(HNM) - Trong khi các dự án đầu tư bằng vốn doanh nghiệp (DN) bị cắt giảm, nhiều dự án phải giãn tiến độ do không thu xếp được nguồn vốn, thì nhiều dự án đầu tư sử dụng ngân sách lại không giải ngân hoặc giải ngân chậm so với kế hoạch. Đây là nghịch lý đang tồn tại trong đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng đang gặp khó khăn về vốn. Ảnh: Thái Hiền |
Khó khăn về vốn (do lãi suất cao, lạm phát, cắt giảm đầu tư), thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng đã khiến hàng loạt DN lao đao. Giá trị kinh doanh nhà ở và hạ tầng của DN ngành xây dựng chỉ bằng 59% cùng kỳ năm trước, với hàng loạt dự án đầu tư phát triển nhà, khu đô thị, khu công nghiệp phải đình, hoãn, giãn tiến độ do không thu xếp được vốn tín dụng, trong khi lượng vốn huy động từ xã hội rất thấp. Thậm chí kể cả những dự án trọng điểm về điện, theo kế hoạch phải đưa vào vận hành nhưng do không thu xếp đủ vốn nên đành chậm mục tiêu phát điện. Bi đát nhất là lĩnh vực vật liệu xây dựng, về cơ bản không triển khai thêm được dự án đầu tư mới, kể cả những dự án được coi là rất cần thiết như kính tiết kiệm năng lượng, vật liệu xây không nung. Những dự án xi măng đang đầu tư đều phải giãn tiến độ do sản lượng xi măng vượt nhu cầu, cộng với thị trường tiêu thụ chậm, lượng xi măng tồn kho tăng cao. Những đơn vị đạt rất thấp kế hoạch đầu tư đều là những DN có nhiều dự án trong lĩnh vực BĐS, xi măng. Đơn cử như các tổng công ty: Công nghiệp xi măng Việt Nam, giá trị thực hiện đầu tư những tháng đầu năm đạt 6,3%, Lắp máy Việt Nam - Lilama đạt 12,9%, Xây dựng Bạch Đằng đạt 13,2%... Những đơn vị lớn như Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng chỉ đạt 40% kế hoạch sản xuất kinh doanh, Tổng Công ty Xây dựng số 1 đạt 37% kế hoạch, trong khi Tập đoàn Sông Đà lợi nhuận 6 tháng đầu năm chỉ đạt 10% kế hoạch.
Nghịch lý ở chỗ, trong khi các DN gặp không ít khó khăn về vốn, phải vay duy trì sản xuất với lãi suất cao thì nhiều dự án đầu tư bằng vốn ngân sách lại không hoàn thành kế hoạch giải ngân. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2012 Nhà nước giao cho Bộ 1.821 tỷ đồng vốn ngân sách dành cho đầu tư phát triển. Số vốn này phân bổ cho 23 dự án, trong đó có 5 dự án lớn do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư với tổng vốn 1.650 tỷ đồng. Song, tính đến hết tháng 6-2012, khối lượng thực hiện của các dự án mới đạt khoảng 394 tỷ đồng, bằng 21% kế hoạch năm. Giá trị giải ngân, khoảng 512 tỷ đồng, bằng 28% kế hoạch. Có thể kể tên một số dự án triển khai chậm như các dự án: Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Bảo tàng Lịch sử quốc gia… Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân là do chính sách thắt chặt tín dụng, lãi suất cao, đầu tư không hiệu quả cùng với giá cả biến động từ những năm trước đã làm cho tổng mức đầu tư của nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách vượt so với mức đã được phê duyệt, nhưng lại không có cơ chế cho phép điều chỉnh, vì vậy dự án thường phải đình, hoãn, giãn tiến độ để đợi cơ chế mới. Tuy nhiên, về chủ quan, Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn đánh giá, năng lực của các đơn vị được giao quản lý dự án rất hạn chế, thậm chí không có chuyên môn về đầu tư xây dựng; tư vấn được thuê cũng yếu nghiệp vụ. Đơn cử là khâu giải quyết các thủ tục phát sinh trong quá trình triển khai dự án, mặc dù đã được phân cấp, đã được giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho chủ đầu tư, nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn sợ trách nhiệm, đã trình lên cấp trên xin ý kiến chỉ đạo, khiến cho dự án bị kéo dài thời gian triển khai không đáng có.
Vẫn biết nguồn vốn đầu tư từ ngân sách không thấm vào đâu so với hàng chục ngàn tỷ đồng vốn đầu tư của DN, song với cách triển khai, cách giải ngân ì ạch như hiện nay trong khi nhiều DN lại không thu xếp được vốn đầu tư, thì quả là một nghịch lý không đáng có và không thể chấp nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.