Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngô Hương Diệp: ''Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được chinh phục opera''

Mai Đình| 04/06/2022 06:45

(HNMCT) - Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ngay từ khi bước chân vào Học viện Âm nhạc Quốc gia, Ngô Hương Diệp đã bị thu hút bởi dòng nhạc opera. Sở hữu chất giọng đẹp, bài bản về kỹ thuật, chị đã để lại dấu ấn trong lòng công chúng khi đảm nhận vai nữ chính trong nhiều vở opera nổi tiếng. Gần đây, chị tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật opera “Đêm huyền ảo” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

- “Đêm huyền ảo” là chương trình nghệ thuật tái khởi động của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sau một thời gian dài nghỉ diễn vì dịch Covid-19. Chị có thể chia sẻ về phần biểu diễn của mình trong “Đêm huyền ảo”?

- Tôi biểu diễn ca khúc nổi tiếng "Omio Babbino Caro" (trích vở opera "Gianni Schicchi" của Giacomo Puccini). Chúng tôi đã tập cùng với dàn nhạc giao hưởng liên tục trong 1 tháng trời. Đây là ca khúc kinh điển của thế giới. Nó rất ngắn, mang âm hưởng vui tươi, trữ tình, tương đối khó về mặt kỹ thuật. Mặc dù khán giả nghe có thể cảm thấy rất ngắn nhưng trong khoảng thời gian gần 3 phút trên sân khấu thì người nghệ sĩ phải khổ luyện để có thể chuyển tải kỹ thuật thanh nhạc, cảm xúc và điều tác giả muốn nói.

- Với một tác phẩm nổi tiếng, theo chị, cần có sự chuẩn bị như thế nào về mặt kỹ thuật?

- Khi thể hiện một tác phẩm nổi tiếng, được quá nhiều nghệ sĩ trên thế giới thể hiện, nhiều khán giả cũng đã biết về nó trên YouTube, tôi cố gắng làm thế nào để khán giả cảm thấy có hơi hướng và chuẩn như các nghệ sĩ trước đó đã biểu diễn. Đây thực sự là một áp lực với tôi bởi nền opera của chúng ta chưa phát triển. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để tôi cố gắng hơn. Tôi mong khi mình cất tiếng hát mọi người sẽ thấy opera của mình hay, không thua kém so với thế giới.

Trong 2 năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, nơi tôi làm việc cũng như nhiều đơn vị nghệ thuật khác buộc phải “đóng băng” các hoạt động. Nhưng nghệ sĩ opera như tôi ngày nào cũng phải rèn luyện. Tôi chắc chắn với bạn rằng, tất cả nghệ sĩ opera tại Việt Nam cũng như trên thế giới không có ngày nghỉ, mà luôn phải luyện tập để giữ phong độ.

Ngoài ra, tôi vẫn dạy online, thường xuyên luyện hát, luyện thanh cùng với các học viên của mình. Khi dạy học viên, khá nhiều tác phẩm khó, mang tính quy chuẩn, tôi đã cùng với các bạn ấy tư duy, xử lý để hát một cách tốt nhất. Cách luyện tập của tôi là hát hằng ngày, tập luyện hàng giờ với các bạn sinh viên. Nhờ vậy mà tôi giữ được phong độ và cũng học hỏi được rất nhiều từ các bạn ấy. Tôi có cảm giác, càng nhiều tuổi thì giọng hát của mình càng chín muồi, càng mềm mại và càng kịch tính hơn.

- Khổ luyện là thế nhưng các nghệ sĩ opera Việt Nam lại chưa được nhiều người biết tới. Điều này có khiến chị suy nghĩ?

- Tôi chưa bao giờ buồn vì điều đó, bởi opera là bộ môn nghệ thuật đỉnh cao, rất khó và tôi muốn chinh phục nó. Những người nghệ sĩ khác có thể không thích, hoặc thấy dòng nhạc này khó, không có nhiều khán giả. Còn tôi cảm thấy hạnh phúc khi được chinh phục opera, được bước đi trên con đường ước mơ ấy.

Ở giai đoạn này, tại Việt Nam, opera vẫn chưa được nhiều người biết tới. Người không hiểu thì sẽ không thấy hay. Có thể sau 10 - 20 năm nữa nó sẽ có nhiều khán giả hơn. Hiểu được opera thì mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nó.

- Thông thường khi nghĩ đến opera, người ta hay nhớ đến các tác phẩm kinh điển nước ngoài. Thế còn các tác phẩm opera của Việt Nam thì sao, chị có thấy khó chinh phục? 

- Những tác phẩm nước ngoài thường khó cả về kỹ thuật và diễn xuất. Ngôn ngữ cũng là một rào cản với nghệ sĩ. Tôi cần thời gian để hiểu được tác phẩm đó. Tôi cũng phải bàn luận rất nhiều với đạo diễn nghệ thuật để hát sao cho chuẩn, đồng thời diễn xuất sao cho khán giả khi xem có thể hiểu được.

Opera của Việt Nam cũng rất khó. Tôi vẫn ấn tượng với tác phẩm “Lá đỏ” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Sau khi du học về, tôi may mắn được nhận vai chính trong tác phẩm đó. Đây là một vở opera cực kỳ khó, cũng khó như khi mình chinh phục một vở opera nước ngoài. Đặc thù của tiếng Việt là thanh dấu khác nhau, khi lên nốt cao mình phải hát như thế nào để người nghe không cảm thấy bị chóe. Khán giả khi nghe hát opera tiếng Việt sẽ khó tính hơn, đòi hỏi sự kết hợp diễn xuất tinh tế, để khi đến với những trường đoạn cảm xúc có thể khiến khán giả rơi nước mắt.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Nghệ sĩ opera Ngô Hương Diệp từng đảm nhận vai chính trong nhiều vở opera nổi tiếng như: Vở "Carmen", vở "Lá đỏ" của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, vở "Maria de Buenos Aires", vở "Những người khốn khổ"…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngô Hương Diệp: ''Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được chinh phục opera''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.