Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một văn bản quản lý Nhà nước có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của nền văn học Việt Nam trong bối cảnh mới.
Văn bản chiến lược cho phát triển văn học
Văn học là một trong những trụ cột của đời sống tinh thần, góp phần định hình bản sắc văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn con người và phản ánh những giá trị xã hội. Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, trong thời đại ngày nay, khi thế giới bước vào kỷ nguyên số, văn học đang có những sự chuyển mình mạnh mẽ. Các nền tảng xuất bản điện tử, sách số, văn học mạng, trí tuệ nhân tạo… đang đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho người cầm bút. Văn học không chỉ đơn thuần là những trang giấy mà đã mở rộng ra các hình thức thể hiện đa dạng hơn, tiếp cận đông đảo công chúng hơn, nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu về việc bảo tồn giá trị nghệ thuật và định hướng sáng tạo trong một môi trường đầy biến động.
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm khuyến khích sự phát triển của văn học như các nghị quyết, chính sách hỗ trợ sáng tác, tổ chức trại sáng tác, giải thưởng văn học… nhằm tôn vinh và động viên các nhà văn.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những khoảng trống và thách thức trong việc khuyến khích phát triển văn học, như chưa có cơ chế tài trợ, đặt hàng sáng tác đủ mạnh để tạo điều kiện cho các nhà văn theo đuổi những đề tài lớn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; các trại sáng tác chưa thực sự phát huy hiệu quả; hoạt động quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học vẫn còn hạn chế…
“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc xây dựng một hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển văn học trở nên cấp thiết, nhằm bảo đảm văn học vừa giữ vững truyền thống, vừa tiếp cận những xu hướng sáng tạo mới. Việc ra đời Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học không chỉ là một chủ trương đúng đắn mà còn là một đòi hỏi cấp thiết trước những vận động mới của đời sống xã hội và sáng tạo văn học”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.
Qua quá trình xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra dự thảo lần 2 Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học gồm 34 điều trong 7 chương; áp dụng cho tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động văn học tại Việt Nam.
Dự thảo Nghị định khẳng định Nhà nước hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động sáng tác tác phẩm văn học; tổ chức trại sáng tác văn học; tổ chức cuộc thi sáng tác văn học; giải thưởng văn học quốc gia; giới thiệu, quảng bá văn học; dịch văn học; phổ biến văn học. Dự thảo quy định những nội dung cơ bản về quản lý nhà nước đối với văn học; dừng tổ chức các hoạt động văn học, thu hồi giải thưởng và kinh phí thực hiện đối với các hoạt động văn học.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan có trách nhiệm tổ chức các trại sáng tác văn học theo định kỳ hàng năm; quy định cụ thể về nội dung của Quy chế trại sáng tác văn học, Hội đồng chuyên môn trại sáng tác văn học. Dự thảo cũng quy định về giải thưởng văn học quốc gia; khẳng định rõ vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc lựa chọn các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao xứng đáng để tôn vinh giải thưởng quốc gia.
Dự thảo còn quy định tiêu chí lựa chọn tác phẩm tiêu biểu cho văn học Việt Nam để giới thiệu quảng bá, hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm tại nước ngoài; giới thiệu tác phẩm có chất lượng đại diện cho văn học Việt Nam tham gia các cuộc thi, giải thưởng văn học uy tín quốc tế; xây dựng trang thông tin điện tử về văn học Việt Nam…
Cần quy định chặt chẽ, thiết thực
Tại hội thảo, hầu hết các nhà nghiên cứu, nhà văn, đại diện đơn vị xuất bản, những người hoạt động trong lĩnh vực văn học đều khẳng định chủ trương xây dựng Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết để thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển bền vững, có nhiều tác phẩm giá trị. Tuy nhiên, nội dung các quy định cần chặt chẽ, thiết thực, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội góp ý, khi xây dựng Nghị định, Ban soạn thảo cần xem xét văn học như một ngành công nghiệp văn hóa. Bởi không chỉ đóng góp cho ngành xuất bản, văn học còn là đầu vào cho các ngành điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, múa… Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nội dung Nghị định phải hướng tới xây dựng hệ sinh thái văn học, gồm các hoạt động sáng tác, hỗ trợ sáng tác, quảng bá tác phẩm, kết nối với các ngành công nghiệp văn hóa khác; đồng thời chú ý đầu tư công nghệ cho hoạt động sáng tác và phổ biến tác phẩm văn học.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đồng tình và bày tỏ vui mừng khi có giải thưởng văn học quốc gia như dự thảo Nghị định nêu. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (Hội Nhà văn Hà Nội) cho rằng, đây sẽ là một giải thưởng chuyên sâu về văn học, có tác động lớn đến đời sống văn học nước nhà.
Đồng quan điểm, nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá cao việc ra đời giải thưởng văn học quốc gia, đồng thời kiến nghị, cần quy chế rõ ràng để tránh trùng lặp với các giải thưởng khác như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật hay Giải thưởng Sách quốc gia…
NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam góp ý, Ban soạn thảo cần xem lại một số hoạt động trùng với nhiệm vụ của các hội văn học, nghệ thuật, ví dụ tổ chức trại sáng tác để tránh chồng chéo…
Nhà văn Đặng Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng cho rằng, dự thảo Nghị định chưa đề cập đến cơ chế, chính sách, quy định cụ thể cho việc khuyến khích, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học. Ví dụ như chính sách cấp học bổng và hỗ trợ học tập cho các sinh viên, học viên, học sinh có năng khiếu văn học theo học các chuyên ngành văn học, sáng tác; hỗ trợ kinh phí cho các nhà văn trẻ, những tác giả có tiềm năng và triển vọng phát triển tốt được tham gia các trại viết, hội nghị, khóa đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Điều này cần được nghiên cứu, bổ sung…
Còn Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Đỗ Kim Oanh đề nghị Ban soạn thảo làm rõ, bổ sung thẩm quyền cơ quan tiếp nhận tổ chức hoặc dừng tổ chức các hoạt động văn học, thu hồi giải thưởng văn học, để thuận lợi hơn cho việc thực thi Nghị định sau khi ban hành...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.