Giữa đất Hà thành, giữa thời buổi này, vẫn có những người sống bằng nghề vá, mạng quần áo. Quanh năm suốt tháng, mấy hiệu vá, mạng quần áo đó khá đông khách, cả khách “Tây” lẫn khách ta. Kể cũng lạ !
"Ngõ vá áo" Ảnh: N.A
Cái ngõ có tên Thanh Miến. Một bên ngõ là khách sạn Bàn Cờ, bên này là những ngôi nhà lúp xúp, khá khiêm tốn, nom như những anh nghèo đứng trước cơ ngơi của một ông chủ. Ba cửa hiệu chuyên mạng, sang sợi quần áo lom khom phía đối diện khách sạn. Cửa hiệu số 2 của bà Hồi, cửa hiệu số 2B của bà Hồng, kế đến là hiệu bà Hảo. Hai trong số này có thâm niên tới vài chục năm, cửa hiệu còn lại mới được mở cách đây không lâu. Khách hàng đến nườm nượp, thôi thì đủ hạng người, sang trọng có, bình dân có, thậm chí nhiều ông bà Tây cũng mang quần hoặc áo rách đến nhờ. Vì rất nhiều lí do: Có khi đấy là một cái áo mới mua không may bị rách, có khi là một vật kỉ niệm hoặc cũng có thể là một cái áo hoặc quần không dễ gì tìm mua được...
Quãng mười giờ rưỡi sáng. Bà Hồng ngồi ở ngay cửa ra vào cặm cụi mạng một chiếc áo phông cho khách hàng. Chiếc áo, có vẻ như là hàng ngoại, cũ kĩ, bị rách lỗ chỗ. Công cụ của bà Hồng chỉ là một cây kim. Để vá chiếc áo phông rách ấy, bà Hồng phải rút chỉ từ mặt trong của gấu áo- chỗ được gập đôi và dùng chính chỉ ấy để vá. Gập đôi “chỉ rút”, bà Hồng luồn qua một sợi “chỉ mồi” đã xâu kim. Cứ thế, đều đặn và tỉ mẩn, bà Hồng mạng lại từng chỗ rách. Không hiểu chủ nhân của chiếc áo là người như thế nào, cũng không rõ giá trị của chiếc áo đến đâu nhưng kiểu dáng khá độc - nói như dân chơi. Tiền công vá cái áo nếu đem bán chắc chẳng ai mua đó là hai chục nghìn đồng.
Chiếc giường sắt kê chỉnh chện án ngay cửa ra vào được bà Hồng dùng làm sạp hàng chất ngổn ngang đủ thứ quần áo, từ quần vải bò, vải ka-ki đến tuýt-xi... Vào mùa đông, áo rét mang đi mạng, vá chất thành đống trên giường, trong đó có cả những bộ vét sang trọng, lịch lãm. Chỉ đống quần áo, bà Hồng chép miệng: - Ba hôm nữa là phải trả hết cho khách chỗ này.
Công việc vá áo, mạng áo tưởng chừng đơn giản nhưng không phải. Thông thường, chỉ cần cây kim, sợi chỉ thì ai cũng vá được nhưng chỗ vá thường thô, lộ, có khi còn nhăn nhúm. Song với miếng vá do đích tay bà Hồng làm nếu như không tinh mắt hoặc nhìn thật kĩ thì không thể phát hiện ra. Công việc ấy đòi hỏi không chỉ sự tỉ mỉ, nhẫn nại mà cả năng khiếu nên không phải ai cũng làm đẹp được, nhất là lại làm cho như ý khách hàng. Bà Hồng có thể vá, mạng tất cả các loại quần áo làm bằng bất cứ chất liệu nào, từ vải pha ni - lông, chất liệu thô như cốt - tông, đũi hoặc len... Từ chỗ sờn, miếng rách nhỏ đến miếng rách cỡ bàn tay bà Hồng đều có thể làm được. Theo bà, khó nhất là khi vá quần, áo pha sợi ni- lông. Bởi lẽ, nguyên tắc vá là phải rút chỉ từ chính cái áo rách hoặc cắt vải của cái áo đó ở phần không nhìn thấy như nẹp, gấu để vá. Với sự khéo léo, tỉ mẩn và cầu kì, chiếc áo vá xong gần như không thể phát hiện ra vết vá. Mỗi một cái quần hoặc áo vá, bà Hồng lấy tiền công từ năm nghìn đồng tới 50 nghìn đồng, tuỳ theo chất liệu áo, tuỳ theo kích cỡ miếng vá. Đôi khi, có những người khách đến nhận hàng, thấy miếng vá khéo quá không tiếc gì “thưởng” luôn cho bà vài ba chục nghìn đồng.
