Vượt mọi khó khăn và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh, công tác thăm, tặng quà Tết cho các đối tượng xã hội, chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt trước Tết Nguyên đán trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.
Nhờ vậy, các đối tượng phục vụ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đều được chăm lo đầy đủ về vật chất và tinh thần, góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Bảo đảm các đối tượng đều có Tết
Chăm lo đời sống người có công và các đối tượng xã hội khác nhân dịp Tết Nguyên đán là công tác quan trọng được thành phố đặc biệt quan tâm mỗi độ Tết đến, xuân về. Như thông lệ, trước thềm Tết Giáp Thìn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã sớm tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch tặng quà người hưởng chính sách thuộc lĩnh vực người có công; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; hộ nghèo; hộ cận nghèo…; tặng quà các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, đơn vị thực hiện chính sách.
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, nhân dịp Tết Nguyên đán, thành phố xây dựng kế hoạch tặng 1.086.513 suất quà, với tổng kinh phí gần 558 tỷ đồng. Trong đó, mức quà tặng cá nhân trị giá 2 triệu đồng/người, dành tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, thương binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945; người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ...
Thành phố cũng dành tặng mức quà trị giá 500.000 đồng/người đối với gia đình thuộc diện hộ nghèo; mức quà 300.000 đồng/người dành cho người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng. Với người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thành phố tặng mức 500.000 đồng/người. Với nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thành phố tặng 1 triệu đồng/người…
Bà Bạch Liên Hương nhấn mạnh, ngoài kinh phí từ nguồn ngân sách nêu trên, thành phố đã giao UBND các quận, huyện, thị xã, thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ vào các nguồn quyên tặng, nguồn được phép huy động khác phù hợp với khả năng của cơ quan, đơn vị để quyết định các mức trợ cấp, mức tặng quà và tổ chức trợ cấp đối với các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, bảo đảm các đối tượng đều có Tết.
Chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt
Điểm nhấn của công tác chăm lo Tết năm nay là sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an sinh xã hội.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết: Thời gian qua, Sở đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã thực hiện chi trả kịp thời, linh hoạt theo yêu cầu của người dân để bảo đảm thực thi chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, thành phố, “không để người dân nào bị bỏ lại phía sau”. Kết quả, đến thời điểm này, 100% quận, huyện, thị xã đã tiến hành chi trả trợ cấp tháng 1, tháng 2 cho người thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội.
Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tính đến kỳ báo cáo tháng 1-2024, toàn thành phố có 293.256 người đang hưởng chế độ ưu đãi, trợ cấp hằng tháng, gồm: 80.005 người có công và thân nhân người có công; 204.723 người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội và 8.528 đối tượng khác. Qua đợt cao điểm tập trung tuyên truyền, vận động, đã có 256.429 người có tài khoản ngân hàng, đạt tỷ lệ 87,44% số người hưởng chính sách ưu đãi người có công và thân nhân người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng.
Ông Nguyễn Hồng Dân cho biết thêm, dự kiến trong quý I-2024, phấn đấu 100% người dân đã có tài khoản sẽ thực hiện đăng ký chi trả ưu đãi an sinh xã hội qua tài khoản. Hiện nay, thành phố đã tiến hành rà soát các trường hợp người dân thuộc diện hưởng chính sách an sinh xã hội bất khả kháng không đăng ký được tài khoản, gồm người già yếu không có khả năng đi lại, người không có người nhận thay… để linh hoạt thực hiện chi trả bằng hình thức qua dịch vụ bưu chính công ích, chi trả tận tay cho người dân. Đối với các trường hợp yếu thế, gặp nhiều khó khăn hoặc không có khả năng thực hiện giao dịch, nhận trợ cấp qua tài khoản, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng các phương án, cách thức hỗ trợ phù hợp với đặc điểm tình hình và nhu cầu của người dân, bảo đảm nguyên tắc không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đơn giản và thuận tiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.