Bỏ hết mọi công việc, ông Mạc Văn Mỹ ngày đêm miệt mài tìm mọi cách chữa hội chứng down cho con trai.
Nhờ tình yêu thương, sự kiên trì của gia đình, cậu bé đã đạt nhiều thành tích đáng nể, dẫu đó là điều bình thường với bao người khác.
Ông Mỹ đang chỉ con giải những bài tập cơ bản môn tiếng anh. |
Chúng tôi tìm đến nơi trọ của gia đình ông Mạc Văn Mỹ, 67 tuổi, sống cạnh nhà thờ Xóm Chiếu, Quận 4.
Trước mắt là hình ảnh chàng trai với nụ cười hiền hậu, trông nhanh nhẹn, đeo mắt kính đang cần mẫn luyện bài tập tiếng anh. Thoạt nhìn, ít ai biết rằng, chàng trai ấy đang mang hội chứng down.
Anh Mạc Đăng Mừng, 28 tuổi, là con ông Mỹ, bị hội chứng down bẩm sinh được hội đồng Y khoa TP.HCM giám định về khả năng lao động vào ngày 14.9.2006. Kết quả, Mừng chậm phát triển ở mức độ trung bình do hội chứng down và tỉ lệ mất sức lao động là 61%.
Ngồi trò chuyện, ông Mỹ ầng ậc nước mắt kể, bước sang tuổi tứ tuần chỉ mong có đứa con trai nối dõi. Ngờ đâu nỗi buồn lại ập đến, bác sĩ thông báo con bị hội chứng down bẩm sinh. Tinh thần suy sụp, nuốt nước mắt vào trong, ông Mỹ nghĩ thôi, trụ cột gia đình nên phải gồng dậy an ủi vợ và nuôi con. Ông tự hứa với lòng sẽ chữa hết bệnh, dạy con trở thành công dân có ích cho xã hội.
Cậu bé Mừng 7 tuổi mới chỉ biết lết, 9 tuổi bập bẹ nói và phải đến 12 tuổi mới tập tễnh đi những bước đầu tiên. Ông Mỹ tâm sự: “Lúc 5 tuổi Mừng vẫn còn yếu lắm, đặt đâu ngồi đó, đầu ngoẹo một bên, gương mặt trông ngơ ngác. Vợ, chồng tôi không ít lần suy sụp, tuyệt vọng khi nghĩ về tương lai của con sau này quá đỗi chông chênh”.
Tưởng chừng, cuộc sống Mừng xám xịt đến hết cuộc đời, nhưng người cha đã mang đến phép màu, không ngừng nổ lực, sự kiên trì để dạy dỗ con từng ngày bằng tất cả tình yêu thương. Hiện nay, Mừng đã biết chơi đàn Organ, võ thuật, bơi lội, đánh cầu lông, thành thạo anh văn và tin học,…
Đây là kỳ tích của chàng trai khù khờ tưởng chừng vào ngõ cụt.
Vừa làm cha, vừa làm thầy
Hành trình chữa hội chứng down của người cha già cũng lắm gian nan. Ông Mỹ đã tự tìm hiểu nhiều phương pháp tự dạy con học và vượt qua căn bệnh để hòa nhập cộng đồng.
Ông Mỹ nói, vợ chồng chạy chữa khắp nơi, nghe ở đâu có thầy hay thuốc tốt đều đưa con đến. May mắn, ông gặp được bác sĩ giỏi, khuyên mua đàn cho cháu tập đánh và tập đi trên đá vụn. Bác sĩ lý giải, đánh đàn, đi trên đá sẽ giúp những đầu ngón tay, lòng bàn chân kích thích dây thần kinh ở đầu, nếu làm việc này thường xuyên sẽ giúp não bộ phát triển.
“Còn nước, còn tát”, vợ chồng ông Mỹ gom góp hết tài sản trong nhà để mua cho con cây đàn Organ. Hàng ngày, nghe từng nốt nhạc vang văng vẳng khắp gác trọ, nụ cười tỏa trên gương mặt con, ông Mỹ xem như có chút hy vọng.
Theo ông Mỹ, để con biết được những nốt nhạc, cảm thu những âm thanh trong trẻo từ đàn Organ là không đơn giản. Ông phải đi học lõm, tự làm thầy dạy cho con chạm đến nốt nhạc đầu đời, bởi thuê giáo viên về dạy ai cũng từ chối: “Đừng phí tiền vô ích, cháu nó bị down mà học được gì, tôi không nhận đâu”.
