Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghị quyết Trung ương 4 - Bước đột phá trong xây dựng Đảng

Hoàng Thu Vân - Nguyên Minh| 24/01/2015 06:29

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về


Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 trong thời gian vừa qua có thể nhận thấy, kết quả chung là tình trạng suy thoái trong Đảng đã được ngăn chặn, đẩy lùi, niềm tin của nhân dân với Đảng đã và đang được củng cố; dù mức độ và hiệu quả thu được chưa phải là đồng đều, dù vẫn còn những hạn chế nhất định, thậm chí còn có những điều mà Đảng và dân đều chưa hài lòng, nhưng rõ ràng, các tổ chức Đảng, cán bộ đảng viên đã có những khởi động bước đầu tích cực, tạo ra chuyển biến thiết thực.

Sự dũng cảm và trung thực chính trị của Đảng

Những vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng nêu ra là những vấn đề cấp bách, bức xúc nhất của công tác xây dựng Đảng hiện nay mà toàn Đảng, toàn dân quan tâm. Có một thực tế đã trở thành nguyên tắc, nếu Đảng cầm quyền không thường xuyên đổi mới, không thường xuyên chỉnh đốn để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì vai trò cầm quyền của Đảng sẽ bị lu mờ và tự đánh mất vai trò lãnh đạo của mình. Do vậy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng. Từ Đại hội VI của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 8 nghị quyết, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Ban Bí thư khóa VII đã chỉ đạo tiến hành tổng kết 20 năm xây dựng Đảng thời kỳ 1975 - 1995; Ban Bí thư khóa IX chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới (1986 - 2006), trong đó có phần về xây dựng Đảng… Tuy nhiên, trong thực tế, kết quả đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, vì vậy thường rất khó, rất phức tạp, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Trong 85 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành thực hiện công tác xây dựng Đảng thường xuyên, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều biện pháp, nhiều cuộc vận động, thành tựu thu được là không nhỏ, song vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Bước vào giai đoạn mới, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi phương thức quản lý kinh tế, xã hội, tiến hành hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh những mặt tích cực, có không ít vấn đề tiêu cực tác động vào đời sống xã hội và tư tưởng, tình cảm, tâm trạng của cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân. Thực tế đã có bộ phận đảng viên suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có người công khai bày tỏ ý kiến trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, làm trái nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, thậm chí có người “sám hối”, “trở cờ”; tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm; một số đối tượng cơ hội chính trị, bất mãn, lợi dụng các diễn đàn, các mối quan hệ để truyền bá những quan điểm sai trái của mình, phủ nhận thành tựu của cách mạng, thổi phồng khuyết điểm, tồn tại của chúng ta, bôi đen hiện thực, reo rắc những hoài nghi, bịa đặt, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, kích động, chia rẽ nội bộ… Đây là những mối lo ngại và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền như Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo.

Công cuộc xây dựng đất nước, kiến tạo chủ nghĩa xã hội đang đòi hỏi phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, ngang tầm với với vị thế cầm quyền và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, trước thực trạng một số yếu kém, khuyết điểm, hơn lúc nào hết, Đảng ta càng phải đặc biệt coi trọng hơn nữa nhiệm vụ xây dựng Đảng như Đại hội XI và Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ ra, tạo bước chuyển thực sự trong công tác này.

Những vấn đề mà Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) nêu ra là những vấn đề cấp bách, bức xúc, đang làm cho toàn Đảng, toàn dân quan tâm, lo lắng. Đây chính là sự dũng cảm và trung thực chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng không ngần ngại, không né tránh, tự phê phán, tự chỉ trích những yếu kém, bất cập của mình, nhất là những suy thoái nghiêm trọng, phổ biến đang diễn ra trong nội bộ. Theo nhận xét của GS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương: Nghị quyết TƯ 4 đã nhìn nhận toàn diện các nguyên nhân, không đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan, thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Cụ thể, như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Hiện nay cái làm cho quần chúng oán thán nhất, gây mất lòng tin nhất, làm xói mòn bản chất Đảng đó chính là sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Từ đó, Nghị quyết TƯ 4 đã hoạch định một hệ giải pháp vừa để làm ngay, vừa thực hiện lâu dài, đặc biệt thấm nhuần rằng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng là giải pháp cơ bản, theo đúng quy luật phát triển của Đảng, quán triệt các quan điểm, xác định rõ mục tiêu, chú trọng phương châm “xây và chống”, vừa phòng ngừa, vừa ngăn chặn và quyết đẩy lùi suy thoái trong Đảng. Nghị quyết đề cao trách nhiệm của các tổ chức Đảng, của các cấp ủy và người đứng đầu, quan tâm đặc biệt tới mối liên hệ Đảng với chính quyền, đoàn thể và nhân dân.

Trong những vấn đề nêu trên, có thể nói, một tư tưởng lớn, một định hướng lớn thể hiện trong Nghị quyết TƯ 4, đó là phải dựa vào sức dân, có sự giám sát của nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng ta có thực sự trong sạch, vững mạnh thì mới có thể củng cố bền chặt niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng, đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xứng đáng là một Đảng cách mạng chân chính, đưa sự nghiệp đổi mới, phát triển bền vững và hiện đại hóa của nước ta tới thắng lợi. Nghị quyết TƯ 4 ra đời không những đúng lúc, kịp thời mà còn rất được lòng dân, phù hợp với nguyện vọng, mong muốn chính đáng, tâm huyết và trách nhiệm của các thế hệ đảng viên, phản ánh đúng tâm trạng xã hội, tâm nguyện của nhân dân, đòi hỏi của nhân dân đối với Đảng và cũng là niềm tin của nhân dân với Đảng. Đây chính là điểm đồng thuận giữa Đảng với nhân dân, tạo nên nguồn sức mạnh to lớn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Và như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Có thể nói, Nghị quyết TƯ 4 là một nghị quyết có tầm vóc lịch sử, ghi nhận một chuyển động tích cực mang ý nghĩa đột phá về nhận thức, về tư duy lý luận của Đảng, thể hiện sự hòa quyện giữa ý Đảng và lòng Dân. Chính vì thế, Nghị quyết TƯ 4 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống chính trị của đất nước, tạo nên hiệu ứng và phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết Trung ương 4 - Bước đột phá trong xây dựng Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.