Năm nay 54 tuổi, bà Hồng đã có 26 năm làm nghề vá áo, sống bằng nghề vá áo này. Cũng nghề ấy, ngoài ngõ Thanh Miến, trước đây trên phố Hàng Gai, Hàng Hòm cũng có mấy nhà làm nhưng nay họ đã chuyển nghề. Theo bà Hồng, Thanh Miến hiện là nơi duy nhất ở Hà Nội còn giữ lại nghề vá áo. Hiệu kề sát hiệu bà Hồng của bà Hồi, em dâu bà. Hai chị em cùng được truyền nghề ấy từ mẹ chồng, cụ Tạ Huê Diệp.
Bà Hồng đang vá một chiếc áo phông cho khách
Đã tám mươi lăm “tuổi ta” nhưng cụ Diệp vẫn nhanh nhẹn, vẫn minh mẫn lắm. Ngót bảy chục năm cụ gắn bó với nghề này. Cụ vào nghề khi mới mười lăm tuổi, lúc vừa lấy được bằng sơ học yếu lược - tương đương cấp I bây giờ.
- Hồi ấy, ít người lấy được bằng sơ học yếu lược lắm, nhất là con gái. Nhưng tôi thấy đi làm cho bọn thực dân thì khổ quá. Nhiều viên chức, trí thức của mình bị nó khinh, nó coi rẻ. Đi chậm một tí bị lăng mạ, có lỗi thì bị đá đít, bợp tai... Nghĩ có học cao hơn thì cũng chẳng để làm gì, thế là lấy bằng xong tôi bỏ đi làm. Ban đầu, tôi làm ở hiệu kim hoàn cho bà thím ruột, được thím khen lắm. Được thời gian, có người dạy tôi nghề này. Tôi xin nghỉ ở hiệu kim hoàn, mở hiệu mạng quần áo.
Cửa hiệu có biển đề to tướng: Mạng quần áo bằng cả hai thứ tiếng Việt và Pháp. Thời gian đầu, chỉ có khách người Việt mang quần áo đến nhờ mạng: Người nghèo có, bình dân có, trí thức có... Một vài năm, hiệu mạng quần áo cô Diệp bắt đầu có tiếng. Nhiều người Pháp, rất nhiều bà đầm, cũng mang quần áo đến nhờ cô Diệp mạng. Quần áo được cô Diệp vá xong nom không khác gì lúc chưa rách.
- Khách hàng người Pháp đầu tiên là một ông công chức. Cái áo vét rất đẹp của ông ta chẳng may bị thủng. Tôi vá xong, ông ta nhận hàng rồi ồ lên: Mạng đẹp lắm! Mạng đẹp lắm!.. Cứ thế, người nọ rỉ tai người kia. Ngay cả hiệu may Tô Châu lớn nhất thành phố, nổi tiếng lúc bấy giờ thi thoảng cũng nhờ tôi vá. - Cụ Diệp nhớ lại.
Nghề vá áo tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Cụ Diệp than thở, cụ đã dạy cho rất nhiều người nhưng ít người học được cái nghề của cụ. Không chỉ tỉ mẩn, kiên nhẫn, công việc đòi hỏi cả sự khéo tay. Có thế, miếng vá mới kín, mới “tinh”: Vá mà như không vá. Cụ bảo: - Nghề nào chẳng là nghề. Mình có nghề gì hay, nhiều người cần đến thì phải truyền lại cho con cháu, cho người khác chứ.
Bà Hồng và bà Hồi, hai cô con dâu cụ, là hai trong số ít những người học được cái nghề ấy. Giờ, đã 85 tuổi nhưng thi thoảng cụ Diệp vẫn nhớ nghề, vẫn muốn tự tay mình cầm lấy cây kim. Và thường thì, các con cụ không cho cụ làm.
“Nhất thân vinh”
Nói rằng cụ Diệp và các con cụ “nhất thân vinh” nhờ cái nghề vá, mạng quần áo thì e hơi quá. Nhưng quả thực, hễ có cái áo, cái quần nào bị sờn, bị rách thì người ta đều mang đến “ngõ vá áo”. Giờ, Hà Nội có lẽ không có nơi nào độc đáo, sống bằng cái nghề độc đáo như thế. Bởi thời buổi này, cái quần, chiếc áo mua dễ không, đâu có đắt đỏ gì. Nhất là với lớp trẻ. Họ quẳng ngay những thứ quần áo lỗi mốt trước khi sờn rách. Thế nhưng, hiệu mạng quần áo bà Hồi, bà Hồng, cô Hảo vẫn sống được, vẫn nườm nượp khách.
Con bà Hồng hiện làm kiến trúc sư. Hoàn cảnh gia đình không khó khăn gì nhưng bà vẫn muốn tiếp tục cái nghề ấy của bà mẹ chồng. Bà không thuê người làm mà muốn đích tay mình vá, mạng từng cái quần, cái áo rách: - Người ta vẫn cần mình. Muốn bỏ nghề cũng không được. - Bà Hồng cười. Bên hiệu bà Hồi, đâu như có thuê hai ba người làm, khá trẻ.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.