(HNM) - Đó là hai "ngòi nổ" gây lo lắng cho cộng đồng quốc tế trong tuần khi thế giới chứng kiến những căng thẳng mới xung quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran và tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Với Iran, kể từ sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua lệnh trừng phạt Iran thứ 4 (ngày 9-6), bầu không khí vùng Trung Cận Đông liên tục nóng. Những diễn biến trong tuần khiến dư luận lo ngại xảy ra "cơn địa chấn" nếu tình hình tiếp tục căng thêm nữa. Sức ép của các cường quốc phương Tây, đứng đầu là Mỹ đẩy tới Iran đã lên đến điểm đỉnh với sắc lệnh trừng phạt Iran vừa được Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành. Đây là một trong những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất với Teheran mà Quốc hội Mỹ thông qua từ trước đến nay. Theo đó, Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào mặt hàng xăng và các sản phẩm từ dầu mỏ xuất khẩu sang Iran; đồng thời cấm các ngân hàng Mỹ giao dịch với những ngân hàng nước ngoài cung cấp dịch vụ cho Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran. Cũng trong tuần, Lầu Năm Góc đã bố trí tàu sân bay thứ 3 hướng vào bờ biển Iran. Tàu này được yểm trợ bằng các tàu tấn công đổ bộ và 4.000 lính thủy đánh bộ, tăng sức mạnh tổng hợp của Mỹ tại vùng biển này lên ba tàu sân bay và 10.000 lính chiến đấu. Cùng thời điểm này, quân đội Mỹ còn thử nghiệm thành công đánh chặn tên lửa đạn đạo ở ngoài khơi quần đảo Hawaii thuộc Thái Bình Dương - như lời cảnh báo với lực lượng quân sự của Tehran.
Đã quá rõ, thế gọng kìm đang được Washington siết chặt vào Iran trên cả hai phương diện kinh tế lẫn quân sự. Sau lệnh trừng phạt của LHQ, nhiều công ty, tập đoàn lớn của các nước lần lượt rút dần khỏi quốc gia Hồi giáo này, đã hình thành thế cô lập toàn diện với Tehran. Mới đây, ngày 28-6, tập đoàn năng lượng hàng đầu Tây Ban Nha Repsol đã thông báo rút khỏi một dự án khai thác mỏ khí đốt lớn South Pars ở Iran. Cùng ngày, tập đoàn dầu mỏ Pháp Total cũng thông báo ngừng cung cấp xăng và các sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ cho Iran. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất đã yêu cầu tất cả các ngân hàng tư nhân và các tổ chức tài chính nước này phong tỏa tài khoản của những công ty hiện có quan hệ thương mại - tài chính mật thiết với Iran…
Căng thẳng leo thang giữa Iran và Mỹ hiện nay có thể dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự khiến dư luận đang hết sức lo ngại. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi phát biểu trong chương trình "Tuần này" của tổ hợp truyền thông ABC, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta cho rằng: "Iran có đủ lượng urani được làm giàu ở cấp độ thấp để chế tạo hai vũ khí hạt nhân" và các biện pháp trừng phạt mới không thể chặn đứng tham vọng hạt nhân của nước này. Trước áp lực của Mỹ và các cường quốc phương Tây, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố, Teheran sẽ rút khỏi cuộc đàm phán với các cường quốc trên thế giới về chương trình hạt nhân của Iran cho đến cuối tháng 8-2010 như là một cách để trả đũa phương Tây; đồng thời ban bố tình trạng chiến tranh trên biên giới Tây Bắc của nước này để "canh chừng" lực lượng Mỹ và Israel đang tập trung lực lượng tại các căn cứ lục quân và không quân ở Azerbaijan.
Trong bối cảnh nguy cơ có thật về cuộc xung đột giữa Iran với Mỹ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào thì khu vực Đông Bắc Á cũng xuất hiện những nấc thang căng thẳng mới.
Trong khi đó, vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc vẫn tiếp tục đốt nóng bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng và Seoul đã có quan điểm cứng rắn về vụ việc này tại HĐBA LHQ. Trong thư gửi HĐBA của Đại sứ Triều Tiên Sin Son Ho tại LHQ, Bình Nhưỡng một lần nữa bác bỏ kết quả điều tra của nhóm điều tra đa quốc gia do Hàn Quốc đứng đầu cho rằng Triều Tiên đã phóng ngư lôi đánh đắm tàu Cheonan; đồng thời khẳng định cách hợp lý nhất để giải quyết vụ việc này là hai miền Triều Tiên cùng điều tra để làm sáng tỏ sự thật. Trong khi đó, Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng là thủ phạm và sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ, nếu CHDCND Triều Tiên không đưa ra lời xin lỗi, cam kết không có hành động tương tự trong tương lai. Bởi vậy, việc Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 27-6, nhất trí hoãn thời điểm chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến (OPCON) đến ngày 1-12-2015, muộn hơn 3 năm so với thời điểm 4-2012 hai bên đã thỏa thuận, đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Triều Tiên là điều dễ hiểu. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), ngày 1-7, dẫn lời người phát ngôn Ủy ban tái thống nhất hòa bình Triều Tiên khẳng định, việc trì hoãn thời điểm Hàn Quốc tiếp nhận OPCON "đang đẩy tình hình nguy hiểm hiện nay đến một giai đoạn nghiêm trọng hơn".
Hai "điểm nổ", hai nguy cơ dễ dẫn tới những đổ vỡ khôn lường đang ở thời điểm nhạy cảm. Sự ổn định, hòa bình cho thế giới là vấn đề cốt lõi cần có những "hành động tập thể" để giải quyết. Tuy nhiên, với những diễn biến dồn dập diễn ra trong tuần, thế giới không thể không lo ngại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.