PGS.TS Vũ Nho không chỉ được biết đến với vai trò một nhà giáo tận tâm, mà còn là một nhà văn, nhà phê bình văn học và dịch giả uy tín.
Với hơn 100 đầu sách đã xuất bản, ông để lại dấu ấn sâu sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình và sáng tác văn học. Là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội, ông luôn thể hiện một tinh thần lao động miệt mài, không ngừng khám phá và đóng góp cho sự phát triển của văn học nước nhà. Những trang viết của ông không chỉ mang giá trị học thuật mà còn chứa đựng tình yêu sâu sắc đối với con người và cuộc sống.
1. Suýt soát tuổi 80 nhưng trong những cuộc gặp gỡ, PGS.TS Vũ Nho vẫn vui miệng gọi “cậu”, xưng “tớ” với lớp trẻ, những người chỉ đáng tuổi con cháu ông. Nụ cười hóm hỉnh, dễ mến, cách nói chuyện khoan hòa khiến người đối diện cảm thấy vững tâm, và cứ hễ chạm đến những vấn đề văn chương tâm đắc, ông lại nói một cách say sưa, cuốn hút, với nhiều chi tiết mang tính phát hiện, thậm chí phản biện những luận đề “khuôn vàng thước ngọc” của các nhà nghiên cứu tầm cỡ. Sinh trưởng trên mảnh đất Gia Viễn (Ninh Bình), học cấp ba ở Nho Quan, vùng đất có tên gọi từ triều Nguyễn, năm Tự Ðức thứ 15 (năm 1862), với ý nghĩa là vùng đất nho nhã, văn hiến nên ngay từ thuở thiếu thời, ông đã thấm nhuần một cốt cách hiền hòa, nhã nhặn nhưng cũng vô cùng kiên định.
Trời cho PGS.TS Vũ Nho một chất giọng trầm ấm, lôi cuốn, một tư duy lập luận vừa khoa học vừa rất đời. Đó có thể là kết quả của những năm tháng ông là sinh viên xuất sắc khóa đầu tiên, rồi được giữ lại giảng dạy tại ngôi trường Đại học Sư phạm Việt Bắc những năm 70 của thế kỷ trước. Niềm say mê kiếm tìm ẩn ngữ và vẻ đẹp văn chương nhen nhóm và bừng dậy trong Vũ Nho từ thời sinh viên. Những tác phẩm đầu tay đăng trên tạp chí Văn nghệ Việt Bắc và sau đó càng trở nên chín muồi khi ông trở thành giảng viên trẻ của một trong những ngôi trường Đại học Sư phạm đầu tiên của miền Bắc. Có lần, ông kể cho tôi một kỷ niệm thời mới tốt nghiệp, đứng trên bục giảng của ngôi trường này. Đó là khi ông bắt gặp câu ca: “Con dao vàng rọc lá trầu vàng/ Mắt anh, anh liếc, mắt nàng, nàng đưa”. Đứng trước một áng ca dao “tình” đến ngỡ ngàng, người thầy giáo trẻ đã đi đến tận cùng ngữ nghĩa của dân gian và tình đời, để rồi mỗi ngày một “lún sâu” vào con đường bình giải, đi tìm vẻ đẹp văn chương.
Năm 1979 (31 tuổi), PGS.TS Vũ Nho xuất bản cuốn sách đầu tiên, là cuốn sách chuyển ngữ từ tiếng Nga có nhan đề “Luống cày của Vít-ca”. Thế rồi liên tục hơn 40 năm qua, ông miệt mài vừa dịch thuật văn học thiếu nhi, vừa viết nghiên cứu, phê bình, sáng tác, viết sách tham khảo cho giáo viên và học sinh với số đầu sách in riêng xấp xỉ 30 cuốn, còn sách in chung thì không đếm xuể. Trong phê bình, PGS.TS Vũ Nho thể hiện sự am tường và tinh tế. Ông có phong cách bình thơ tài hoa, độc đáo. Các ấn phẩm phê bình đặc sắc của ông có thể kể đến cuốn “Thơ chọn và lời bình”, “Trần Đăng Khoa: Thần đồng thơ ca”, “Đi giữa miền thơ”, “33 gương mặt thơ nữ”, “Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều”, “Hồ Xuân Hương - Đời và thơ trên những tư liệu mới”... Khi viết sách cho giáo viên, học sinh, ông đề cao tính chính xác nhưng không bỏ qua các phát hiện mới, những nội dung sáng tạo, mang tính kích hoạt tưởng tượng, thể hiện qua các ấn phẩm: “Những gợi ý về nội dung, phương pháp dạy văn cấp 2”, “Nghệ thuật đọc diễn cảm”, “Vận dụng dạy học nêu vấn đề trong giảng văn trường THCS”, “Thơ và dạy học thơ”, “Dạy học văn ở trường phổ thông”... Sáng tác của Vũ Nho khắc họa rõ cảm xúc tâm hồn nhiều rung động, đôn hậu và dung dị. Năm 2007, ông in chung với các nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn, Trần Đăng Thao tập thơ “Tam ca”. Vũ Nho đã có những câu thơ vụt hiện, nhiều suy ngẫm như “Biển xanh/ và/ Mắt em xanh/ Biển xa ngái/ còn/ Mắt em gần quá/ Anh rất sợ một mình nơi biển cả/ Nhưng/ lại ước/ Một mình trong mắt em!" ("Biển xanh"). “Gặp lại” vùng cao, ông ngẫu hứng thành thơ: “Ăn mèn mén, uống rượu ngô, đi xe cót/ Đêm đá cao xanh lồng lộng sao trời/ Xin hãy tặng cho nhau quẩy tấu/ Để mai gùi Mèo Vạc về xuôi" ("Mèo Vạc").
