(HNM) - Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, nông dân có truyền thống trồng mía lâu đời nhưng trong nước lại thiếu nguyên liệu để sản xuất đường, người tiêu dùng trong nước phải mua đường với mức giá cao hơn thế giới. Đây chính là nghịch lý của ngành mía đường Việt Nam.
Đầu tháng 6 là thời điểm chính vụ, nhưng giá đường bán lẻ trên thị trường vẫn ở mức 17.000-17.500 đồng/kg, cao hơn giá đường quốc tế. Toàn bộ 40 nhà máy đường trong nước chỉ ép mía và sản xuất đường cầm chừng vì thiếu nguyên liệu trầm trọng. Dự báo, tổng lượng đường sản xuất niên vụ 2009-2010 chỉ đạt khoảng 984 nghìn tấn, giảm so với niên vụ trước 5 nghìn tấn. Năm 2010, dự báo nước ta sẽ thiếu 300 nghìn tấn đường phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Được biết, tổng hạn ngạch đã cấp để nhập khẩu đường trong năm 2010 là 200 nghìn tấn. Dự kiến, trong tháng 7 tới Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét, quyết định bổ sung nâng mức hạn ngạch nhập khẩu với mặt hàng này. Thực trạng đáng buồn này bắt nguồn từ sự yếu kém của nền sản xuất.
Trong 3 năm trở lại đây, ngành mía đường chỉ tăng về số lượng, quy mô nhà máy sản xuất, nhưng diện tích trồng mía giảm mạnh, sản lượng mía đường sụt giảm khoảng 40-45%. Năng suất cây mía Việt Nam thấp, chỉ bằng 73% so với mía Trung Quốc. Các nhà máy sản xuất đường không quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, tranh mua, tranh bán.
Nếu các nhà máy sản xuất đường không nhanh chóng đầu tư mạnh vào xây dựng vùng nguyên liệu và hợp tác chặt chẽ với nông dân, tăng giá thu mua mía nguyên liệu thì mía đường Việt Nam sẽ không thể phát triển bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng nhà máy đường nhất thiết phải đi đôi với xây dựng vùng nguyên liệu. Như thế, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm với vùng nguyên liệu của mình để đẩy năng suất đường lên cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.