Cách đây 70 năm, vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, ngày 11-3-1951, Báo Nhân Dân ra số đầu. 70 năm qua, Báo Nhân Dân đã có những bước trưởng thành, phát triển vượt bậc qua các thời kỳ cách mạng của Đảng ta, đất nước ta, xứng đáng là ngọn cờ chính trị, tư tưởng của Đảng trên mặt trận báo chí.
Từ số báo đầu tiên
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (từ ngày 11 đến 19-2-1951) đã quyết định "xuất bản một tờ báo lấy tên là Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng” thay cho tờ Sự thật. Và vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, ngày 11-3-1951, Báo Nhân Dân ra số đầu tiên, in 6 trang. Ngay trên trang nhất của số báo này in trang trọng Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam, bài của Tổng Bí thư Trường Chinh với tiêu đề ''Hồ Chủ tịch người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta'' và bài ''Bàn về cách mạng Việt Nam''. Đây là loạt bài có tính tổng hợp, chỉ đạo, vạch rõ đường lối cách mạng khi đất nước có chiến tranh.
Lúc này, do Đảng chưa có điều kiện ra tạp chí, nên Báo Nhân Dân, ngoài chức năng thông tin, còn đảm trách thêm nội dung lý luận nhằm tuyên truyền sâu rộng tới các cấp ủy về công tác xây dựng Đảng, bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cộng sản cho cán bộ, đảng viên, tổ chức, phát triển chi bộ cơ sở từ thấp đến cao.
Như vậy, từ Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21-6-1925, Báo Nhân Dân đã kế tục và phát huy truyền thống vẻ vang của các tờ báo Đảng là: Tranh đấu, Dân chúng, Cờ giải phóng, Sự thật.
Từ số báo đầu tiên đó, 70 năm qua, các thế hệ những người làm Báo Nhân Dân đã nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển tờ báo xứng đáng là ngọn cờ chính trị, tư tưởng của Đảng trên mặt trận báo chí.
Đặc biệt, Báo Nhân Dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo và trực tiếp viết bài cho báo. Trong 18 năm, kể từ số đầu đến số 5526 (ngày 1-9-1969), Người đã viết 1.205 bài đăng trên Báo Nhân dân với 23 bút danh.
70 năm đồng hành cùng cách mạng
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, tập thể những người làm Báo Nhân Dân đã đem hết sức lực và trí tuệ, vượt qua muôn ngàn gian lao thử thách, như một đội quân chiến đấu, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Là cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng, Báo Nhân dân rất chú trọng đến những nội dung có tính chỉ đạo về chủ trương, đường lối, chính sách cũng như chiến lược cách mạng của Đảng và Nhà nước.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngoài Văn kiện, Tuyên ngôn, Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, Báo Nhân dân còn có bài viết của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua giết giặc lập công, tăng gia sản xuất, tiết kiệm, đưa cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đến thắng lợi cuối cùng. Mọi diễn biến của cuộc chiến tranh đều được Báo phản ánh trên diện rộng, cổ vũ kịp thời tinh thần đấu tranh của quân và dân trong cả nước. Những tấm gương điển hình trong chiến đấu, lao động sản xuất cũng thường xuyên xuất hiện trên mặt Báo.
Bên cạnh đó, Báo Nhân Dân thời kỳ này còn có những chuyên mục gây ấn tượng với bạn đọc như “Nói và nghe”, “Mũi tên nhọn”, “Bảng vàng thi đua”, “Ý kiến bạn đọc”, “Trả lời bạn đọc”... Theo thống kê, tính đến ngày 14-10-1954, riêng trong mục “Nói và nghe” đã đăng 236 bài của Bác Hồ qua bút danh CB. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Tố Hữu cũng thường xuyên có bài gửi cho Báo Nhân Dân, tạo nên phong trào viết cho báo Đảng trong cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân, làm cho tờ báo có sự phong phú về giọng điệu, phong cách, màu sắc. Báo Nhân Dân đã tập trung được nhiều cây bút xuất sắc vào bậc nhất trong làng báo, như: Nhà báo Hoàng Tùng, Quang Đạm, Thép Mới, Hà Xuân Trường, Lê Điền, Phan Quang, Hữu Thọ, Hà Đăng, Nguyễn Thành Lê, Xuân Trường, Hồng Hà, Lê Dân, Lê Bá Thuyên, Trần Kiên, Lê Bình...
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong 10 năm 1965-1975, Báo Nhân Dân luôn ở vị trí hàng đầu tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, phản ánh kịp thời tình hình chiến tranh và tinh thần chiến đấu chống đế quốc Mỹ của quân và dân cả nước. Đồng thời, Báo cũng chú trọng phản ánh phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đất nước của nhân dân miền Bắc, những hoạt động ngoại giao, những thành tựu về văn hóa, giáo dục và khoa học...
Sau giải phóng miền Nam năm 1975, Báo Nhân Dân nhanh chóng phát hành trên cả nước, đặc biệt khi có cơ sở ấn loát riêng ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, thì Báo được bảo đảm phát hành đồng thời ở cả ba miền. Đây là thời kỳ Báo Nhân Dân có những tiến bộ về đưa tin nhanh, viết xã luận, bình luận, điều tra, phóng sự sắc nét. Báo tăng xuất bản hằng ngày từ 4 trang lên 6 trang với số lượng 25 vạn bản/ngày.
Năm 1985, Báo Nhân Dân ra đặc san hằng tháng và nội san “Người làm báo Nhân dân”, trở thành tờ báo đầu tiên xuất bản đặc san hằng tháng. Ngày 25-5-1987, Báo Nhân Dân mở chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh). Chuyên mục này đã đứng trên Báo Nhân Dân 3 năm, 4 tháng, 3 ngày. Dưới một góc độ khác, đây cũng là sự mở đầu cho thời kỳ đổi mới của báo chí.
Sang đến thời kỳ đổi mới, Báo Nhân Dân luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, giữ vững định hướng chính trị, nỗ lực tìm tòi, đổi mới phương thức chuyển tải thông tin, hình thức trình bày các ấn phẩm, mở rộng các phương tiện truyền thông, nâng cao tính thuyết phục, tính hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng. Đội ngũ những người làm Báo Nhân Dân ngày càng trưởng thành, luôn giữ phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Đến nay, Báo Nhân Dân đã trở thành một cơ quan báo chí đa phương tiện, có hệ thống phóng viên thường trú tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; các cơ quan thường trực Báo Nhân Dân đặt tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ; và 6 cơ quan thường trú ở nước ngoài, tại: Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Lào, Campuchia, Nga.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Báo Nhân Dân đã vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh và Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.