Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ngọc xanh” của Tràng Cát

Dung - Bắc| 16/01/2020 06:57

(HNM) - Vào những ngày tháng Chạp này, chúng tôi về thôn Tràng Cát, xã Kim An (huyện Thanh Oai), cảm nhận đầu tiên là không khí nơi đây thật nhộn nhịp. Từ đầu đến cuối làng, hàng chục xe ô tô, xe máy tấp nập chở lá dong đến các cơ sở gói bánh chưng, các chợ dân sinh… Được ví như “ngọc xanh” của Tràng Cát, lá dong đã tạo nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây.

Lá dong Tràng Cát, xã Kim An (huyện Thanh Oai) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Tất bật vào vụ Tết

Đến thôn Tràng Cát những ngày này, nơi đâu cũng phủ một màu xanh của lá dong, một trong những nguyên liệu không thể thiếu để tạo ra những bánh chưng và nhiều loại bánh khác phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết đến, Xuân về.

Vừa tất bật chỉ đạo con cháu chuẩn bị cho thương lái tới thu mua với đơn hàng 20 vạn lá, bà Hà Thị Thịnh (thôn Tràng Cát) vừa tiếp chuyện chúng tôi. Bà Thịnh cho biết, theo các cụ cao niên trong làng, cây lá dong được trồng ở Tràng Cát từ khi mới lập làng đến nay đã hơn 600 năm. Trước kia, lá dong Tràng Cát được chọn gói bánh chưng tiến vua và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Mặc dù lá dong dễ trồng nhưng quá trình chăm sóc tốn không ít công sức và khâu quan trọng nhất là chăm bón, tưới nước phải đúng thời điểm thì mới cho lá đều, đẹp. Do chất đất phù hợp, lại có kinh nghiệm lâu năm và cùng với bí quyết "nhà nghề", người dân nơi đây đã tạo cho lá dong Tràng Cát một đặc trưng mà không nơi nào có được. Lá dong Tràng Cát là loại dong nếp, lá tròn và dai, dưới lá có màu xanh non, khi gói bánh chưng có màu xanh đặc biệt. Mặt khác, bề mặt lá không dày như lá dong rừng và có bầu lớn nên dễ dàng gói bánh bằng tay hoặc bằng khuôn. Vì thế, một số địa phương cũng có vùng trồng lá dong như: Tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên... nhưng theo các thương lái nhận xét: “Không địa phương nào cạnh tranh được với lá dong ở đây, nên lá dong Tràng Cát lúc nào cũng đứng đầu bảng”...

Luôn tay cắt lá, rồi chọn những tàu đẹp nhất cho khách hàng ở huyện Thường Tín đặt cách đây hơn một tháng, ông Nguyễn Vũ Quang, người đã hơn 20 năm gắn với với việc trồng và thu mua lá dong ở thôn Tràng Cát vui vẻ chia sẻ: "Năm nay thời tiết ủng hộ nên lá dong tương đối đẹp, to, xanh và không bị dập nát. Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng cam Canh nhưng hiện đã chuyển đổi toàn bộ hơn 7 sào đất sang trồng lá dong. Cây dong cho thu hoạch quanh năm nhưng người dân trong thôn tập trung chủ yếu vào hai vụ chính là rằm tháng Bảy và Tết Nguyên đán. Mùa lá dong Tràng Cát nhộn nhịp từ khoảng trước rằm tháng Chạp đến ngày áp Tết. Vì thế, chỉ trong quãng 20 ngày, gia đình tôi có thể bán được 50-70 vạn lá với giá 70.000-200.000 đồng/100 lá, tùy kích cỡ...".

Là khách hàng lâu năm của người dân Tràng Cát, ông Nguyễn Văn Sinh ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) cho hay: “Vài mươi năm nay, cứ khoảng 20 tháng Chạp, tôi lại lên Tràng Cát mua ở những vườn quen khoảng 200 tàu lá dong nếp về gói bánh chưng để cúng tổ tiên, biếu bạn bè và gia đình sử dụng trong ngày Tết. Gói bánh chưng bằng lá dong Tràng Cát, khi vớt ra, lá xanh từ ngoài vào trong, khi bóc bánh vừa đẹp, vừa thơm. Gia đình tôi chỉ mua lá dong ở đây, chưa bao giờ mua lá dong rừng…".

