(HNM) - TP Hồ Chí Minh có khoảng 1.000km sông, kênh, rạch, với nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường thủy. Tuy nhiên, đến nay, lợi thế ấy vẫn chưa được phát huy hiệu quả.
Nhiều lợi thế
Ông Trần Văn Giàu, Giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh cho rằng, so với các tỉnh trong khu vực, không có nơi nào có mật độ sông rạch dày đặc ở khu vực nội đô như TP Hồ Chí Minh. Trong đó, hai tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé khá hấp dẫn du khách, chưa kể kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã hoàn thành giai đoạn 1, các tuyến kênh này đều chạy len lỏi qua các quận trung tâm như 1, 3, 4, 5, 6 và 10. Ðây là khu vực tập trung nhiều địa chỉ văn hóa lịch sử với cảnh quan kiến trúc đặc trưng của thành phố, thu hút nhiều du khách. Khá tương đồng về quan điểm, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lửa Việt Tours nhìn nhận, du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh có lợi thế hơn các địa phương khác là nhờ cơ sở hạ tầng và dịch vụ phát triển, phong cách phục vụ thân thiện, chuyên nghiệp.
Du lịch đường thủy TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. |
Đánh giá về lợi thế của ngành du lịch đường thủy, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, có thể liên kết trực tiếp với tất cả vùng kinh tế trọng điểm của Nam Bộ. Hệ thống đường thủy nội địa thành phố phân thành 3 cấp với 110 tuyến gồm: 16 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, dài 252km; 7 tuyến hàng hải, dài gần 147km và 87 tuyến đường thủy nội địa địa phương, dài hơn 574km. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở GTVT đã giao Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố (Chủ đầu tư) đầu tư xây dựng 11 bến du lịch, 6 bến đã hoàn thành và dự kiến, đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành 5 bến còn lại cùng 1 bến đỗ để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo đà phát triển du lịch đường thủy.
UBND TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt đề xuất đầu tư hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hai tuyến sẽ đi qua các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hũ thuộc các quận: 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh và Thủ Đức. Dự kiến tiến độ thi công xây dựng công trình thực hiện 2 năm (2015 - 2016), với tổng mức đầu tư 128 tỷ đồng. Mục tiêu dự án nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TP Hồ Chí Minh bằng đường thủy, góp phần hỗ trợ hệ thống giao thông đường bộ và phát triển hoạt động du lịch đường thủy. |
Nhưng phát triển chưa tương xứng
Theo ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh), hệ thống bến cầu tàu phục vụ hành khách chưa được chỉnh trang, tổ chức lại một cách hợp lý, nên chưa khai thác hết tiềm năng, hiệu quả phục vụ hành khách và phương tiện thủy vận chuyển khách tham quan du lịch. Bên cạnh đó, tất cả điểm đến trên các tuyến đường thủy chính hiện nay đều có cầu tàu thô sơ, thuyền lớn chỉ cập bến trung tâm và khó cập các bến khác trên tuyến. Đối với các điểm nằm trong các kênh, rạch, hoàn toàn không có bến, mà chỉ có cầu dẫn tự phát. Ngoài ra, cự ly giữa các bến khai thác có khoảng cách không phù hợp, nơi quá gần, nơi lại quá xa. Một số tuyến đường thủy khó đưa vào du lịch bởi tĩnh không cầu thấp, tàu thuyền du lịch khó lưu thông.
Ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng, du lịch đường thủy TP Hồ Chí Minh giàu tiềm năng nhưng thiếu sự kết nối giữa tàu du lịch, khu du lịch và các công ty lữ hành để tổ chức thành tour tuyến sinh thái. Vì thế, các đầu mối cần ngồi lại với nhau để liên kết chặt chẽ nhằm phát triển hoàn thiện loại hình du lịch này trong những năm tới. "Có thể kết hợp tổ chức các chuyến du lịch bằng buýt đường sông ngoạn cảnh thành phố kiểu "City sight", đặc biệt vào buổi tối. Để thực hiện điều đó cần phải quy hoạch lại bờ sông, tạo những điểm nhấn, nối các trạm dừng với từng điểm du lịch vệ tinh dọc hành trình" - ông Mỹ khuyến nghị.
Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, thời gian tới, ngành du lịch thành phố sẽ thay đổi cách triển khai đề án phát triển du lịch. Theo đó, thay vì Sở Du lịch làm hết thì sẽ yêu cầu chính quyền các quận, huyện có tuyến du lịch đường sông trực tiếp tham gia như: Xác định nhu cầu; địa điểm bến, trạm dừng; kinh phí đầu tư; quy hoạch mạng lưới các điểm dừng, bến đỗ,... từ đó tạo đà cho loại hình du lịch này phát triển xứng tầm hơn. Theo kế hoạch hết năm 2015, thành phố sẽ cải tạo và xây mới 45 bến đỗ, cầu tàu, nhà chờ…; tổ chức kết nối đường bộ tới các điểm tham quan phục vụ tàu thuyền, khách đi tàu; phát triển 65 điểm tham quan du lịch tại các quận, huyện có tuyến du lịch đường sông… nhằm tiếp tục phát triển loại hình du lịch đường thủy trở nên hấp dẫn hơn cho du khách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.