(HNM) - Có một thực tế đang tồn tại ở nước ta từ nhiều năm nay, đó là việc người trực tiếp làm ra sản phẩm và người tiêu dùng hàng hóa luôn bị thiệt thòi, còn những người làm dịch vụ, phân phối sản phẩm lại được hưởng lợi nhuận lớn.
Hệ thống bán lẻ cần phát triển theo hướng chuyên nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng và nhà sản xuất. Ảnh: Thái Hiền
Tại một chợ "cóc" ở phường Mộ Lao (Hà Đông), chị Lê Thị Oanh (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức) chuyên bán thịt lợn cho biết: Khoảng một tuần trở lại đây, giá thịt lợn bắt đầu nhích lên. Giá lợn hơi mua tại chuồng dao động từ 58.000 đến 60.000 đ/kg; giá móc hàm khoảng 82.000 đ/kg và khi đến tay người tiêu dùng bị đẩy lên thêm gần 10 giá; nếu mua thịt tại các lò mổ, thì giá còn bị đội cao hơn, vì phải chịu thêm chi phí từ thuế... Cũng như vậy, người trồng rau muống ở xã Trung Văn (Từ Liêm) đổ buôn tại chợ Thanh Xuân (phường Thanh Xuân Bắc) giá chỉ 4.000-5.000 đ/bó, nhưng khi mua, người tiêu dùng luôn phải trả với giá đắt hơn 2.000 đ/bó, thậm chí, ở một số chợ khu vực nội thành như Thành Công, Nguyễn Công Trứ, Thái Hà… các bà nội trợ phải mua đến 9.000-10.000 đ/bó… Bà Nguyễn Thị Thu ở xã Song Phương (Hoài Đức) bộc bạch: Rau bắp cải bán buôn tại chân ruộng chỉ được khoảng 4.000 đ/kg, nhưng nếu mua tại chợ, người tiêu dùng phải trả giá gấp đôi…
Điều này cho thấy, nhiều mặt hàng từ lúc thu hoạch đến tay người tiêu dùng giá đã bị đội lên khá cao; nhiều mặt hàng thiết yếu liên quan đến cuộc sống hằng ngày đang phải gánh chi phí trung gian rất lớn. Những người trực tiếp tạo ra sản phẩm phải chịu nhiều vất vả, rủi ro, nhưng lợi nhuận không thu được bao nhiêu. Lúc được mùa thì bị tư thương ép giá, lúc giá thành cao thì không có hàng... Thực tế đó lý giải một phần tại sao nhiều nông dân có ruộng, nhưng bỏ hoang không sản xuất mà ra thành phố buôn bán, chợ cóc "mọc lên" ở khắp mọi nơi, ngõ ngách. Cũng vì việc thiếu sự liên kết giữa người sản xuất và đơn vị thu mua đầu mối nên giá nhiều mặt hàng thiết yếu trôi nổi, thoát khỏi sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Do đó, nhiều khi thị trường không thiếu hàng, song giá cả đã bị khâu trung gian đẩy lên, nhất là vào các dịp lễ, tết, bão, lũ… Với chiêu "thổi" giá, lợi nhuận chỉ rơi vào một bộ phận nhỏ trong khâu lưu thông, dịch vụ, người sản xuất chẳng được lợi gì và người tiêu dùng đành phải chấp nhận. Trong tình thế đó, người sản xuất thường "đơn thương độc mã", bởi không có tổ chức, đơn vị nào song hành cùng, họ dễ bị ép giá và hàng hóa thì khó cung cấp đến tận tay người tiêu dùng…
Chưa kiểm soát được hệ thống bán lẻ
Hiện tại, hệ thống chợ truyền thống ở nước ta vẫn chiếm số lượng lớn, bên cạnh đó còn thêm các loại hình khác như: siêu thị, cửa hàng độc lập, hộ kinh doanh cá thể... Trừ hệ thống các siêu thị có thương hiệu, các loại hình còn lại đều hoạt động tự do, độc lập và phần lớn đều nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, khiến thị trường manh mún, tản mạn. Thực tiễn cho thấy, các chợ chỉ đơn thuần là nơi tập trung người mua, kẻ bán, còn nguồn gốc hàng hóa, chất lượng và giá cả gần như để thả nổi, ban quản lý các chợ thực thi nhiệm vụ một cách nửa vời, ít hiệu quả. Xuất phát từ thực tế như vậy, chuỗi cung ứng sản phẩm, hệ thống phân phối không được tổ chức tốt, khó tạo lập được mối liên kết chặt chẽ từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Do vậy, việc kiểm soát giá của cơ quan chức năng đối với hệ thống bán lẻ nằm ngoài tầm với. Điều đó đồng nghĩa với khả năng tự điều chỉnh của thị trường kém nhanh nhạy, các biện pháp can thiệp của Nhà nước khó phát huy hiệu quả.
Hiện trạng vận hành của thị trường cho thấy, quá trình lưu thông trong bán lẻ hàng hóa ít được quan tâm; những chính sách về giá cả đã ban hành cũng chưa đầy đủ. Điều đó dẫn đến hệ thống bán lẻ không phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Ngoài ra, quản lý nhà nước đối với phân phối hàng hóa ở các chợ vẫn chưa rõ ràng, các văn bản pháp luật mới chỉ điều chỉnh những khía cạnh riêng lẻ, thiếu đồng bộ, chưa có sự điều chỉnh cho cả hệ thống. Mặc dù, Bộ Công thương đã xây dựng được một số quy hoạch về chợ như: quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc; quy hoạch tổng thể phát triển một số kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu ở ba vùng kinh tế trọng điểm; quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam; quy hoạch phát triển các loại hình phân phối bán lẻ… Song đến nay chưa có một đánh giá cụ thể nào về tình hình thực hiện các quy hoạch này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là quy hoạch về sự phát triển của hệ thống chợ, còn các thiết chế để vận hành chợ trong lưu thông, phân phối hàng hóa, sản phẩm… còn thiếu, nên khó có thể bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng…
Để bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt đến người tiêu dùng, tạo sự bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán 2012, ngày 16-11-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 2051/CT-TTg yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng… chủ động điều hòa cung cầu hàng hóa, giảm tối đa khâu trung gian. Đây là việc làm rất cần thiết, song với hệ thống bán lẻ như hiện nay, thì khó có thể bảo đảm được quyền lợi tối đa cho người sản xuất và người tiêu dùng, bởi giá trị thực của hàng hóa đã bị đẩy lên rất nhiều qua khâu trung gian…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.