Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiên cứu cơ chế tự chủ của các đơn vị nghệ thuật Hà Nội

An Nhi| 15/02/2023 18:05

(HNMO) - Chiều 15-2, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì buổi làm việc về thực trạng hoạt động của 6 đơn vị nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Quang cảnh buổi làm việc.

Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý 6 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, gồm: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội.

Báo cáo về thực trạng hoạt động của 6 đơn vị nhà hát, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, hiện có Nhà hát Múa rối Thăng Long đã thực hiện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, 5 nhà hát còn lại thực hiện tự chủ một phần chi thường xuyên. Sáu nhà hát được thành phố giao quản lý và sử dụng 9 cơ sở vật chất, trong đó có 8 rạp biểu diễn và 1 cơ sở nhà đất chỉ sử dụng làm trụ sở làm việc và nơi luyện tập. 

Bám sát Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025, các nhà hát trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân Thủ đô. 

Cụ thể, năm 2022, các nhà hát đã tổ chức 405 buổi biểu diễn phục các nhiệm vụ chính trị; 11 buổi biểu diễn phục nhân dân vùng sâu, vùng xa; 35 buổi biểu diễn phục vụ công tác đối ngoại; 616 buổi biểu diễn có doanh thu, đạt 14,85 tỷ đồng. Cùng với hoạt động chuyên môn, các nhà hát đã triển khai sưu tầm, bảo tồn và lưu giữ các làn điệu, phục dựng vở diễn… 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của 6 nhà hát còn nhiều bất cập. Trong đó có vấn đề thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để tổ chức luyện tập, biểu diễn; khó giữ chân nghệ sĩ tài năng; khó thu hút tài năng trẻ…   

Lãnh đạo các nhà hát trình bày thực trạng hoạt động.

Tại buổi làm việc, đại diện các nhà hát đã phản ánh những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, đồng thời có những kiến nghị cụ thể về cơ chế đặc thù cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng nhân lực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Ghi nhận các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thời gian tới sẽ đề nghị Chủ tịch UBND thành phố thành lập tổ công tác liên ngành, trong đó có Sở Văn hóa và Thể thao và các sở, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo các nhà hát, các chuyên gia để xây dựng cơ chế đặc thù cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, tổ công tác liên ngành sẽ thực hiện đánh giá đầy đủ thực trạng của 6 nhà hát, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, nhân lực, hoạt động biểu diễn; thực hiện nghiên cứu cơ chế xây dựng lộ trình tự chủ của các nhà hát…, từ đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp để phát huy tiềm năng của từng đơn vị, đóng góp xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu cơ chế tự chủ của các đơn vị nghệ thuật Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.