Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người “Chân đăng” ở Tuyên Quang

Nguyễn Ngọc Tiến| 16/05/2013 06:35

(HNM) -


Người Việt đã có mặt ở Tân Thế Giới vào năm 1891 với số lượng 800 người, tất cả đều là tù chính trị và phần lớn họ bị đày từ Côn Đảo sang. Năm 1924, các công ty mộ phu đi Tân Thế Giới và Tân Đảo có trụ sở ở Hà Nội đã thông báo tuyển dụng đợt đầu tiên nhưng cũng chỉ vài trăm người đăng ký. Song trong hai năm 1937 và 1938, số lượng người đăng ký đi làm đồn điền dừa, cà phê và khai mỏ nikel, crôm tăng vọt, hầu hết là thanh niên nghèo ở các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ như Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam... với hợp đồng 5 năm. Theo hợp đồng chủ đồn điền, mỏ bao tiền ăn ở còn tiền lương mỗi tháng là 10 đồng Đông Dương, số tiền này cao gấp mấy chục lần làm nghề nông.

Vợ chồng ông Phạm Đình Tuấn là những người “Chân đăng” hiện đang sống ở Tuyên Quang.


Năm 1939, Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra ở Châu Âu và nước Pháp bị phát xít Đức xâm lược, lấy cớ chiến tranh các chủ mỏ, chủ đồn điền người Pháp đã không cho công nhân về đúng hợp đồng bắt họ phải tiếp tục công việc. Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời nhưng do tin tức đến muộn nên mãi đến 1946 họ mới biết nước nhà độc lập, một số người mừng vui trở thành dân của nước độc lập đã giương cờ đỏ sao vàng ở Nouméa thủ phủ của Tân Thế Giới đã bị chính quyền bắn chết. Lúc này giới chủ không thể bưng bít nên nhiều người hết hợp đồng đã ra ngoài làm, họ mở cửa hàng cắt tóc, cơ khí, bán hàng tạp hóa, may quần áo... Không thể trở về nước vì Pháp tái chiếm miền Bắc, họ ở lại và được chính quyền cấp thẻ cư trú. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, bà con đã quyên góp tiền gửi về ủng hộ Chính phủ kháng chiến. Năm 1954, thua trận Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneva, đất nước chia làm hai miền. Chính quyền Sài Gòn khi đó cũng cho một số người sang tuyên truyền và lôi kéo họ trở về miền Nam song bị từ chối. Nguyện vọng của đa số bà con muốn trở về quê hương bản quán ở miền Bắc và trước nguyện vọng chính đáng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cử các cán bộ sang phổ biến và tuyên truyền. Ông Phạm Đình Tuấn, người sinh ra ở Tân Đảo về nước năm 1963, hiện đang sống ở xã An Tường, huyện Yên Sơn, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Việt kiều Tuyên Quang, kể rằng, các đặc phái viên thông báo tình hình trong nước và truyền đạt quan điểm và chính sách của Nhà nước về hồi hương. Ngoài 70 tuổi, mới qua cơn đột quỵ nhưng ông Tuấn vẫn chưa quên: "Khi đó anh Vũ Hoàng có nói với bà con rằng cuộc sống trong nước còn nhiều khó khăn, vật chất thiếu thốn nên bà con nên sáng suốt quyết định chuyện về hay ở lại". Bố ông quyết định về và sau nửa tháng cưới vợ, ông cùng cha và người thân lên tàu mà vẫn chưa hình dung cuộc sống phía trước thế nào. "Về với lòng nhớ quê và về để làm dân của nước mình", nói rồi ông Tuấn cho xem ảnh cưới có khẩu hiệu "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ". Hỏi ông rằng nhiệm vụ của ông khi đó là gì, ông cười và bảo: "Các anh trong tổ công tác kẻ phông cho chứ mình có biết nhiệm vụ gì đâu".

Năm nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông Nguyễn Trọng Yên sinh ra ở Tân Thế Giới, về nước năm 1961 hiện sống ở phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang cho biết: "Tất cả những người "Chân đăng" khi rời Việt Nam đều nghĩ rằng hết hợp đồng 5 năm họ sẽ được về nước nhưng thời cuộc biến đổi họ đã phải sống nơi đất khách quê người hơn 4 lần trong hợp đồng. Vào những năm đầu 1960, cuộc sống của đa số bà con ở hai hòn đảo này đã khấm khá, có nhà cửa đàng hoàng, có điện, không còn bê bết như thời làm phu, nhiều nhà sắm ô tô, con cái được học hành tử tế và người Việt trở thành cộng đồng lớn. Không đói khổ nhưng thói miệt thị tá túc trong dân da trắng và len lỏi khắp hòn đảo khiến nhiều người Việt bực tức và thế là về".