Thoát nghèo từ lá dong

Hiện nay, ngoài việc gói bánh chưng, lá dong Tràng Cát còn được các nhà hàng dùng gói bánh giầy, bánh giò,… Đặc biệt, gần đây ở nhiều siêu thị, lá dong còn được sử dụng để gói rau, củ quả thay thế các loại túi ni lông nên diện tích trồng lá dong ở Tràng Cát tăng hơn trước rất nhiều. Trưởng thôn Tràng Cát Nguyễn Quang Tú cho biết, năm 2010, nhiều hộ dân ở Tràng Cát bỏ lá dong để trồng cam Canh, nhưng sau một thời gian, cam Canh bị sâu bệnh, thu hoạch kém, đến năm 2017 thì người dân trong thôn lại chuyển sang trồng lá dong. Đến nay, diện tích lá dong ở thôn đã lên tới hơn 50ha. Thậm chí nhiều hộ dân còn tận dụng đất trong vườn để trồng loại lá này. "Trồng lá dong đầu tư ít, giá cả ổn định, thương lái đến tận nơi thu mua quanh năm. Thu nhập từ lá dong đạt 300-400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5-6 lần so với cấy lúa. Nhiều hộ đã thoát nghèo từ nghề trồng lá dong và nhờ vào những vườn lá dong, 100% hộ gia đình của thôn Tràng Cát có xe máy, nhà cửa khang trang…" - Trưởng thôn Nguyễn Quang Tú thông tin.

Là một trong những hộ dân ở Tràng Cát nhờ nguồn thu từ trồng lá dong mà đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm được trang thiết bị phục vụ cuộc sống, bà Nguyễn Thị Thảo kể: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện nghèo, quanh năm cấy lúa và chỉ biết trồng một ít lá dong tại vườn nhà. Tuy nhiên, khi nhu cầu thị trường tăng cao, khoảng 3 năm trở lại đây, ngoài trồng một số loại cây ăn quả, gia đình tôi trồng thêm 2 sào lá dong để bán quanh năm: Lá nhỏ để gói các loại bánh nếp, bánh giò…, mỗi tháng cũng được 5-6 triệu đồng/sào. Vào tháng Tết, bán lá dong với số lượng lớn thì cho thu nhập cao hơn… Trung bình, mỗi năm, từ lá dong, gia đình tôi thu được 45-50 triệu đồng/sào...".

Chủ tịch UBND xã Kim An Đoàn Văn Huỳnh phấn khởi cho biết: “Thời điểm này, cả thôn Tràng Cát nhộn nhịp bởi hàng trăm hộ cắt lá, bó lá, rồi thương lái tấp nập đến thu mua, vận chuyển đi các tỉnh, thành phố trong cả nước. Những năm gần đây, nhiều người dân Tràng Cát còn lập đầu mối tại thành phố Hồ Chí Minh để thuận lợi cho việc phân phối. Thậm chí, một số hộ còn đóng gói cẩn thận cho khách hàng mang ra nước ngoài phục vụ kiều bào gói bánh chưng trong dịp Tết Nguyên đán. Do đó, đời sống kinh tế của người dân nơi đây ngày một nâng cao, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa 100%; thu nhập đạt 53 triệu đồng/người/năm...”.

Cùng với niềm vui chung trong phát triển kinh tế, người dân Tràng Cát mong muốn sang năm mới, các cơ quan chức năng của huyện, thành phố sẽ quy hoạch vùng trồng lá dong tập trung, giải phóng diện tích vườn nhà. Cùng với đó, chính quyền địa phương có giải pháp hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu lá dong Tràng Cát để nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, ký kết hợp đồng tiêu thụ lá dong thay thế túi ni lông, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường… “Có thể ví lá dong như “ngọc xanh” của Tràng Cát bởi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, lá dong còn chứa đựng những giá trị tinh thần, lưu giữ truyền thống và là niềm tự hào của người dân nơi đây” - ông Phạm Văn Đông ở thôn Tràng Cát tự hào, nói với chúng tôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ngọc xanh” của Tràng Cát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.