Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người bác sĩ làm việc bằng cả trái tim

Mai Thảo| 25/02/2014 06:20

(HNM) - Bà Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật Sao Mai, phường Nhân Chính, Thanh Xuân là một bác sĩ tận tâm đối với trẻ em thiểu năng trí tuệ.

Suốt những năm tháng còn làm Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, bà Lan luôn trăn trở với những hoàn cảnh, những câu hỏi về phương pháp chữa bệnh đối với trẻ thiểu năng trí tuệ mà bà được biết khi đi thực tế ở nhiều địa phương. Đến năm 1992, khi được cử sang Hà Lan học thì những trăn trở ấy của bà đã được giải đáp. Bà hiểu rằng, phương pháp chữa tốt nhất cho các cháu là dùng can thiệp giáo dục kết hợp với thuốc chứ không phải đơn thuần chỉ dùng đơn thuốc đặc trị. Tình thương con trẻ cộng với vốn kiến thức, chuyên môn vững vàng nên khi về nước, bà đã bắt tay ngay vào thí điểm phương pháp can thiệp giáo dục đối với lớp học 15 trẻ đầu tiên do chính bà thành lập. Sau hai năm, với sự quan tâm, giúp đỡ từ chuyên gia Hà Lan, phương pháp can thiệp giáo dục với trẻ khuyết tật đã đạt được những kết quả khả quan. Để đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ khuyết tật trí tuệ ngày càng nhiều, bà Lan đã xin mở Trung tâm Tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật Sao Mai vào năm 1995.

Bà Đỗ Thúy Lan.


Gần 20 năm đồng hành cùng trẻ khuyết tật trí tuệ với vai trò là người thầy, người bà của các cháu, với bác sĩ Đỗ Thúy Lan gian truân đã lắm nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc còn nhiều hơn. Song bằng kinh nghiệm quản lý nhà nước và khả năng chuyên môn của một người lãnh đạo lâu năm, bà đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Bà trực tiếp đi kêu gọi tài trợ, hỗ trợ, giúp đỡ từ các tổ chức xã hội, các cơ quan trong và ngoài nước dành cho trung tâm, rồi tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, năng nổ, nhiệt huyết với nghề. Đến nay, Trung tâm Tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật Sao Mai trở thành một địa chỉ thực sự tin cậy giúp đỡ được nhiều trẻ thiểu năng trí tuệ hòa nhập với cộng đồng.

Bác sĩ Đỗ Thúy Lan cho biết: "Trời cho mình hạnh phúc tức là mình phải cống hiến, phải hy sinh một cách có ý nghĩa. Tôi cảm thấy thật sự ấm lòng khi căn phòng của mình ngập tràn tiếng cười nói. Tiếng gọi "Bà Lan ơi" của các cháu trong trung tâm là những lời cảm ơn chân thành của các phụ huynh cũng như của chính những cháu đang theo học ở trung tâm đã hòa nhập với cộng đồng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người bác sĩ làm việc bằng cả trái tim

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.