Nửa thế kỷ về nước là quãng thời gian dài của đời người và nó khiến con người có thể quên nhiều thứ nhưng với người "Chân đăng" và thế hệ thứ hai thì dường như không ai quên ngày đặt chân lên Hải Phòng và ngày đầu ở Tuyên Quang. Ông Yên nhớ lại: "Các cán bộ đón tiếp bà con gợi ý, đất tổ tiên ở quê thì chật trội, ruộng đồng thì vào hợp tác xã nên cũng không có đất mà chia cho các gia đình và họ khuyên nên lên vùng núi đất rộng, người thưa, ban đầu là Lai Châu nhưng sau các anh ấy bảo lên Tuyên Quang. Thế là ùn ùn kéo nhau lên Tuyên Quang". Hàng nghìn Việt kiều Thái Lan, Tân Thế Giới, Tân Đảo được chính quyền tỉnh đưa về xã Thái Bình và Nông Tiến. Bây giờ, Nông Tiến đã trở thành phường thuộc thành phố Tuyên Quang nhưng năm 1961, chính ngôi nhà ông Yên đang ở là rừng, hổ báo thi thoảng vẫn mò về quanh nhà. San đồi làm nhà, chặt cây khai hoang lấy đất làm nông nghiệp. Ai có nghề thì vào các hợp tác xã cắt tóc, may mặc, cơ khí... Ông Yên bảo: "Tôi có nghề xây dựng nên được tuyển vào xí nghiệp đi xây các công trình trong tỉnh". Hầu hết các gia đình về nước đều mang theo xe đạp Peugeot, máy khâu, đài... nhưng đi đường rừng núi nên chỉ thời gian sau xe đạp đã hỏng, không có phụ tùng thay thế nên nhiều gia đình đành bỏ xó. Tối tối không dám đi đâu vì sợ hổ và cũng chẳng có chỗ nào chơi mà đi, thế là các gia đình chỉ còn cách quây quần bên ngọn đèn dầu nghe gió đông bắc rít từng đợt đầu ngôi nhà tranh.

Thiếu thốn, khó khăn không là vấn đề lớn với người "Chân đăng" vì họ từng chịu khổ, chịu đói nhưng chuyện hòa nhập mới mệt mỏi. Ông Yên bảo, bây giờ xã hội cởi mở hơn nên mới dám nói và ông kể khi Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, nhiều nhà máy ở thị xã Tuyên Quang phải sơ tán vào rừng và dù là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh nhưng khi giúp nhà máy bạn chuyển thiết bị máy móc vào rừng ông cũng chỉ được phép chuyển máy móc đến bến sông Lô rồi dừng lại ở đây. Nhiều con cái người "Chân đăng" muốn đi bộ đội nhưng mãi đến năm 1965 họ mới được nhập ngũ. Song bản năng con người luôn tiến lên phía trước và trong số thế hệ sinh ra ở Tân Thế Giới và Tân Đảo, có người là đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, sĩ quan cấp tá trong quân đội nhân dân, giám đốc hay phó giám đốc công ty quốc doanh... Thế hệ "Chân đăng" bây giờ chỉ còn vài người và đã ngót nghét 100 tuổi, thế hệ thứ hai bây giờ đã lên ông bà, có người lên cụ và theo con số của Câu lạc bộ Việt kiều Tuyên Quang thì có khoảng 375 thành viên. Hỏi ông Tuấn nếu bây giờ cho ông trở lại Tân Đảo sinh sống ông có đi không, ông Tuấn lắc đầu bảo năm 2011, vợ chồng ông sang thăm nơi ông sinh ra (nay là quốc gia độc lập Vanuatu) thì Tân Đảo còn chậm phát triển hơn Việt Nam "Có thể không đói nhưng làm giàu thì không dễ dàng". Hiện cuộc sống của gia đình Việt kiều Tân Thế Giới, Tân Đảo ở Tuyên Quang khấm khá hơn, thậm chí có gia đình thuộc loại giàu có nhưng vẫn còn gia đình khó khăn, song không ai chìa tay đi xin, đó là nét riêng của họ.

Cách đây hai năm, chính quyền Tân Thế Giới đồng ý cho phép cộng đồng người Việt dựng tượng ghi công những người "Chân đăng" Việt Nam vì họ đã có công lớn biến hòn đảo ở nam Thái Bình Dương phát triển như ngày hôm nay. Chỉ nay mai bức tượng người đàn bà mặc yếm, đầu đội nón sẽ được khánh thành tại thủ phủ Nouméa. Theo ông Phạm Đình Tuấn thì thế hệ "Chân đăng" đầu tiên và thế hệ thứ hai cũng mong muốn Nhà nước ta ghi nhận công lao đóng góp vật chất cho cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc công sức khai phá, xây dựng để Tuyên Quang được như ngày hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người “Chân đăng” ở Tuyên Quang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.