Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghị lực của một nữ nhà giáo Thủ đô

Thống Nhất| 14/08/2021 07:22

(HNM) - Nhắc đến cô giáo Phùng Thị Phượng, Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong (quận Hà Đông), nhiều đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh đều bày tỏ niềm yêu mến, trân trọng, ngưỡng mộ. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe yếu, song 24 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Phượng không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ, mà còn là một tấm gương mẫu mực, được trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cấp thành phố. Hình ảnh về một nữ nhà giáo yêu nghề và đầy nghị lực dần hiện lên qua những câu chuyện kể…

Cô giáo Phùng Thị Phượng, Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong (quận Hà Đông) nhắc nhở học sinh chuẩn bị tốt cho năm học mới 2021-2022 qua hệ thống trực tuyến. Ảnh: Thái Nguyên

Tấm gương vượt khó

Dù vừa trải qua cuộc phẫu thuật ghép thận được một tháng, sức khỏe còn yếu, song trong những ngày vừa qua, cô giáo Phùng Thị Phượng vẫn tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng 46 học sinh lớp 7A2, Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong - lớp cô làm chủ nhiệm - hoàn thành bài kiểm tra trực tuyến cuối năm học và các nhiệm vụ năm học 2020-2021, sẵn sàng tâm thế bước vào năm học mới. Trò chuyện với cô giáo Phượng qua điện thoại trong những ngày thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi càng thêm yêu quý, trân trọng những nỗ lực, cống hiến của một nữ nhà giáo gắn bó với nghề 24 năm qua.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây năm 1997, cô giáo Phùng Thị Phượng (sinh năm 1976) nhận công tác tại Trường Trung học cơ sở Ba Trại (huyện Ba Vì), đảm nhận nhiệm vụ dạy môn ngữ văn. Từ năm 2000, cô Phượng tình nguyện dạy học tại Trường Trung học cơ sở Bản Cầm (tỉnh Lào Cai); sau đó chuyển về Trường Trung học cơ sở Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ). Đến năm 2014, cô nhận nhiệm vụ tại Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong (quận Hà Đông) và gắn bó tới nay.

Nói về đồng nghiệp, cô giáo Nguyễn Thị Minh Huệ, Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong chia sẻ, cô Phượng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng ở xa, biến chứng của bệnh tiểu đường khiến cô gặp nhiều khó khăn trong công việc và sinh hoạt. Trường học và bệnh viện là nơi cô Phượng thường xuyên đi lại, nhưng những khó khăn ấy không cản trở nhiều, mà ngược lại, còn khiến cô thêm quyết tâm trong công tác.  “Dù mới phẫu thuật, nhưng cách đây vài ngày, cô Phượng vẫn chủ trì buổi họp phụ huynh học sinh và tổng kết năm học 2020-2021. Tôi tham gia với tư cách là một phụ huynh học sinh trong lớp và thực sự cảm động khi thấy những chia sẻ của cô toát lên tình yêu thương, ân cần, trìu mến dành cho các con. Tôi càng hiểu vì sao phần lớn học sinh đã và đang học cô Phượng đều gọi cô là “mẹ”. Chúng tôi tự hào và lấy đó làm động lực cho bản thân mình, động viên nhau cùng cố gắng”, cô giáo Nguyễn Thị Minh Huệ tâm sự.

Gần đây, khi vừa trải qua phẫu thuật ghép thận được 3 ngày, bản thân vẫn nằm trên giường bệnh, cô giáo Phượng đã gửi - nhận bài tập, theo dõi, nhắc nhở từng học sinh trong lớp. “Tôi không cho các con biết lịch phẫu thuật, vì không muốn các con lo lắng. Điều quan trọng hơn, đây là khoảng thời gian cuối năm học, tôi muốn đồng hành, hỗ trợ để các con yên tâm, tập trung học tập”, cô giáo Phượng cho biết.

Bà Lê Thị Ngọc, phụ huynh học sinh Nguyễn Thu Trang, lớp 7A2 bày tỏ: “Hai năm vừa qua, với sự ân cần chỉ bảo của cô giáo chủ nhiệm Phùng Thị Phượng, con tôi tiến bộ rõ rệt trong học tập và rèn luyện. Từ một cô bé nhút nhát, nay con đã tự tin, chủ động hơn và đặc biệt là luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với bạn bè”.

