Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngộ độc nấm không thể xem thường

Xuân Lộc| 05/07/2019 12:20

(HNM) - Nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và cũng là món ăn yêu thích của nhiều người. Thế nhưng, không phải loại nấm nào cũng có thể sử dụng. Bởi trong thực tế, không ít vụ ngộ độc nấm đã xảy ra và nhiều trường hợp tử vong sau khi ăn nấm độc. Do đó, khi sử dụng loại thực phẩm này, người dân cần có kiến thức và sự hiểu biết để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Tử vong sau khi ăn nấm rừng

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trên thế giới hiện có hơn 10.000 loại nấm đã được xác định danh tính, trong đó có hàng trăm loại nấm độc. Dù trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa ra những cảnh báo về nguy cơ tử vong do ngộ độc nấm gây ra. Nhưng một bộ phận người dân, đặc biệt là bà con tại các tỉnh miền núi phía Bắc, như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên vẫn giữ thói quen đi rừng và hái nấm tự nhiên về ăn.

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc nấm tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Mới đây, vợ chồng chị Vũ Thị T. (40 tuổi ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) cùng một vài người vào rừng hái nấm có màu nâu trắng về chế biến món ăn cho gia đình. Bữa cơm chiều hôm đó diễn ra bình thường, cả gia đình không có dấu hiệu gì đặc biệt. Thế nhưng, đến sáng hôm sau, chị T. cùng chồng và con dâu mới có biểu hiện đau bụng, nôn và mệt lả. Từ bệnh viện huyện, các bệnh nhân đã được chuyển đến bệnh viện tỉnh Sơn La. Tại đây, do tình trạng suy gan quá nặng nên chồng chị T. đã tử vong. Còn chị T. và con dâu được kịp thời chuyển về Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) để tiếp tục điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - người trực tiếp điều trị cho hai mẹ con chị T. cho biết, bệnh nhân T. bị nhiễm độc gan nặng. Trung tâm Chống độc đã áp dụng các biện pháp khác nhau để thải độc, truyền thuốc giải độc, hồi sức, lọc máu… cho bệnh nhân. Đến nay, sức khỏe của hai bệnh nhân đã có nhiều dấu hiệu cải thiện, nhưng chị T. vẫn trong tình trạng nặng. Trước đó, vào tháng 5-2019, 4 người trong một gia đình dân tộc Mông tại tỉnh Lai Châu cũng phải nhập viện trong tình trạng buồn nôn, đau bụng, tê mỏi chân tay do ăn phải nấm lạ hái trong vườn nhà.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém nhưng tỷ lệ tỷ vong rất cao (trên 50%). Thậm chí, có những gia đình sau khi ăn phải nấm độc, cả nhà đều tử vong. Nguy hiểm là vậy nhưng người dân chưa có kiến thức phân biệt nấm lành và nấm độc. Đáng lưu ý, nhiều người lầm tưởng nấm độc phải là nấm có màu sắc sặc sỡ nên thấy nấm trắng đã hái về ăn, gây nguy hiểm đến tính mạng. Thậm chí, có những loại nấm, sâu bọ ăn không chết nhưng vẫn có thể gây độc với người. Hay một số người cho gà, chó ăn nấm trước, sau 1-2 giờ mà động vật đó không chết hoặc không bị ngộ độc thì đó là nấm không độc. Cách thử này chỉ đúng với một số loại nấm độc tác dụng nhanh và không gây chết người. Còn hầu hết nấm độc gây chết người có tác dụng chậm, từ 12 đến 24 giờ sau khi ăn mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên.

Tuyệt đối không ăn nấm lạ

Biểu hiện khi ăn phải nấm độc, theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, tùy theo từng loại nấm mà xuất hiện triệu chứng trước 6 giờ hoặc xuất hiện muộn từ 6 đến 40 giờ sau khi ăn, ngộ độc càng muộn thì càng khó chữa. Ngộ độc do ăn phải nấm độc thường có các biểu hiện, như: Đau bụng dữ dội thành từng cơn, đi ngoài nhiều lần; buồn nôn, nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu; toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước, đôi khi nổi mẩn; hoa mắt, chóng mặt, da xanh tái; co giật, tăng tiết đờm; đi tiểu ít hoặc không đi tiểu được; khó thở… Thậm chí, có một số loại nấm có thể gây liệt thần kinh, tổn thương gan, thận, hôn mê và tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, 80% bệnh nhân ngộ độc nấm tử vong nếu đến cấp cứu muộn. Điều đó cho thấy, việc cấp cứu ban đầu các ca ngộ độc nấm rất quan trọng. Do đó, trong khi chờ cấp cứu, bằng mọi biện pháp phải loại nhanh chất độc ra khỏi cơ thể người bệnh bằng cách gây nôn hoặc dùng than hoạt tính có tác dụng làm giảm chất độc. Gây nôn bằng cách móc họng hoặc dùng bàn chải đánh răng thọc sâu vào họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi. Nếu bệnh nhân tiêu chảy nhiều gây mất nước, phải bù nước bằng cách cho uống dung dịch oresol. Hoặc uống 30g than hoạt tính (tương đương 2 thìa canh) với 1-2 cốc nước. Trường hợp người bệnh hôn mê, co giật phải cho nằm nghiêng; người bệnh thở yếu, ngừng thở thì hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ; sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.

Các loại nấm độc kể cả sau khi đun nấu ở nhiệt độ 200 độ C, độc tố vẫn bền vững không bị phá hủy. Vì vậy, để an toàn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm, bảo đảm là ăn được mà không bị ngộ độc. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (như mũ, phiến, cuống, vòng cuống và bao gốc), đặc biệt, những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.

Người dân không nên ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc. Ngoài ra, với cả loại nấm ăn được thì cũng nên sử dụng khi còn tươi, nếu để ôi thiu, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngộ độc nấm không thể xem thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.