(HNM) - Một dạo bài báo "cắc cớ" của Phạm Khải làm không ít vị trong làng văn nghệ rất ngại nhìn mặt nhau. Đang yên đang lành, ông nhà thơ này đi dạo chợ sách cũ, lật ra vô ối sách biếu, những lời đề tặng có cánh còn vằng vặc trang đầu.
Chuyện đăng lên tỉ mỉ, người được biếu sượng sùng, thấy "khuyết điểm" với người biếu, còn ông kia ngán ngẩm thơ mình bán cân à. Việc này đem ra ban hòa giải ở cấp phường mà xử rất khó. Khó nhưng không thể quên được.
Rồi người ta sửa sai. Rằng biếu ít thôi không lại ra hàng sách cũ sớm. Rằng biếu cứ biếu nhưng cạch mặt cái gã ấy ra. Phía được (bị biếu), lâu lâu có nhu cầu làm nhẹ tủ sách trong nhà, đối phó bằng cách cẩn trọng: trước khi thanh lý ra chợ, xé những trang có lời đề tặng đi. Chứng cứ đâu mà những "quân" cắc cớ đem ra được.
Một thời "phong trào" lắng xuống, người ta ngại ngùng san sẻ sản phẩm tâm hồn cho nhau là vì vậy. Nhưng ngọn lửa đượm không thể giấu trong tàn tro được. Cái "hùng tâm" khuất phục kẻ khác bằng thơ mình trỗi dậy đùng đùng, có phần sôi nổi hơn xưa. Nghe bảo một ông từng gác trang thơ Báo Văn nghệ than vãn: "Mỗi tuần được biếu bảy quyển, sống thế nào được".
Hội thảo là một dịp sẻ chia tận tình. Thơ quyển, bản coppy, quý nhau nữa thì chép tay mới hả… bay như tờ bướm. Tan hội, lác đác quà "bỏ quên", trong khi phong bì của ban tổ chức chả bao giờ bị số phận ấy. Cũng có kẻ không đi hội bị "truy sát" tận nhà, đành nở nụ cười tươi như hoa: Quý hóa quá may quá anh không quên tôi…
Sản phẩm trí tuệ sẻ chia ra, nhiều trường hợp ra món nợ, làm người được nhận phải hãi. Thử tưởng tượng gặp lại, anh sượng sùng lảng chuyện, chị lấp liếm tớ bận chửa đọc. Rất ít kẻ đủ dã tâm chê thơ người khác.
Thế nên mới có câu "Thơ ông này biếu rất chạy".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.