Từ đầu năm đến nay, trên một số tuyến đường thuộc thành phố Hồ Chí Minh, người dân phát hiện nhiều cây xanh bỗng dưng trút lá, khô cành rồi chết đứng.
Ngoài chức năng làm lá phổi xanh cho thành phố khoảng 10 triệu dân đang sống trong tình trạng không khí bị ô nhiễm nặng như hiện nay, cây xanh còn mang lại mỹ quan đô thị, che mưa che nắng cho người dân hàng ngày. Do đó, bất cứ sự thay đổi khác thường nào người dân đều nhận biết, nhưng cơ quan chủ quản về cây xanh thành phố cho đến nay vẫn còn nhiều việc… chưa biết.
Khoảng giữa tháng 4-2016, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP có báo cáo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh về thực trạng cây xanh chết khô: “Trong năm 2015, Công ty đã phát hiện có 739 cây xanh trên địa bàn thành phố bị xâm hại. Thời gian gần đây tình trạng xâm hại cây xảy ra nhiều và mang tính chất nghiêm trọng…”.
Ai đầu độc cây xanh? Nhằm mục đích gì? “Một đời người, một rừng cây”… câu hát đó càng khiến cho con người hoài tiếc những cây cổ thụ đã có gần 100 tuổi trên đường phố Sài Gòn bỗng dưng chết đứng.
Chú Tám, chạy xe ôm tại ngã tư Cống Quỳnh - Nguyễn Thị Minh Khai gần 40 năm tâm sự: “Ai mà ác quá, cây dầu trồng từ mấy đời nay bỗng dưng bị chết khô. Tôi chắc chắn có người “hại” nó…”. Phía bên kia đường Nguyễn Thị Minh Khai, 3 cây dầu cổ thụ mang mã số 270, 272, 274 chết khô đứng giữa trời.
Quan sát thêm, chỉ cách đó hơn 10m cũng có một cây dầu khác sắp chung số phận. Tôi nhớ, ở Singapore, pháp luật và chính quyền sẽ quy trách nhiệm cho chủ nhà hoặc chủ cơ sở kinh doanh nếu để cây xanh trước nhà bị chết không có lý do chính đáng lập tức sẽ bị xử phạt khá nặng. Bạn tôi, chủ tiệm phở ở đảo quốc sư tử này tên Liu Chang từng bị phạt rất nặng bởi một cây xanh trước tiệm chết do người làm vô ý đổ nước đun sôi khi dọn dẹp tiệm. Trong khi ở nước ta, cây sống hay cây chết, cây trồng sai kỹ thuật bật gốc còn bọc nilon trở thành chuyện bình thường.
Cách đây vài tháng, trên đường Trường Sơn, thuộc phường 2, quận Tân Bình có 6 cây me tây trồng xòe tán rợp mát... bỗng nhiên khô héo, rụng lá rồi chết khô. Khi đó, người qua đường phát hiện ra sau lưng 6 cây me khô là một tấm biển quảng cáo rất lớn. Có liên quan gì đến nhau không? Một người dân buôn bán nước giải khát gần đó cho biết: Chắc chắn họ đổ hóa chất xuống nên cây mới chết đồng loạt và cùng một dãy như vậy.
Có thể điểm danh hàng loạt cây xanh đã chết tương tự tại đường Nguyễn Tri Phương (quận 5), đường 3-2 (quận 10), Phan Đình Giót, Nguyễn Văn Hưởng, Tân Phú, Tôn Thất Tùng, Trần Huy Liệu… và cây sọ khỉ to hai người ôm không xuể cạnh Liên đoàn Lao động TP trên đường Cách mạng Tháng Tám, cây sao đen chết đứng, còn cây sọ khỉ cổ thụ đã bị cưa hạ chỉ còn đoạn gốc khổng lồ nằm trơ trọi bên vệ đường. Đây là những cây cổ thụ sống lâu năm, gốc rất to khỏe, chắc chắn, không có dấu hiệu gì của sâu bệnh, rỗng mục thì tại sao chết khô? Có một nghi vấn trong việc cây chết khô hầu hết là cây đó đứng ở vị trí trước một cửa nhà riêng của dân hay cơ sở kinh doanh, buôn bán?
Cây chết khô ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. |
Dẫn lời ông Nguyễn Khắc Dũng - Trưởng phòng QL Cây xanh (Sở GTVT TP) cho biết: Thời gian qua trên địa bàn TP xảy ra nhiều cây xanh chết khô, các báo cáo của đơn vị quản lý có nêu việc phát hiện mùi hóa chất nồng nặc dưới gốc cây. Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng địa phương điều tra, xác minh nhưng chưa có kết quả.
Hiện trên các đường phố nội thành có khoảng 130.000 cây xanh cổ thụ các loại phân cấp cho 4 khu quản lý giao thông đô thị và Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn quản lý theo khu vực, địa bàn. Từ đây, các đơn vị được giao sẽ hợp đồng với đơn vị chuyên môn để duy tu, bảo quản thường xuyên các loại cây xanh. Trong đó, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh trực tiếp quản lý, chăm sóc gần 100 ngàn cây xanh. Khi xảy ra trường hợp cây xanh bị chết, cần thiết phải tìm hiểu, phân tích xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân do kỹ thuật, chăm sóc hay do tác động xâm hại của con người để từ đó có biện pháp xử lý thích đáng.
Nhưng theo phân cấp quản lý, Công ty Công viên cây xanh là đơn vị gần như “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và kiêm luôn nhà tổ chức. Muốn bắt quả tang kẻ đầu độc cây xanh, cần phải có kế hoạch, phối hợp đồng bộ, lâu dài giữa cơ quan chủ quản, chuyên môn, chính quyền và Công an. Trong đó, công tác xác minh, điều tra, tuần tra, kiểm tra camera an ninh, giao thông... phải được tiến hành đồng bộ thì mới tóm được kẻ xâm hại cây xanh nếu có.
Cây xanh là một bộ phận cấu thành hạ tầng đô thị không thể tách rời cuộc sống con người, thành phố đang có nhiều dự án mở rộng, trồng thêm hàng trăm ha cây xanh thì không lý do gì chúng ta lơi lỏng trong quản lý để cây xanh cổ thụ bị kẻ xấu “đầu độc” từng ngày. Đó là chưa kể đến những thiệt hại trong công tác duy tu, chăm sóc, bảo quản cây xanh chi ra hàng ngày, hàng năm…
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 49 Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở thì hành vi vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa sẽ bị xử lý như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh hoặc tự ý xâm hại, cản trở sự phát triển của cây xanh trong khu vực đô thị;
– Tổ chức, cá nhân được giao quản lý không thực hiện đúng các quy định về duy trì, chăm sóc, phát triển cây xanh đô thị.
Đây là mức phạt đối với đơn vị, tổ chức. Trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt bằng một nửa, tức là từ 5 – 7,5 triệu đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.