Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghịch lý và hệ lụy

Thế Phương| 22/12/2010 06:39

(HNM) - Trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ để phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển lĩnh vực nhà ở và một số lĩnh vực khác đã đưa ra nhiều thông tin cho thấy không ít bất cập của thị trường bất động sản - một vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự.


Thời gian qua, nhà ở chung cư phát triển đến chóng mặt nhưng theo Bộ Xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 1,23%. Và hệ quả của nó là hàng trăm nghìn người dân tại các đô thị lớn phải vật lộn với việc tìm kiếm một chỗ ở, thậm chí chỉ là chỗ cho thuê với cái giá không "mềm" so với đồng lương hiện nay.

Và một lần nữa, không ít người bất ngờ với những con số thống kê: diện tích sàn nhà ở bình quân trên đầu người của cả nước đạt 16,7m2/người. Tại khu vực đô thị thì con số này đã tăng lên 19,2m2/người, trong khi tại khu vực nông thôn đã giảm xuống chỉ còn 15,7m2/người. Như vậy nông thôn không còn là nơi rộng rãi, thoáng đãng như quan niệm của nhiều người. Và đương nhiên theo đó là hàng loạt hệ lụy có quan hệ trực tiếp tới quá trình đô thị hóa nông thôn. Chưa kể sự chênh lệch giữa các vùng về diện tích nhà ở bình quân đầu người...

Thị trường bất động sản hình thành kéo theo hàng loạt khái niệm như lướt sóng, bán chênh, giá gốc, suất ngoại giao, quan hệ..., để rồi như nhận định của một chuyên gia bất động sản: diện tích nhà ở phát triển theo kiểu "nhà giàu trồng lau ra lúa". Và cũng từ đây đã nảy sinh không ít nghịch lý mà đến nay người ta vẫn thừa nhận như một "khuyết tật" của thị trường bất động sản khiến các nhà quản lý chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu để khỏa lấp.

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, nhưng còn mang tính tự phát, thiếu ổn định. Thị trường địa ốc đang có khiếm khuyết lớn. Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp rất lớn nhưng doanh nghiệp không quan tâm mà chạy đua đầu tư nhà cao cấp vốn là phân khúc đang trì trệ…

Cả nước hiện có 2.500 dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới và các dự án kinh doanh bất động sản khác với diện tích khoảng 80.000ha. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có trên 1.400 dự án, Hà Nội có trên 800 dự án… Nhiều người dự đoán vài ba năm nữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ "bội thực" về nhà ở chung cư, nhưng đằng sau đó có không ít vấn đề nan giải như: tính minh bạch trong các khâu từ hoạt động đầu tư, đến giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê... Tình trạng đầu cơ, mua bán ngầm, trốn thuế diễn ra ở nhiều địa phương. Chưa kể cơ chế đấu giá đất, đấu thầu dự án dù đã được pháp luật quy định nhưng nhiều nơi vẫn "bỏ qua", lách luật… Và một điều nữa, giá cả bất động sản, đặc biệt là giá nhà ở quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như mức phát triển của nền kinh tế là một nghịch lý của thị trường hiện nay.

Nghịch lý trên là chuyện "biết rồi, khổ lắm…". Bộ Xây dựng biết rất rõ điều đó. Và hết thảy đều biết, nó chỉ được lập lại trật tự khi các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện khung pháp lý của thị trường bất động sản như: chính sách huy động nguồn tài chính dài hạn để phát triển thị trường, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thu nhập thấp… Có điều, từ nhận thức đến ý tưởng và hành động thực tế lại là cả câu chuyện dài dài. Và giải quyết việc đó không chỉ là công việc của ngành xây dựng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý và hệ lụy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.