Xã hội

Người chưa thành niên được giam giữ riêng, có thiết bị giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa

Đình Hiệp 06/06/2024 - 16:45

Chiều 6-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

toan-canh-chieu.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp chiều 6-6. Ảnh: quochoi.vn

Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội...

Đáng chú ý, để có môi trường giáo dục, phục hồi tốt nhất (Điều 156), dự thảo Luật quy định, không được giam giữ chung người chưa thành niên với người đã thành niên; người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng. Trại giam này được đầu tư các thiết bị giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa… để bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên.

nguyen-hoa-binh.jpg
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: quochoi.vn

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, quá trình xây dựng dự án Luật, đa số ý kiến tán thành với nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo có một số vấn đề mới, quan trọng nhưng ý kiến còn khác nhau, Tòa án nhân dân Tối cao lựa chọn xây dựng dự thảo theo đa số ý kiến.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Trong đó, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ của Tòa án nhân dân Tối cao.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong dự thảo Luật. Đồng thời, đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện.

le-thi-nga.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: quochoi.vn

Về hình phạt đối với người chưa thành niên (từ Điều 107 đến Điều 119), Ủy ban cơ bản tán thành Điều 107 dự thảo Luật quy định 4 hình phạt áp dụng, gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn. Về các hình phạt cụ thể, mức hình phạt cao nhất và việc tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên, Ủy ban cơ bản tán thành với dự thảo Luật.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị mở rộng hình phạt cảnh cáo được áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Trong đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định mức tối thiểu của hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ.

Bà Lê Thị Nga cho biết, theo Tờ trình, Tòa án nhân dân Tối cao xin ý kiến về 8 nội dung (quy định của dự thảo Luật đều thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất) và Ủy ban cơ bản tán thành loại ý kiến thứ nhất với 7 nội dung.

Riêng nội dung về tách vụ án hình sự có người chưa thành niên, đa số ý kiến Ủy ban đề nghị không quy định bắt buộc phải tách vụ án hình sự có người chưa thành niên để giải quyết độc lập, mà nên quy định theo hướng “ưu tiên việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng”. Một số ý kiến tán thành loại ý kiến thứ nhất, quy định phải tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết độc lập.

Dự thảo Luật gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: Quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người chưa thành niên được giam giữ riêng, có thiết bị giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.