(HNM) - Đồng chí Phạm Hùng là một trong những nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến quan trọng, góp phần làm nên các chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của người cộng sản trung kiên, bất khuất, suốt đời hy sinh phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Nhà lãnh đạo tài năng và có uy tín
Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-6-1912 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Long Bình, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng tại Mỹ Tho khi mới 16 tuổi; vinh dự được kết nạp Đảng, làm Bí thư chi bộ trường học khi 18 tuổi và được Đảng phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho khi 19 tuổi.
Ngày 2-6-1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Mỹ Tho. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, cực hình để tra tấn nhưng không khuất phục được ý chí cách mạng của đồng chí. Sau hơn 7 tháng giam cầm, đầu năm 1932, chúng đưa đồng chí ra xét xử, khép án 3 năm tù, 3 năm quản thúc và đưa về Mỹ Tho giam giữ.
Ngày 20-9-1932, tại Mỹ Tho, thực dân Pháp đã mở phiên tòa Đại hình xét xử và đồng chí bị kết án tử hình, bị giam ở xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn. Sau gần 15 năm bị giam cầm (từ năm 1931 đến năm 1945), được Đảng đón từ nhà tù Côn Đảo về đất liền, đồng chí Phạm Hùng tham gia ngay cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ. Đồng chí được bầu vào Xứ ủy lâm thời Nam Bộ và đến đầu năm 1946 được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ kiêm Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc (Giám đốc Nha Công an Nam Bộ).
Sau khi miền Bắc được giải phóng, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Hùng đã tham gia tổ chức biên soạn và hoàn thiện dự thảo Đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam, làm cơ sở cho Hội nghị Trung ương lần thứ mười lăm (khóa II) xây dựng Nghị quyết 15 về cách mạng miền Nam; góp phần định hướng, tạo bước ngoặt cho cách mạng miền Nam từ thế cầm cự giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tấn công và giành thắng lợi.
Ngày 29-4-1958, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa I đã bầu đồng chí Phạm Hùng làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Năm 1967, đồng chí được Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Đồng chí có vai trò quan trọng trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986), đồng chí Phạm Hùng tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị; tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (17-6-1987), được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa: II, III, VI, VII, VIII.
Ngày 10-3-1988, đồng chí Phạm Hùng đột ngột từ trần trên đường đi công tác tại các tỉnh Nam Bộ, để lại niềm tiếc thương cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Với 58 tuổi Đảng, 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Hùng đã nêu tấm gương mẫu mực về phẩm chất kiên trung, bất khuất, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Trong suốt 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Phạm Hùng không quản gian nan, nguy hiểm, dù ở cương vị, thời kỳ cách mạng nào, đồng chí cũng luôn sẵn sàng xông pha nơi “đầu sóng, ngọn gió”, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và cống hiến đến hơi thở cuối cùng vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, vì hòa bình và phát triển đất nước.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng, chúng ta học tập tấm gương của người chiến sĩ cộng sản với những phẩm chất cao quý. Đó là, ý chí kiên cường, dũng cảm, lạc quan, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Đó là tình yêu thương con người, đối với đồng chí sống có tình nghĩa, bao dung, vị tha; đối với bản thân thì nghiêm khắc tự phê bình, sẵn sàng tiếp thu ý kiến người khác góp ý; sống giản dị, chân tình; hiếu nghĩa với cha mẹ, quê hương, đất nước; thủy chung, mẫu mực, hết lòng chăm lo, thương yêu gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.