(HNM) - 43 năm qua, những người góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước luôn nhận được sự tri ân, quan tâm, chăm sóc thường xuyên và nghĩa tình đối với người có công luôn được bồi đắp lên theo năm tháng. Giữa những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi ghi lại một số câu chuyện cảm động tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công của TP Hà Nội.
Ân tình, trách nhiệm
Cuối tháng tư - tiết trời chuyển từ mùa xuân sang mùa hạ. Khi nắng nóng, lúc se se lạnh, độ ẩm cao khiến sức khỏe của những người mang trong mình vết thương chiến tranh bị ảnh hưởng phần nào. Ngày ngày, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số II, xã Viên An (Ứng Hòa) vẫn ân cần chăm sóc hơn 50 người có công bằng tất cả tình yêu thương, trách nhiệm, sự kính trọng, tri ân. Quan sát thấy Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngô đến từ xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín); cụ Doãn Thị Mùi, đến từ xã Hồng Hà (Đan Phượng) là vợ liệt sĩ… có biểu hiện khó chịu trong người, cán bộ Phòng Y tế - Điều dưỡng liền đo huyết áp, nhịp tim, nhẹ nhàng xoa bóp cho từng người. Thấy cụ Nguyễn Thị Thảo là vợ liệt sĩ, đến từ xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) không vui, những cán bộ nơi đây ân cần hỏi han, chia sẻ.
Chị Lê Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Y tế - Điều dưỡng cho biết: “Đa số người có công đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số II là người cao tuổi, trực tiếp tham gia kháng chiến hoặc là mẹ, là vợ, là con liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Nhiều cụ đã sống ở trung tâm hàng chục năm, bởi vậy chúng tôi hiểu tính cách, tình trạng sức khỏe của từng người. Bất kỳ sự thay đổi nào ở các cụ, chúng tôi đều nhận ra và chăm sóc, chia sẻ kịp thời”.
Người có công được chăm sóc ân cần, chu đáo tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số II. |
Ngoài nhiệm vụ nuôi dưỡng thường xuyên người có công, hằng năm, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số II còn điều dưỡng luân phiên cho hàng nghìn người có công trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Hà Nam. Đến đây, người có công được khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe, tham gia sinh hoạt văn hóa, rèn luyện thể thao. Tương tự, cách thức chăm sóc người có công ở Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số II cũng được triển khai tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công khác của TP Hà Nội, góp phần bù đắp phần nào đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra.
Chiến tranh đã kết thúc 43 năm, song hậu quả của nó vẫn chưa dứt. Thứ chất độc mang tên da cam/dioxin do Mỹ rải xuống Việt Nam đã để lại di chứng cho nhiều thế hệ. Góp phần xoa dịu "nỗi đau da cam", cùng với việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách, TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị tập trung cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Sau hơn 2 năm hoạt động, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội, có trụ sở tại xã Yên Bài (Ba Vì) đã nuôi dưỡng, điều trị thường xuyên cho hơn 60 nạn nhân và con em của họ; đồng thời hỗ trợ điều trị cho nhiều nạn nhân khác. “Ở trung tâm được học, được chơi, được hát, được vẽ, được chăm sóc sức khỏe… tôi vui lắm”, nạn nhân Đặng Thị Lan, đến từ xã Thượng Vực (Chương Mỹ) bày tỏ.
Những câu chuyện cảm động nêu trên cho thấy người có công luôn được TP Hà Nội quan tâm, chăm sóc chu đáo. Đối tượng được chăm sóc ngày càng mở rộng.
Tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất
Để công tác chăm sóc, tri ân người có công đạt hiệu quả toàn diện hơn, các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công cần được quan tâm nhiều hơn về mọi mặt. Ông Tô Văn Thật, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội cho biết, trung tâm thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ là chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị thường xuyên nạn nhân chất độc dacam/dioxin và tẩy độc cho những người bị ảnh hưởng. Hiện nay, trung tâm đã thực hiện tốt nhiệm vụ thứ nhất. Số nạn nhân đăng ký đến sống, điều trị tại trung tâm ngày càng tăng lên. Tuy vậy, với nhiệm vụ thứ hai chưa thực hiện được do cơ sở vật chất chưa hoàn thiện.
Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội vốn được chuyển đổi từ Trung tâm Giáo dục lao động xã hội. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ chăm sóc, điều trị cho các đối tượng xã hội có nhiều điểm không phù hợp để chăm sóc nạn nhân da cam. “Về con người, trước mắt, chúng tôi cố gắng học tập để hoàn thiện, nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời phối hợp với các cơ sở y tế, bệnh viện để nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho nạn nhân. Về cơ sở vật chất, chúng tôi mong muốn thành phố và các cơ quan chức năng sớm cải tạo hoặc nâng cấp cơ sở vật chất để trung tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao”, ông Tô Văn Thật bày tỏ.
Ngoài việc quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, ông Nguyễn Văn Nhiêu, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số II đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu nâng mức hỗ trợ tiền ăn, tiền thuốc và các chế độ khác cho người có công được nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm. Đây cũng là kiến nghị của ông Lê Thành Biên, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công số I.
Người có công nói chung, người có công trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ nói riêng đã và đang được TP Hà Nội quan tâm, chăm sóc toàn diện, thường xuyên. Trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người có công ngày càng đa dạng và nâng cao, hy vọng hệ thống cơ sở vật chất tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công sớm được nâng cấp, hoàn thiện, tạo điều kiện cho người có công được chăm sóc tốt nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.