Sáng 9-4 (giờ Việt Nam), hãng tin CNA cho biết, hàng triệu người trên khắp Bắc Mỹ đã chứng kiến Mặt trăng che khuất Mặt trời trong nhật thực toàn phần.
Nhật thực khiến những bãi biển tại Mazatlán (Mexico) chìm trong bóng tối vào lúc 11h07 sáng (giờ địa phương) trước khi tiếp tục phủ bóng tại Eagle Pass (bang Texas, Mỹ) rồi quay trở lại vùng bờ biển Đại Tây Dương của Canada.
Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), đường đi toàn phần của nhật thực lần này trải dài từ Mazatlán (Mexico) đến Newfoundland, khu vực gồm 15 tiểu bang của Mỹ với dân số khoảng 44 triệu người.
Nhiều nơi khác ở Bắc Mỹ cũng chứng kiến nhật thực một phần, với mặt trăng biến Mặt trời thành một lưỡi liềm rực lửa.
Mặt trăng thực tế nhỏ hơn nhiều so với Mặt trời, nhưng có thể che khuất "đàn anh" vì nằm gần Trái đất hơn. Đường kính của Mặt trăng là 3.476km, đường kính của Mặt trời là khoảng 1,4 triệu km và đường kính Trái đất là 12.742km.
Nhật thực toàn phần luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người. Lần gần nhất người dân Mỹ chiêm ngưỡng hiện tượng này là năm 2017 và dự kiến phải tới năm 2045 mới được xem lần tiếp theo.
Cảnh tượng ngoạn mục không chỉ là cơ hội nghiên cứu cho các nhà khoa học, mà còn là dịp để mọi người tụ tập trong các hoạt động thương mại và những buổi tiệc tùng.
Các lễ hội, tiệc xem nhật thực và thậm chí cả đám cưới tập thể đã được lên kế hoạch dọc theo "con đường toàn phần" của nhật thực lần này.
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cũng đến thăm Sinaloa để tận mắt chứng kiến nhật thực. Ông mô tả sự kiện này là một "ngày rất đẹp, không thể nào quên".
Nhật thực lần này diễn ra khi Mặt trời gần đạt đỉnh của chu kỳ hoạt động 11 năm, điều kiện tạo ra một cảnh tượng kỳ vĩ: Vành nhật hoa (corona) sẽ tỏa sáng rực rỡ quanh "Mặt trời Đen" - hình bóng của Mặt trăng che khuất Thái dương - dọc theo đường đi của nhật thực toàn phần, vốn kéo dài từ Mexico đến Mỹ và Canada.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.