Không nản chí, người cha già cùng tập luyện với con suốt ba tháng trời, Mừng đã đánh được một số bản nhạc đơn giản và cứ thế ngày càng tiến bộ. Ông Mỹ dắt con đến lớp học nhạc một lần nữa, thầy giáo vẫn từ chối. Mừng chạy lại cây đàn Organ đặt tay lên bàn phím, lướt nhẹ những bản nhạc đơn giản “Ủa nó biết chơi đàn luôn hả?”, thầy giáo ngạc nhiên.
Ông Mỹ cho biết, từ cấp 1 đến cấp 2, Mừng học tại trường Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Sau khi học xong, Mừng theo học lớp kỹ thuật viên đồ họa tại trường Đại học Văn Lang TP.HCM. Đây là lớp dạy đặc biệt do Hoa Kỳ tài trợ dành cho người khuyết tật, chỉ có 19 thành viên.
Sau 6 tháng hoàn thành khóa học, theo điều ước thứ 7 số 61, Mừng nhận được xuất học bổng “Vượt qua số phận” một khóa học thiết kế giao diện Web tại Trung tâm Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học quốc gia TP.HCM.
Để Mừng đạt thành tích như bây giờ, gần 30 năm qua người cha già đã theo con đến lớp học để dự thính, ghi chép lại bài vở cẩn thận để có thể truyền đạt khi con cần. Được biết, ông Mỹ trước đây từng theo học chương trình giáo dục của Pháp, nên hiểu biết được nhiều kiến thức, nên ông tự dạy thêm cho con ở nhà như môn toán, tiếng anh, tiếng pháp,…vừa làm cha, vừa làm thầy truyền thụ những kiến thức mà ông đã học và tự mày mò thêm.
Cũng theo ông Mỹ, phải chỉ bảo từ từ, mưa dầm thấm lâu, biết nhẫn nại là cách chữa trị hội chứng Down hiệu quả nhất.
Nói đến đây trên gương mặt phúc hậu của người cha già thoáng vẻ lo âu, bởi ở tuổi gần đất xa trời không thể theo cạnh con suốt được. Nên thỉnh thoảng trong lúc chở con đi học, ông Mỹ rỉ tai nhỏ nhẹ với Mừng: “Sau này, cha có nhắm mắt xuôi tay, con phải mạnh mẽ, tự mình phấn đấu đứng lên bằng đôi chân, nghị lực con nhé!”.
Hình hồi còn nhỏ của Mạc Đăng Mừng. |
Có tật nhưng có tài
Ông, bà ta xưa thường nói “Có tật thường hay có tài”, Mừng dù mang trên mình hội chứng down, nhưng không ngừng phấn đấu và đạt nhiều thành tích, khiến mọi người nể phục.
Đang trò chuyện, ông Mỹ vui mừng đem bộ sưu tập huy chương, bằng khen khoe với chúng tôi về thành quả con trai đạt được.
Tại giải thể thao dành cho người khuyết tật TP.HCM năm 2014, Mừng đạt HCV cá nhân, HCĐ tập thể mộn bóng rổ, HCB đồng đội môn bóng đá kết hợp dành cho người thiểu năng trí tuệ và người không thiểu năng trí tuệ. Ngoài ra, Mừng còn sử dụng thành thạo các kỹ năng về tin học như Powerpoint, Excel, Word và đọc hiểu được tiếng Anh, tiếng Pháp.
Ông Mỹ vui mừng nói, giống như mọi đứa trẻ thiểu năng trí tuệ khác con đường học tập của cậu con trai gặp không ít khó khăn. Nhưng đổi lại Mừng rất chịu khó, ham học, cặm cụi đèn sách, bất kể trời nắng hay mưa đều bảo cha đèo con đến lớp.
Khi hỏi về ước mơ, Mừng nhoẻn cười: “Trước mắt, tôi trau dồi thêm tiếng Anh và thiết kế đồ họa. Sau đó, cố gắng làm thật giỏi, kiếm thật nhiều tiền để phụng dưỡng cha, mẹ lúc về già và tìm cách giúp đỡ những em khuyết tật khác cùng cảnh ngộ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.