Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiêm Xuyên thành công với mô hình VAC

Hoàng Văn| 22/01/2014 06:35

(HNM) - Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất tập trung đang là hướng đi đúng ở xã Nghiêm Xuyên (Thường Tín).

Đặc biệt, sau khi hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), xã Nghiêm Xuyên phát triển mạnh mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) đã đem lại năng suất cây trồng cao, giảm công lao động...

Nhiều địa phương của huyện Thường Tín tích cực chuyển đổi cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Bá Hoạt


Anh Trịnh Xuân Khanh, người đi tiên phong trong phát triển mô hình VAC tại cánh đồng Liễu (xã Nghiêm Xuyên) chia sẻ: "Trang trại của gia đình tôi có gần 2,2ha, trước đây là khu ruộng trũng, đất xấu, cấy lúa kém hiệu quả. Khi xã có chủ trương DĐĐT, tôi đã mạnh dạn thuê lại ruộng đất của người dân trong xã để xây dựng trang trại chăn nuôi. Gia đình tôi đã đào 2 ao với diện tích 1,4ha để thả các loại cá trắm, chép, chôi…, mỗi năm cho 2 lần thu hoạch; trên bờ nuôi 300 gà ta, 40 con lợn và trồng bưởi Diễn. Doanh thu hằng năm được gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 150-180 triệu đồng". Trên các xứ đồng Cửa Ông, Hạ Khả Lôi, 27 Mẫu, Sống Trên… nhiều trang trại quy mô lớn được các hộ dân quy hoạch khoa học, bài bản theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại. Ông Trịnh Văn Tam ở thôn Cống Xuyên cho biết, trước kia gia đình ông có 13 thửa ruộng, sau DĐĐT chỉ còn lại một thửa, ông thuê thêm diện tích của anh em, hàng xóm được gần 5ha để phát triển trang trại, nuôi cá, vịt, trồng cây ăn quả cho thu nhập từ 180-200 triệu đồng/ha. Gia đình ông Tam cũng giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ… Hiện tại, trên địa bàn xã Nghiêm Xuyên có gần 80 hộ gia đình, chuyển đổi được hơn 90ha đất trũng, sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình VAC cho thu nhập bình quân từ 150 đến 200 triệu đồng/ha/năm.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Nghiêm Xuyên Nguyễn Văn Đài, địa phương luôn xác định DĐĐT là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Dồn đổi ruộng xong đến đâu, xã tiến hành hoàn thiện thủ tục cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đến đó và hiện đã đạt 92%. Sau DĐĐT, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nên năng suất cây trồng đã tăng cao.

Thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng sau DĐĐT ở xã Nghiêm Xuyên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, là yếu tố quyết định để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân và là tiền đề quan trọng để Nghiêm Xuyên sớm trở thành xã nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiêm Xuyên thành công với mô hình VAC

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.