn lại phải chờ tái định cư
Thời gian đầu thi công xây dựng cầu Văn Phương chậm tiến độ đề ra là vì phải chờ GPMB. Thời điểm đó, vướng mặt bằng thi công tập trung thuộc địa bàn xã Văn Võ... Rồi đến khi tháo gỡ được mặt bằng để thi công cầu, cầu hoàn thành thì lại vướng mặt bằng thi công đường dẫn lên cầu, mà rồi vẫn lại rơi vào địa bàn xã Văn Võ.
Trước sự chậm trễ, kéo dài thời gian thi công công trình cầu Văn Phương do vướng mắc trong GPMB, tháng 10-2011, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho UBND huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để đẩy nhanh tiến độ GPMB đường dẫn lên cầu dài 216m thuộc địa bàn xã Văn Võ.
Dẫu vậy, việc giải quyết vướng mắc trong GMB đường dẫn không vì thế mà khả dĩ hơn vì còn phải phụ thuộc vào tiến độ thực hiện dự án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi phục vụ thi công đường dẫn. Đến giữa năm 2012, dự án tái định cư vẫn ì ạch vì liên tục thay đổi địa điểm. Còn nhớ, đầu tháng 12-2011, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, lãnh đạo Ban Bồi thường GPMB huyện Chương Mỹ khẳng định, huyện xác định đây là dự án trọng điểm, giải quyết dứt điểm càng sớm càng tốt để mau chóng thông cầu, thông đường; dự kiến, đến cuối tháng 12-2011 sẽ hoàn thành việc bồi thường GPMB cho các hộ và quý I-2012, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư.
Chậm đưa cầu Văn Phương vào sử dụng ngày nào là lãng phí nguồn vốn đầu tư ngày đó. Trong khi người dân ở các vùng quê ven sông Đáy vẫn mong mỏi có cầu kiên cố để đi lại thuận lợi hơn, nhất là trong mùa mưa bão |
Cho đến tận bây giờ, UBND huyện Chương Mỹ mới đang trình UBND thành phố bố trí nguồn kinh phí 10 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư. Không biết phải chờ bao lâu nữa mới xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư? Rồi mất bao nhiêu thời gian để các hộ dân dọn đến sinh sống tại khu tái định cư để bàn giao mặt bằng thi công đường dẫn lên cầu?
Xin nhắc lại, thời gian nhà thầu hoàn thành thi công công trình là 660 ngày (kể từ ngày bàn giao mặt bằng đến ngày 15-10-2009). Khi khởi công dự án, bên xã Phương Trung đã bàn giao được 90% mặt bằng để thi công và đến tháng 5-2008, UBND huyện Thanh Oai đã hoàn thành 100% công việc GPMB. Tuy nhiên, do vướng mắc trong GPMB trên địa bàn huyện Chương Mỹ nên trong phụ lục hợp đồng lần 2 đã kéo dài thời gian hoàn thành thi công đến ngày 15-3-2010. Thế rồi, cũng phải đến cuối năm 2010 mới cơ bản hoàn thành và lại phải chờ đợi mặt bằng để thi công nốt đường dẫn bên đầu cầu Văn Võ. Nhưng hai năm rưỡi đã trôi qua mà vẫn chưa có mặt bằng để thi công. Cần làm rõ trách nhiệm này thuộc về ai?
Như Báo Hànộimới đã đề cập, ngân sách nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cầu Văn Phương, với mục đích tạo thuận lợi trong việc đi lại của nhân dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội trong vùng phát triển; nó đặc biệt có ý nghĩa đối với đời sống nhân dân xã Văn Võ, vì đây là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chương Mỹ, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế kém phát triển. Cầu chưa thông, người dân còn vất vả!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.