2. Viết về gia tài văn chương của PGS.TS Vũ Nho, nhà thơ Trần Đăng Thao có thơ vui: “Đệ nhất văn tài chính Vũ Nho/ Hơn trăm đầu sách oách một kho/ Nhìn ngang sách cụ đầy ba giá/ Ngó dọc thơ ông nhỉnh nửa vò/ Vui dạo Âu Nga buồn tới Úc/ Bình thơ mấy thím cũng xôm trò...”.
Học tập, công tác ở nhiều vùng đất như Tây Bắc, Liên Xô (cũ) và rồi về công tác ở Viện Nghiên cứu Giáo dục, gắn bó với Hà Nội, thế nhưng có lẽ trong tâm khảm của PGS.TS Vũ Nho luôn khắc ghi về nơi "chôn nhau cắt rốn". Trang cá nhân được ông đặt tên “Vũ Nho Ninh Bình” gửi tới lời mời “Đây là quán tha hồ muôn khách đến” luôn cập nhật các hoạt động, thông tin, bài viết của bản thân và các bạn văn. Nhà thơ, TS Trần Đăng Thao, người đồng hương với PGS.TS Vũ Nho, vốn rất thông hiểu chữ Hán vẫn thường gọi vui ông là “nghè Vũ”. Cũng những ngày Nguyên tiêu cách đây 6 năm, Trần Đăng Thao công bố bài thơ vui “Gửi nghè Vũ” với những câu nói lên cốt cách của người bạn vong niên: “Á - Âu tích hợp tác nhân duyên/ Đại địa văn chương ngũ thập niên/ Bằng hữu tương giao văn mạch sảng/ Tài cao tâm thiện thế nhân hiền" (Dịch nghĩa: Trong con người bác gồm hai mặt Á - Âu tích hợp lại/ Bác tung tẩy trên cánh đồng văn chương 50 năm nay/ Bè bạn quây quần mạch văn hào sảng/ Tài cao lòng thiện đáng gọi là người hiền của đời).
Năm 2019, PGS.TS Vũ Nho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Hà Nội văn chương từ một góc nhìn” viết về vùng đất ông đã gắn bó hơn 30 năm qua. Ở đó, ông dựng lại chân dung của các văn nhân Hà Nội từ thời trung đại đến hiện đại và đương thời nhằm làm nổi bật lên bức tranh văn chương của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
3. Những năm qua, dường như tuổi tác “không thành vấn đề” với PGS.TS Vũ Nho. Ông vẫn có mặt ở các sự kiện văn học, các chuyên đề văn chương, viết phê bình tiểu luận và đều đều ra sách. Đặc biệt trong các ấn phẩm mới gần đây, ông thể hiện sự đào sâu, tìm tòi về những đề tài, tác giả, nhân vật văn chương nổi tiếng như “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, "Hồ Xuân Hương đời và thơ trên những tư liệu mới"... Chưa hết, thông qua ngòi bút sắc sảo, chí lý và cũng đầy thẳng thắn, nhà văn tuổi Mậu Tý còn tham gia phản biện những vấn đề đời sống, xã hội, văn hóa, giáo dục. Ở ông, luôn tràn trề tinh thần trách nhiệm và tiếng nói của người cầm bút, của một nhà giáo, công dân không khoanh tay im lặng ngoảnh mặt trước thực trạng văn chương và cuộc sống. Cương quyết và cũng đầy trách nhiệm là vậy nhưng cũng rất đỗi nhẹ nhàng, gần gũi, PGS.TS Vũ Nho không nề hà bất cứ một vấn đề văn chương gai góc nào. Ông nói và viết bằng hiểu biết lịch sử, văn hóa và hơn cả là sự trải đời, trải nghiệm cuộc sống qua các thời kỳ. “Chạm” đến một vấn đề quan tâm, đôi mắt ông bừng sáng, tinh tường, giọng nói của ông trở nên linh hoạt, sôi nổi, nói bằng hết, bằng cạn đến tầng sâu, cội rễ. Ở tuổi 80, từ ngôi nhà ở phố Phan Đình Giót, ngay bên cạnh Học viện Giáo dục, ngày ngày ông vẫn giữ nếp đi bộ, đọc sách, viết văn, đi đây đi đó, tung tẩy trên “cánh đồng” văn chương...
PGS.TS, nhà phê bình văn học Vũ Nho (sinh năm 1948) là sinh viên khoa Ngữ văn (khóa đầu tiên 1966 - 1970) của Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Học tập tốt, say mê sáng tác và nghiên cứu văn học, tốt nghiệp Vũ Nho được giữ lại trường công tác, rồi được cử sang Liên Xô đào tạo nghiên cứu sinh. Trở về, với học vị Tiến sĩ, ông tiếp tục làm cán bộ giảng dạy ở khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, sau đó về Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo chuyên môn ở Vụ Giáo dục Trung học, làm chuyên viên ngành Giáo dục, được phong hàm Phó Giáo sư năm 1991, rồi chuyển về công tác ở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đến lúc nghỉ hưu.
PGS.TS Vũ Nho là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm “Bình thơ” của ông đã được Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tặng giải C năm 2015...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.