Pháp luật

Hoàn thiện pháp luật tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội

Mai Hữu 17/04/2024 - 13:18

Sáng 17-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

ubtvqh2.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Trình bày tờ trình, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo Luật gồm 166 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: Quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo Luật quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự, như: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; Quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; Ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; Xử lý chuyên biệt; Bảo đảm giữ bí mật cá nhân;...

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, quy định việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng; Khuyến khích người chưa thành niên chấp hành tốt để được chấm dứt trước thời hạn việc thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng; Đổi mới trình tự, thủ tục xử lý chuyển hướng theo hướng kịp thời, hiệu quả….

lethinga.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: media.quochoi.vn.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày cho biết, theo quy định tại dự thảo Luật, phạm vi điều chỉnh chỉ trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: Quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Ủy ban Tư pháp tán thành dự thảo Luật quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên.

Liên quan đến đối tượng được và không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp tục rà soát các quy định về tiêu chuẩn, chế độ đối với người chưa thành niên tại trường giáo dưỡng để bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm của người chưa thành niên và thực hiện tốt mục tiêu giáo dục, bảo đảm thân thiện. Đồng thời, đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao cung cấp thông tin, làm rõ căn cứ về việc không áp dụng xử lý chuyển hướng đối với 5 tội danh do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện và 6 tội danh do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện.

Về hình phạt đối với người chưa thành niên, Ủy ban Tư pháp tán thành quy định 4 hình phạt áp dụng, bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn. Tuy nhiên, đối với hình phạt cảnh cáo, có ý kiến đề nghị mở rộng việc áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

buivancuong.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn.

Phát biểu thảo luận, về biện pháp xử lý chuyển hướng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy xử lý chuyển hướng là yếu tố quan trọng của hệ thống tư pháp người chưa thành niên trên thế giới, vì đã được chứng minh là giải pháp hiệu quả tiết kiệm để buộc người chưa thành niên vi phạm pháp luật chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình và ngăn ngừa tái phạm.

“Cơ quan trình đang đề xuất 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó thì có 5 biện pháp đã được Bộ luật Hình sự quy định và 7 biện pháp mới. Đề nghị cơ quan trình đánh giá làm rõ việc đưa biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng mà không phải là biện pháp tư pháp giáo dục như đã quy định tại Bộ luật Hình sự”, ông Bùi Văn Cường nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, để xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật, bên cạnh chế tài hình sự thì có chế tài hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Do vậy, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định đầy đủ các hình thức, biện pháp, quy trình xử lý hình sự và hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên để đảm bảo thuận lợi và tăng cường tính khả thi trong quá trình thực hiện....

Đối với các quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đề nghị cân nhắc quy định biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp chuyển hướng cho phù hợp với pháp luật quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện pháp luật tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.