Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngôi nhà đong đầy tình thân

Minh Ngọc| 22/10/2022 06:32

(HNM) - Mỗi thành viên người cao tuổi sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) có một câu chuyện đời riêng, nhưng khi đến đây, không còn ai phải sống cô đơn. Sự gắn kết giữa các thành viên, giữa cán bộ, nhân viên với đối tượng được vun đắp bằng tình thân, nên trung tâm dần trở thành ngôi nhà thân thương của người cao tuổi không còn nơi nương tựa.

Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội động viên ông Võ Thế Ái ăn uống đầy đủ để bảo đảm sức khỏe.

Gia đình lớn ấm áp

Những ngày gần đây, tiết trời trở lạnh. Cái lạnh đầu mùa thường ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người cao tuổi và cũng không ngoại trừ những người được nuôi dưỡng, chăm sóc lâu dài tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội (trụ sở chính tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm).

Nhận thông tin ông Nguyễn Hữu Long (sinh năm 1942), phòng 101 nhà A4 có biểu hiện bị sốt, dù đến giờ ăn trưa, ngay lập tức, những cán bộ Phòng Y tế - Phục hồi chức năng (Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội) vội vã tới kiểm tra sức khỏe cho ông. Người đo huyết áp, cặp nhiệt độ, người chuẩn bị thuốc, rồi tất cả cùng ánh lên niềm vui khi ông Long chỉ bị sốt do ảnh hưởng của thời tiết. “Ông cố gắng ăn uống đầy đủ, rồi uống thuốc là sẽ khỏe thôi”, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết ân cần động viên ông Long.

Hình ảnh cảm động khác mà chúng tôi chứng kiến là đội ngũ cán bộ, nhân viên Phòng Y tế - Phục hồi chức năng của trung tâm đến từng phòng thăm hỏi các ông, bà ăn uống thế nào, có ngon miệng không, ăn hết suất không... Tại phòng 102 nhà A1, bà Trịnh Thị Phê (sinh năm 1952) nói: “Đồ ăn ngon lắm, bà ăn gần hết rồi, các cháu yên tâm nhé”. Được biết, bà Trịnh Thị Phê không may bị mắc bệnh ung thư vòm họng từ năm 2021, liên tục phải nhập viện điều trị, việc ăn uống vô vùng khó khăn. Những món ăn dành cho bà thường phải cắt nhỏ, nấu kỹ, thành phần dinh dưỡng đa dạng. Nhờ sự chăm sóc tận tình, chu đáo như con, cháu dành cho ông bà, bố mẹ trong gia đình của lực lượng cán bộ, nhân viên trung tâm nên sức khỏe của bà Phê có dấu hiệu chuyển biến tích cực, tinh thần vui vẻ, lạc quan.

Cũng tại tầng 1 nhà A1, ông Võ Thế Ái (sinh năm 1930) ở phòng 103 muốn được ăn bữa trưa ngoài hành lang cho thoáng đãng. Chiều lòng người già, những cán bộ Phòng Y tế - Phục hồi chức năng giúp ông Ái ngồi lên xe lăn và đưa ông ra ngồi cạnh chiếc bàn đặt tại vị trí khuất gió. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Trưởng Phòng Y tế - Phục hồi chức năng Trương Quốc Tiến cho biết: "Ông Ái là một trong những trường hợp cao tuổi nhất ở trung tâm hiện nay, đặc biệt yêu thích đọc và viết sách, báo. Do tuổi cao và trải qua một số lần bị tai biến, hiện sức khỏe của ông không tốt, nhưng niềm đam mê đọc, viết trong ông chưa bao giờ vơi giảm, nên ông thường mang theo những quyển sách bên mình, ngay cả trong bữa ăn. Ai cũng hiểu việc đọc sách và quan sát những gì diễn ra xung quanh là liều thuốc tinh thần đối với ông Ái, nên cố gắng mang lại niềm vui cho ông".

Lựa theo thói quen, sở thích, tình trạng sức khỏe của từng trường hợp, lực lượng cán bộ Phòng Y tế - Phục hồi chức năng cùng tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội có phương án chăm sóc khác nhau với từng người cao tuổi, linh hoạt theo từng tình huống. Tất cả cùng hướng đến mục tiêu giúp người cao tuổi không còn nơi nương tựa, thiếu thốn tình cảm được sống trong một gia đình lớn ấm áp, ăm ắp tình thân. 

Trao đi yêu thương, nhận lại yêu thương

Sống giữa tình thân, người cao tuổi sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội có những năm tháng tuổi già an vui. Ông Bạch Quang Ngọc (sinh năm 1934) ở phòng số 103 - nhà A3, bộc bạch: “Hằng ngày, tôi được ăn uống đầy đủ, chăm sóc sức khỏe, có bầu bạn. Tôi luôn cố gắng ăn uống khoa học, tích cực tham gia các hoạt động chung”. Bà Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1947) ở phòng 201 - nhà A1, chia sẻ: “Thời trẻ, tôi làm công nhân, nay đi làm chỗ này, mai chuyển nơi khác và không xây dựng gia đình. Khi về già, nhà cửa không có, anh, chị, em không còn, nên tôi được đưa vào nuôi dưỡng lâu dài tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội. Nhiều năm qua, chúng tôi coi nơi đây là nhà, gia đình của mình”.

Ngoài những trường hợp nêu trên, Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội hiện nuôi dưỡng lâu dài hơn 80 người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt, không còn nơi nương tựa cùng hơn 80 trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng tại cộng đồng. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội Trần Thị Hải, đối với người cao tuổi, trước khi về sống tại trung tâm, dường như ai cũng có những câu chuyện đời rất riêng, thậm chí có trường hợp chịu tổn thương sâu sắc, không dễ xoa dịu. Cùng với đó, đa số trường hợp mắc các chứng bệnh phổ biến của người già (huyết áp, xương khớp, tim mạch, khó ngủ,…) đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc, điều trị đặc biệt. Vì thế, trung tâm luôn quán triệt lực lượng cán bộ, nhân viên làm việc với tinh thần: “Phục vụ đối tượng như người thân”.

Ân cần chăm sóc, nuôi dưỡng người già và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hơn 30 năm qua (từ tháng 7-1992 đến nay), Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội trở thành ngôi nhà thân thương của hơn 1.500 lượt đối tượng người già không nơi nương tựa, mái ấm gia đình của trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng. Với người cao tuổi, lúc còn sống, họ được chăm sóc chu toàn về mọi mặt. Khi qua đời, nếu không có anh em họ hàng lo liệu việc tang, thì đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội đứng ra tổ chức tang lễ và cúng giỗ cho người đã khuất theo nghi lễ truyền thống.

Dưới góc độ quản lý, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, nhiều năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội là địa chỉ tin cậy, nhân văn của người cao tuổi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi được đội ngũ cán bộ, nhân viên trung tâm hoàn thành xuất sắc bằng tình cảm yêu thương, hiếu kính rất được trân trọng, cần tiếp tục phát huy. Điều này thiết thực góp phần chăm sóc sức khỏe, nâng cao mức sống, bảo đảm an sinh cho các trường hợp yếu thế.

Góp phần mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều mảnh đời kém may mắn, Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội nhiều lần được các cơ quan chức năng khen thưởng, gần đây nhất là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Song, với những người đã, đang làm việc tại đây, thì sức khỏe và niềm vui thường nhật của người cao tuổi, sự phát triển toàn diện của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mới là thước đo đánh giá hiệu quả công việc. Do đó, họ sẽ bền bỉ đi tiếp hành trình: Trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngôi nhà đong đầy tình thân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.