Nhận thấy rõ những hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, cô giáo Phượng còn không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp và tìm tòi nhiều tài liệu để nâng cao kiến thức, kỹ năng. Giáo án sau mỗi bài giảng luôn được cô đúc rút kinh nghiệm, đồng thời cập nhật những câu chuyện, tình huống thực tế để việc học văn đối với học trò thật tự nhiên và mang tính giáo dục cao. Cô cũng đã đoạt giải tại một số cuộc thi cấp thành phố, như Hội thi Giáo viên giỏi; thi Thiết kế bài giảng E-Learning…

Cô giáo có tấm lòng nhân ái

Không chỉ vững chuyên môn, nhiệt huyết với nghề, cô giáo Phùng Thị Phượng còn được đồng nghiệp nể trọng, phụ huynh và học sinh yêu mến, cảm phục, bởi tấm lòng nhân ái.

Là giáo viên được Ban Giám hiệu tin tưởng giao làm công tác chủ nhiệm, cô giáo Phùng Thị Phượng luôn tâm niệm: Dạy văn là dạy làm người. Việc hình thành nhân cách của học sinh chịu tác động đa chiều từ xã hội. Nếu được định hướng đúng đắn, các con sẽ phát triển tốt. Muốn vậy, giáo viên phải luôn đồng hành, lắng nghe và chia sẻ với các con bằng tất cả tình yêu thương, từ đó mới tạo được sự tin tưởng của học trò để có thể biết các con nghĩ gì, cần gì…

Minh chứng điều này, em Nguyễn Trần Bảo Ngọc, học sinh lớp 7A2 cho biết: “Cô Phượng hay bị ốm, nhưng rất hiếm khi nghỉ dạy. Cô hiểu rõ tính của từng bạn trong lớp và rất tâm lý, bạn nào có chuyện buồn hay khúc mắc việc gia đình đều tìm đến cô để chia sẻ. Chúng em coi cô như người mẹ thứ hai của mình…”.

Nhiều năm nay, khi biết học sinh nào ở trường có hoàn cảnh khó khăn, hoặc cần sự động viên, giúp đỡ, cô Phượng đều ân cần hỏi han và có hình thức giúp đỡ phù hợp. Với những lớp cuối cấp, ngoài việc tăng cường thời gian ôn tập tại lớp, cô sẵn lòng dành thời gian cuối giờ học hoặc vào ngày nghỉ để dạy bổ trợ miễn phí cho những em còn đuối về kiến thức, kỹ năng… Nhờ sự nỗ lực của cả cô và trò, lớp cô Phượng chủ nhiệm luôn đạt thành tích tốt trong các đợt thi đua của trường; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp 10 của các trường chuyên và trường công lập luôn cao… Cũng ít ai biết rằng, đến tận bây giờ, cô giáo Phượng vẫn phải đi thuê nhà ở. Chiếc máy điều hòa duy nhất của gia đình luôn được nhường cho học sinh đến nhà cô học trong những ngày thời tiết nắng nóng.

Thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ khi bố ở xa, mẹ sức khỏe yếu, lại bộn bề công việc, hai con trai của cô giáo Phượng đều học giỏi và ngoan ngoãn, tiếp thêm động lực cho cô, trong đó người con lớn đang học Trường Đại học Y - Dược Thái Bình, còn con thứ hai đang học Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ.

Nhắc tới cô giáo Phượng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong Hoàng Thị Minh Phương cho biết, cô Phùng Thị Phượng là người rất tâm huyết, nhiệt tình, tận tâm với học trò, có tinh thần trách nhiệm cao và luôn được Ban Giám hiệu tin tưởng, đồng nghiệp và phụ huynh học sinh quý mến, kính trọng. Bất kể thời gian nào, khi đồng nghiệp cần, cô giáo Phượng luôn sẵn lòng hỗ trợ. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe yếu, song cô luôn nỗ lực vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng khẳng định, tấm gương của cô giáo Phượng là động lực và niềm tự hào cho đội ngũ giáo viên toàn ngành Giáo dục quận phấn đấu, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh nhà giáo Hà Nội mẫu mực.

Với nghị lực và sự tâm huyết với nghề, cô giáo Phùng Thị Phượng đã được Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2019-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị lực của một nữ nhà giáo Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.